BÁC SĨ ĐẶNG VĂN NGỮ – QUAN ĐIỂM SỐNG VÀ NHỮNG PHẨM CHẤT ĐÁNG QUÝ
Bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã tìm ra loại nấm có thể tổng hợp Penicillin (nước lọc Penicillin), góp phần không nhỏ cho kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.
Đặng Văn Ngữ sinh ngày 04 tháng 04 năm 1910, quê ở làng An Cựu, ngoại thành kinh đô Huế. Ông được sinh ra trong một gia đình nhà nho. Tuy nhiên, con đường học tập của Đặng Văn Ngữ cũng không được thuận lợi. Trong tự thuật ông từng nói “…Vì học dốt, nên mỗi năm tôi phải đổi trường để xin lên lớp trên, nếu không nhất định phải lưu ban…”
Ông từng thi trượt vào trường Quốc học Huế, phải học lại một năm lớp nhất trường Giòng. Trường Giòng là trường tư nên không phải thi. Với những nỗ lực không ngừng của bản thân, ông đã dần tiến bộ. Trong một kỳ thi “Thành chung” trong hơn 40 học sinh trường Giòng đi thi chỉ có 2 người đỗ trong đó có Đặng Văn Ngữ. Sau đó ông được bố mẹ cho ra Hà Nội học ở Ban tú tài bản xứ mới thành lập ở trường Bưởi. Năm 1930, ông thi đỗ tú tài bản xứ và tú tài Tây, sau đó nhận được học bổng và theo học tại trường Y dược – thuộc đại học Đông Dương, năm 1937 thì tốt nghiệp Y khoa bác sĩ.
Học đến năm thứ 2 Y khoa, ông được bố mẹ hỏi vợ cho là cô con gái 14 tuổi của Thượng thư bộ hình triều đình Huế – Tôn Thất Đàn (bà Tôn Nữ Thị Cung). Sau khi thi xong bác sĩ ông mới chính thức làm lễ cưới. Suốt thời gian “Làm rể” 6 năm ông chưa một lần thấy mặt bà Tôn Nữ Thị Cung.
Trong thời gian học ở trường Đại học Y dược ông luôn đứng đầu lớp. Ông bắt đầu nghiên cứu và thích công việc nghiên cứu từ năm thứ 3 trung học. Sau khi kết thúc khóa học vì yêu thích nghiên cứu khoa học ông đã tình nguyện xin ở lại làm trợ lý cho trường Đại học Y khoa và chỉ được lĩnh phụ cấp mỗi tháng 60 đồng, không có lương (Nếu làm bác sĩ, mở phòng khám bệnh mỗi tháng có thể thu được 500-600 đồng, nếu vào ngạch bác sĩ bệnh viện lương tháng chừng 300 đồng).
Năm 1941 Massuo Ota, một giáo sư Nhật Bản nghiên cứu về nấm sang thăm Việt Nam, từ cơ duyên này sau đó ông được gửi sang Nhật với tư cách là một phái viên của trường Đại học y dược. Sau khi sang Nhật, buổi sáng ông đi học tiếng Nhật, chiều đi nghiên cứu tại trường Đại học trong bộ môn của Giáo sư Ota. Ông cũng nhiều lần được đại sứ Pháp tại Nhật Bản lúc bấy giờ là Henry Cosmeno mời đến khám bệnh do không tin tưởng các bác sĩ Nhật Bản thời bấy giờ.
Sau này khi chiến tranh Nhật – Mĩ diễn ra, ông cũng đã cứu chữa rất nhiều người dân Nhật Bản và được Thành phố Tokyo tặng bằng khen vì đã có công cứu chữa cho người dân thời kỳ Mĩ ném bom trong đại chiến thế giới lần 2.
Năm 1945 ông được Giáo sư Ota tìm và nói ở Mĩ đã chế được Penicillin từ mốc xanh và bảo Đặng Văn Ngữ tìm tất cả các mốc xanh ở khắp mọi nơi xem loại nào có khả năng nhả chất kháng sinh không? Từ đó Đặng Văn Ngữ đã tìm ra một loại nấm có khả năng tiết ra Penicillin.
Sau đó nghe theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ông đã về nước với hành trang mang theo là hai bộ quần áo và một giống nấm penicillin. Năm 1949, ông quay trở về Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến, tại chiến khu Việt Bắc ông đã nghiên cứu thành công Penicillin giúp điều trị hiệu quả bệnh nhiễm khuẩn cho chiến sĩ, quân nhân.
Vào ngày 01 tháng 04 năm 1967, Đặng Văn Ngữ và các đồng nghiệp của mình đã hy sinh bởi một cuộc ném bom B52 của kẻ thù. Bấy giờ, bác sĩ Đặng Văn Ngữ mới 57 tuổi, đang tuổi sung sức đối với người nghiên cứu khoa học tràn đầy nhiệt huyết vì một chí hướng cao đẹp.
Giáo sư Đặng Văn Ngữ luôn mong muốn được cống hiến hết mình cho tổ quốc, không màng đến vinh hoa phú quý, lợi lộc. Với ông, được phục vụ tổ quốc, nhân dân, cứu người là niềm hạnh phúc lớn nhất. Đây cũng chính là kim chỉ nam sống của người thầy thuốc tài năng này.
Trong những tháng ngày nghiên cứu vacxin chữa trị bệnh sốt rét ông quan niệm: “Nếu ta làm tốt, sẽ không chỉ giúp một người, một vài người, mà là hàng trăm người, hàng ngàn, hàng triệu người thoát khỏi lưỡi hái tử thần của bệnh sốt rét”.
Qua đó có thể thấy được tình yêu nước sâu đậm, trách nhiệm và đam mê với nghề Y của giáo sư Đặng Văn Ngữ. Một người thầy thuốc không quản khó khăn, gian khổ, ngày đêm ông vẫn miệt mài nghiên cứu mang hết Tâm – Sức – Trí để có thể tìm ra các loại thuốc, vacxin sớm nhất.
Qua đây chúng ta cũng nên trau dồi và học hỏi những phẩm chất đáng quý của vị giáo sư tài năng Đặng Văn Ngữ: Đó là tinh thần sáng tạo, đam mê làm việc, luôn sống trong sạch, liêm khiết hết mình vì nghề nghiệp, tổ quốc. Đặc biệt, ông luôn giữ cho mình được cái tâm, cái đức vốn có của của người thầy thuốc Việt Nam.
Nguồn: Cuốn ĐẶNG VĂN NGỮ- Một trí thức lớn- Một nhân cách lớn, Nhà xuất bản y học
Người tham khảo:Thầy Nguyễn Văn Hiếu- Bệnh viện Kusumi
Bệnh viện thuộc trường Đại học y khoa Tokyo Việt Nam
🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸
TUYỂN SINH 2025
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn
Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.