Cân bằng cuộc sống mùa dịch
Năm 2020, lần đầu tiên học sinh sinh viên cả nước chìm đắm trong một kỳ nghỉ tết dài nhất lịch sử. Khi bắt đầu kỳ nghỉ, các bạn đón chờ khoảng thời gian này với một sự thích thú. Bạn được ở nhà nhiều hơn, ngủ nướng nhiều hơn, làm những công việc yêu thích nhiều hơn, nhưng khi thời gian nghỉ càng ngày càng dài, kèm theo quy định về cách ly xã hội, khiến cho các bạn học sinh, sinh viên bắt đầu với những thói quen sống thiếu khoa học và tinh thần buồn chán. Việc ngủ ngày cày đêm, ăn uống thất thường, và suy nghĩ thiếu tích cực sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học tập và sức khỏe của các bạn. Vậy phải làm gì để vừa sử dụng thời gian này một cách hiệu quả lại có thể đảm bảo sức khỏe và tinh thần sảng khoái cho các bạn? Hãy cùng Trường Đại học Y Khoa Tokyo tìm giải pháp cho vấn đề này nhé!
Lập kế hoạch công việc hàng ngày
Để có thể tạo được những thói quen sống tích cực và tinh thần sảng khoái, trước hết các bạn cần học cách lập kế hoạch cho bản thân và duy trì các kế hoạch mà bản thân đặt ra.
- Do thời gian được nghỉ ở nhà các bạn không cần phải dậy sớm để di chuyển đến trường học, ngoài ra số tiết học online đang còn ít nên thời gian trống trong tuần khá nhiều. Điều này tạo điều kiện cho công tác ngủ nướng vô cùng hiệu quả, thêm vào đó thói quen lướt face, online, cày phim .. mỗi đêm khiến cho các bạn ngủ nhiều nhưng vẫn vô cùng mệt mỏi, việc kéo dài tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mỗi bạn.
- Việc dậy muộn cũng khiến các bữa ăn của bạn trở lên lộn xộn, hoặc ngày chỉ còn 2 bữa do khi dậy đã là bữa trưa, hoặc ăn sáng lúc 10 giờ và các bữa sau lùi lại tương ứng, việc ăn uống đảo lộn cùng với thói quen ăn vặt thường xuyên khi ở nhà khiến cho bữa ăn trở lên kém ngon miệng hơn. Và khó đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh.
- Ngoài ra, thói quen trên cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoc tâp của các bạn. Trong những ngày có giờ học online, nhiều bạn cố ngủ nướng nên vào lớp khi chưa kịp ăn sáng, chưa đánh răng thậm chí chưa kịp chải đầu, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tiếp thu bài học và ảnh hưởng đến đánh giá tác phong và chuyên cần của các bạn trong mắt giáo viên.
- Do vậy cần đảm bảo hàng ngày bạn đều thức dậy trước 8h00 sáng và ngủ trước 11 giờ đêm, đảm bảo ăn sáng, đánh răng và ngồi học khi đã trang bị đủ các công tác cần thiết đúng giờ để ngày của bạn trôi qua thật hiệu quả.
- Các thời gian khác trong ngày đảm bảo hoạt động phù hợp với lịch học online, trong đó phân bổ quỹ thời gian vận động (tập thể dục), quỹ thời gian vệ sinh cá nhân, quỹ thời gian ôn bài….
- Nếu muốn ngủ nướng thêm 1 xíu mà vẫn đảm bảo chất lượng lên lớp, mình sẽ mách các bạn một mẹo nhỏ: “Vào những ngày có tiết học, buổi tối trước đó hãy chuẩn bị sẵn sàng những vật dụng cần thiết như máy tính, sách, vở, bút, quần áo, đồ ăn sáng đặt sẵn ở các vị trí tác nghiệp”. Và bạn biết không, dù chỉ dậy trước giờ học 20 phút nhưng bạn vẫn bước vào buổi học với một tâm thế hoàn chỉnh nhất, phải không nào?
Biến nghỉ dịch thành thời gian tận hưởng cuộc sống
- Covid19 quả thật đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của cộc sống, nhưng nhìn vào khía cạnh tích cực, nó cũng đã mang lại những giá trị tuyệt vời. Khi gia đình trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, khi cả nhà quây quần cùng làm một món ăn mới, khi câu chuyện giữa những người thân không chỉ còn là câu hỏi vội vã “Dạo này học hành thế nào” mà thay vào đó là ti tỉ câu chuyện, “Hôm nay Việt Nam có bao nhiêu ca nhỉ, Cơ quan mẹ hôm nay có người nghi nhiễm…, Trường con hôm nay học online, Mai ăn gì để mẹ nấu…” Những vấn đề tưởng là giản đơn trong cuộc sống, nhưng đã bao lâu mỗi người trong chúng ta tự thu mình trong những bộn bề lo toan, những gánh nặng trên vai mà không biết rằng sẻ chia mới thật sự là hạnh phúc.
- Ngoài việc chia sẻ với người thân, việc tạo nhóm chat online để trao đổi học tập, hay đơn giản là chia sẻ các câu chuyện thú vị cũng là một hoạt động vô cùng hữu ích. Thay vì chúng ta gặp nhau, “check in” đồ uống và lại chìm đắm trong những bình luận xã hội vô tri vô giác. Bạn hãy dành thời gian đó học thêm một ngôn ngữ, chơi nhạc cụ, làm thơ hoặc học yoga.
- Viết nhật ký cũng là một hoạt động hữu ích. Viết ra cảm nhận và trải nghiệm bản thân khiến bạn có thể quan tâm hơn tới cảm xúc và sức khỏe tinh thần của mình. Tôi đã từng viết rất nhiều, mỗi lần viết xong tôi cho nó vào ngăn bàn và khi đủ nhiều sẽ mang ra sông thả, như một cách giải tỏa bức xúc. Và bạn biết không? Tôi đã bỏ sót một vài tờ giấy trong ngăn bàn, khi tôi lớn hơn và đi học đại học trong một lần dọn dẹp, tôi đã vô tình phát hiện ra chúng, tôi đã rất sốc. Chính tôi, vâng, chính tôi đã viết những điều như thế về bố mẹ tôi! Và tôi chợt nhận ra, ai cũng đã có một thời tuổi trẻ, khi cái tôi vô cùng to lớn, khi chưa ý thức được tình yêu và cách yêu của bố mẹ, tôi tin rằng khi các bạn giữ lại những dòng tâm sự ấy, các bạn sẽ hiểu hơn chúng ta đã là từng là ai và biết đâu một ngày nào đó những gì bạn ghi chép lại trở thành một câu chuyện thú vị!
Lựa chọn thông tin một cách cẩn trọng
- Chưa bao giờ chúng ta thấy được sức mạnh truyền thông như hiện nay, khi chỉ cần một click chuột là một người lưu lạc hơn 20 năm với bao nhiêu công sức tìm kiếm, bao nhiêu nước mắt của người thân có thể được cộng đồng mạng nhanh chóng tìm ra. Nhưng cũng là lúc chúng ta vô cùng khó khăn trong việc lựa chọn và tiếp nhận thông tin. Nhiều thông tin về dịch COVID – 19 đã được đưa lên, nhưng đâu trong số đó mới là nguồn tin minh bạch?
- Để tránh chia sẻ những thông tin không chính xác dẫn đến hệ lụy, trầm trọng hơn là vướng vào các vấn đề với pháp luật, các bạn hãy cẩn trọng và kiểm chứng các thông tin trước khi chia sẻ. Trước khi thực hiện, hãy căn cứ vào các thông tin chính thống của chính phủ hay những tờ báo uy tín.
- Ngoài ra cần cẩn trọng nhưng không hoang mang, hoảng loạn trước các thông tin dịch bệnh các bạn nhé!
Trên đây là những chia sẻ của mình trong việc cân bằng cuộc sống mùa dịch. Chúc các bạn vượt qua dịch bệnh với sức khỏe và tinh thần tuyệt vời nhất!
Đặng Thị Hồng Vân
*********************************************************************************************************************
Giới thiệu tác giả
Cô Đặng Thị Hồng Vân hiện đang là giảng viên khoa Phục hồi chức năng Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. Cô có kinh nghiệm nhiều năm tham gia giảng dạy và điều trị lâm sàng ở các cơ sở giáo dục trong lĩnh vực y tế. Lần đầu tiên đứng trước một kỳ nghỉ dài, giảng dạy online và chuỗi thay đổi cuộc sống trong những ngày cách ly xã hội, cô muốn viết lên những dòng chia sẻ, hi vọng có thể giúp ích cho các bạn trong cuộc sống và học tập trong thời gian tới. Chúc Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch!
TUYỂN SINH 2025
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn
Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.