DŨNG CẢM LỰA CHỌN NGÀNH Y – TỰ HÀO TRỞ THÀNH NHÂN VIÊN Y TẾ

Ngày nhập học giảng đường đại học y, tôi nhớ mãi tấm băng rôn trước cổng trường in đậm dòng chữ: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Cho đến sau này khi đọc các tài liệu tôi mới biết đây là một kết luận được Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đưa ra. Bây giờ, là một bác sỹ công tác trong ngành y đồng thời cũng mang trách nhiệm của một giảng viên đào tạo sinh viên y tại trường đại học y khoa Tokyo Việt Nam một chặng đường đủ dài, tôi càng thấy thấm thía từng câu từng chữ của triết lý ấy.

Hình 1. ThS. BS Đào Khánh Linh và TS Shukoh Yamadate trong một buổi giảng cho sinh viên
Hình 1. ThS. BS Đào Khánh Linh và TS Shukoh Yamadate trong một buổi giảng cho sinh viên

Ngành y đặc biệt bởi vì là sự giao thoa giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nghĩa là không chỉ cần đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn, kỹ năng tay nghề mà còn phải rất chú trọng rèn luyện y đức, giao tiếp với người bệnh và với đồng nghiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng căn dặn: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.
Quay trở lại với thời điểm phân vân lựa chọn theo đuổi ngành học nào để gắn bó nghề nghiệp trong tương lai, hầu hết những người tôi biết làm trong ngành y đều khuyên rằng chọn học y sẽ rất vất vả, phải kiên trì theo đuổi và mất một thời gian dài học tập trước khi vào nghề. Gia đình, người thân, họ hàng của tôi không có bất cứ ai làm công việc gì liên quan đến ngành y, vì vậy có thể nói lựa chọn khi đó của tôi là dũng cảm. Bắt đầu trở thành sinh viên năm nhất, tôi choáng ngợp với khối lượng kiến thức khổng lồ cần tiếp thu trong thời gian ngắn, phương pháp học tập mới đòi hỏi phải chủ động nắm bắt thông tin chứ không thể thụ động như học phổ thông. Đổi lại ngay lập tức tôi cũng bị lôi cuốn bởi sự thú vị khi học giải phẫu, sinh lý rồi mô học, vi sinh, ký sinh trùng, miễn dịch, bệnh lý học… Hóa ra cơ thể người lại kỳ diệu đến như vậy, thế giới vi sinh vật gây bệnh lại vô cùng phong phú và phức tạp. Những buổi học thực tập ở labo với kính hiển vi, mô hình … luôn cuốn hút, kích thích sinh viên khám phá và tích lũy được kiến thức mới một cách tự nhiên mà không cần phải miễn cưỡng nhồi nhét.

Hình 2. Sinh viên thực tập với kính hiển vi tại khoa kỹ thuật xét nghiệm y học –Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam
Hình 2. Sinh viên thực tập với kính hiển vi tại khoa kỹ thuật xét nghiệm y học –
Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam

Vất vả thấm dần khi lịch học và thực tập gần như kín tuần, chỉ có cuối tuần là thời gian để ôn tập, thi cử. Đến lúc quen dần với guồng quay này thì cũng đến thời điểm đi học thực tập tại bệnh viện mà ngành y gọi là đi lâm sàng (tới giường bệnh để học tập trực tiếp), kèm theo đó là những buổi trực đêm và trực cuối tuần tại các khoa phòng của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương… Vậy nên dù đã xác định từ đầu học y là vất vả, nhưng phải đến lúc này tôi mới rõ đây là ngành học cực nhọc hơn nhiều so với các ngành khác. Hơn tất cả, việc tiếp xúc với người bệnh cho tôi sự thấu hiểu nỗi đau đớn, bất hạnh của họ khi mắc bệnh. Chính sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế cùng sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện cận lâm sàng như xét nghiệm, hình ảnh y học … giúp việc chẩn đoán và điều trị thành công, giúp họ khỏi bệnh. Khi ấy, niềm vui của gia đình được đón người thân hồi phục trở về thật sự trân quý biết nhường nào. Can đảm lựa chọn, để rồi lúc này tôi nhận ra mọi sự vất vả rồi sẽ được đền đáp xứng đáng.
Tốt nghiệp đại học, thi đỗ bác sĩ nội trú, được truyền lửa từ những người thầy tuyệt vời đã dìu dắt và cho tôi nhiều kinh nghiệm quý giá cũng như sự say mê khoa học và công việc giảng dạy, tôi quyết tâm dấn thân vào bước tiếp theo của sự nghiệp bên cạnh nghề thầy thuốc, đó là trở thành một thầy giáo. Chính các bạn sinh viên là một nguồn động lực để mỗi ngày tôi không ngững nỗ lực đem những kiến thức, kỹ năng có được khi làm việc tại bệnh viện truyền đạt tới các bạn và quan trọng nhất là truyền cho các bạn niềm cảm hứng để say sưa học tập và tình yêu nghề y, sự tự hào khi phấn đấu trở thành một nhân viên y tế giỏi trong tương lai.

Hình 3. Thầy trò khoa kỹ thuật xét nghiệm y học trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam
Hình 3. Thầy trò khoa kỹ thuật xét nghiệm y học trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam

Với các bạn học sinh cuối cấp đang phân vân đứng trước nhiều sự lựa chọn giữa các ngành học, giữa các trường đại học, tôi có một lời khuyên cho các bạn: “Hãy dũng cảm lựa chọn, mọi cố gắng nỗ lực của các bạn đều sẽ được đền đáp xứng đáng.” Rất mong chờ sẽ tiếp tục được chào đón những bạn tân sinh viên có hứng thú với ngành y, để chúng tôi có cơ hội ươm mầm những hạt giống đỏ cho ngành y tế nước nhà, đem y học Việt Nam hội nhập với thế giới.

ThS. BS Đào Khánh Linh

Giảng viên khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học

THUV TRAO HỌC BỔNG 75% HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN NĂM NHẤT XUẤT SẮC HỌC KỲ I NĂM HỌC 2024–2025

Nhằm ghi nhận và khích lệ tinh thần học tập của các tân sinh viên,...

Đoàn Khảo Sát Trung Ương Làm Việc Tại Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam Về Việc Triển Khai Kết Luận Số 94-KL/TW

Chiều ngày 16/4/2025, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (THUV) đã vinh dự...

Công nghệ trị liệu hiện đại – chìa khóa cho sự phát triển ngành phục hồi chức năng

Bạn đang tìm kiếm một ngành học tiềm năng, có tính ứng dụng cao và...

Xu hướng và cơ hội nghề nghiệp của Kỹ thuật viên Y tế

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và ngành nghề Kỹ thuật viên Y tế tại...

AI trong y tế – triển vọng điều trị trong tương lai

Trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tác động lớn trong lĩnh vực chăm sóc...

Hoạt động điện của tim

Các ion tạo dòng điện trong cơ tim chủ yếu là ion natri (Na⁺), ion...