Cuộc sống sinh viên

Đôi nét về Tết truyền thống của Nhật Bản

Ngày Tết của Nhật Bản được gọi là Oshougatsu hay “Chính Nguyệt” theo phiên âm Hán Việt. Sự kiện Oshougatsu không chỉ đánh dấu sự khởi đầu của năm mới mà còn là kỳ nghỉ dài nhất của người Nhật. Tết cổ truyền của người Nhật bắt nguồn từ phong tục chào đón vị thần năm mới Toshigamisama. Ngày Tết chính thức ở Nhật bắt đầu từ ngày 01/01 đến ngày 03/01 dương lịch hàng năm. Hãy cùng trường đại học y khoa Tokyo Việt Nam xem các hoạt động và phong tục đặc trưng của Tết Nhật Bản: 1.       Món ăn truyền thống Osechi-ryori: Đây là một loại thực phẩm đặc biệt được chuẩn bị và ăn trong những ngày đầu năm mới. Mỗi món ăn có một ý nghĩa riêng, như kuromame (黒豆) (đậu đen) mang lại sức khỏe, tazukuri (田作り) (cá khô) mang đến mùa màng bội thu, hay kiri-mochi (thịt bánh mochi) tượng trưng cho sự trường thọ. Zoni: Món súp có bánh mochi, thường được ăn trong những ngày đầu năm. Thành phần của súp có thể thay đổi tùy theo vùng miền. 2.       Thăm đền chùa (Hatsumode – 初詣) Một phong tục phổ biến trong những ngày đầu năm là đi đến đền chùa để cầu nguyện cho một năm mới an lành và thịnh vượng. Người Nhật thường đi thăm các đền nổi tiếng như đền Meiji ở Tokyo hoặc đền Fushimi Inari ở Kyoto. 3.       Lì xì may mắn (Otoshidama – お年玉) Trẻ em nhận được tiền lì xì từ người lớn, thường là trong phong bao đỏ hoặc phong bao đặc biệt. Đây là một truyền thống vui vẻ trong Tết Nhật Bản. 4.       Các trò chơi truyền thống: Kite flying (Takoage): Người Nhật thường thả diều vào đầu năm mới, điều này không chỉ mang lại niềm vui mà còn là một nghi lễ mong muốn xua đuổi tà ma. Karuta: Một trò chơi thẻ truyền thống, trong đó người chơi phải nhanh chóng nhận thẻ có chữ hoặc hình ảnh tương ứng với bài thơ hoặc câu đối. Tại Trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, trong chuỗi hoạt động của sinh viên Trường, các bạn sẽ được trải nghiệm SỰ KIỆN OSHOGATSU vào mỗi dịp đầu năm mới với các hoạt động như Kakizome – viết thư pháp đầu năm để gửi gắm những điều tốt đẹp cho năm mới, thiết kế thiệp năm mới – Nengajo để dành tặng bạn bè và gia đình… Nguyễn Thị Yến Phòng hành chính tổng hợp THUV  

GÓC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT: Nghị định 168/2024/NĐ-CP

Nhân dịp năm mới 2025 kính chúc các bạn cùng gia đình luôn mạnh khỏe, gặt hái được nhiều thành công trong học tập cũng như cuộc sống. Bước sang năm 2025 một số quy định pháp luật mới giúp cho cuộc sống của chúng ta an toàn và văn mình hơn bắt đầu có hiệu lực. Một trong những chính sách đó là Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Là một công dân Việt Nam ít nhiều chúng ta cũng đang tham gia giao thông đường bộ, để tránh rơi vào những hoàn cảnh éo le hãy tham khảo các thông tin mới liên quan tới trật tự, an toàn giao thông đường bộ các bạn nhé. TOÀN VĂN: Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-dinh-168-2024-nd-cp-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-ve-trat-tu-atgt-duong-bo-119241231164556785.htm Dưới đây là các hành vi vi phạm giao thông sẽ tăng mức xử phạt từ năm 2025: Trên đây là một số điểm lưu ý nhà trường xin phép được chia sẻ tới các bạn! Chúc các bạn luôn mạnh khỏe, chấp hành tốt luật pháp để không đặt mình vào những tính huống khó xử.   Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam Ban sinh viên!

Điệu nhảy Yosakoi Soran

Từ năm ngoái, các sinh viên đang theo học tại trường đã biểu diễn điệu nhảy “Nanchu Yosakoi Soran” tại lễ khai giảng để chào đón các tân sinh viên. Nhiều sinh viên của trường quan tâm đến văn hóa Nhật Bản, vì vậy ngoài các lớp học tiếng Nhật, trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam còn giới thiệu về văn hóa Nhật Bản cho sinh viên như thư pháp, trà đạo, Lễ hội búp bê, Tanabata (Thất tịch) và mặc yukata. Năm ngoái, sinh viên đã thử sức mình với điệu nhảy Yosakoi Soran của Nhật Bản. Lúc đầu, các sinh viên chỉ xem video YouTube về điệu nhảy này và bắt chước nhảy theo. Khi thử nhảy lần đầu, mọi người đều cho rằng điệu nhảy này mệt đến mức đầu gối khuỵu xuống và hông căng cứng, nhưng vốn điệu nhảy là bài ca lao động của các ngư dân và các động tác tay lúc đầu tượng trưng cho ngọn sóng. Sau khi được giải thích về cách cuộn lưới và tung lên cũng như cách chèo thuyền cùng nhau, các bạn sinh viên đã hiểu được ý nghĩa của bài hát và di chuyển tốt hơn rất nhiều. Trong nửa sau, khi một người mạo hiểm chèo thuyền bằng mái chèo nặng nề, người đó đã câu được một số lượng lớn cá và niềm vui của anh ta được thể hiện một cách hoàn hảo. Ngoài ra, trong khi nhảy, người trưởng nhóm sẽ gọi “Dokkoisho Dokkoisho” và “Soran Soran” và các thành viên đáp lại bằng “Dokkoisho Dokkoisho” và “Soran Soran”, điều này tạo ra cảm giác đoàn kết trong nhóm và tạo ra một điệu nhảy theo nhóm mạnh mẽ. Sau màn biểu diễn trong lễ khai giảng, tôi rất vui khi thấy sinh viên các lớp, các khoa khác nhau đã trở thành bạn bè thông qua điệu nhảy Yosakoi Soran này. Tại lễ khai giảng vào tháng 10 năm nay, các tân sinh viên cũng được chào đón bằng Yosakoi Soran, điệu nhảy rất được yêu thích vào năm ngoái. Yosakoi Soran là một kiểu nhảy khác với Yosakoi (điệu nhảy ban đầu được biểu diễn tại Triển lãm Công nghiệp Kochi năm 1950) và nó có lịch sử lâu đời (YOSAKOI, sự kết hợp giữa Yosakoi và Soran, được biểu diễn ở Sapporo, Hokkaido vào năm 1992). Trong những năm gần đây, nó đã trở nên phổ biến trong các sự kiện của trường như ngày hội thể thao và lễ hội văn hóa ở các trường tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước Nhật. Không giống như điệu nhảy Soran bình dị trong Bon Odori, Yosakoi Soran là điệu nhảy mạnh mẽ phù hợp với biểu diễn tập thể. Đàn Tsugaru shamisen hơi u sầu nhưng âm nhạc với nhịp điệu cao và vui vẻ, có lẽ phù hợp với tâm hồn người Nhật. Các bậc phụ huynh cũng rất thích điệu nhảy này. Trên thực tế, trước đây, con trai và con gái tôi đã nhảy Yosakoi Soran tại các ngày thể thao, bên cạnh đó là điệu nhảy Eisa của vùng Okinawa cũng nổi tiếng tương tự. Tôi thấy các sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới theo học tại các trường đại học Nhật Bản tham gia điệu nhảy Yosakoi Soran tại các lễ hội của trường và các sự kiện địa phương. Tôi nghĩ rằng bằng cách cho sinh viên quốc tế nhảy cùng người Nhật, các thành viên trong cùng một đội có thể có những khám phá mới và thúc đẩy giao lưu quốc tế. Yosakoi Soran như một phần của văn hóa Nhật Bản cũng đang lan rộng đến Việt Nam và trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam muốn cố gắng để góp phần truyền bá nó. Tác giả Aoki Etsuko

Nâng cao chất lượng dạy học tại trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam với ống nghe 2 đầu

Trong quá trình đào tạo chuyên ngành chăm sóc sức khỏe, việc rèn luyện kỹ năng thăm khám thể chất chính xác là điều kiện tiên quyết để sinh viên có thể trở thành những nhân viên y tế giỏi trong tương lai. Để giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy và thực hành, Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam đã lựa chọn Ống nghe 2 đầu – một công cụ học tập hiện đại, hỗ trợ tuyệt vời cho việc dạy và học thăm khám thể chất. Ống nghe 2 đầu được thiết kế đặc biệt để tối ưu hóa việc giảng dạy và thực hành thăm khám thể chất. Với 2 ống nghe và loa ống nghe đôi, sản phẩm này mang đến một tính năng vượt trội, cho phép hai người cùng nghe bệnh đồng thời. Đây là điểm khác biệt lớn so với các loại ống nghe thông thường, tạo ra môi trường học tập hiệu quả hơn cho cả giảng viên và sinh viên. Ống nghe 2 đầu không chỉ đơn thuần là một công cụ y tế, mà còn là phương tiện giảng dạy quan trọng giúp sinh viên tiếp cận thực tế nhanh chóng và hiệu quả. Việc sử dụng ống nghe này trong kỹ thuật nghe khám như khám tim, phổi, huyết áp và thăm khám tổng quát giúp sinh viên luyện tập và phát triển kỹ năng thăm khám chính xác hơn, từ đó nâng cao năng lực lâm sàng. Tính năng ưu việt khi sử dụng tai nghe 2 đầu cho quá trình dạy học thực hành: Cải thiện hiệu suất nghe bệnh: Ống nghe 2 đầu mang lại hiệu suất nghe bệnh vượt trội. Cả giảng viên và sinh viên đều có thể nghe rõ ràng các âm thanh sinh lý từ cơ thể người bệnh, giúp phân tích và nhận diện chính xác các dấu hiệu bệnh lý. Điều này không chỉ giúp sinh viên nâng cao khả năng phân tích âm thanh tim, phổi, mà còn tạo cơ hội để giảng viên trực tiếp hướng dẫn và điều chỉnh kỹ thuật thực hành của sinh viên. Học tập cùng nhau: Với thiết kế đặc biệt của loa ống nghe đôi, giảng viên và sinh viên có thể cùng nghe và thảo luận về các tín hiệu sinh lý từ cơ thể người bệnh. Điều này thúc đẩy sự trao đổi kiến thức và kỹ năng lâm sàng ngay trong quá trình thực hành, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách nghe và phân tích các dấu hiệu lâm sàng. Tăng cường kỹ năng nghe khám: Việc cùng nghe và phân tích âm thanh giúp sinh viên nâng cao khả năng chú ý, ghi nhớ và phân biệt các âm thanh khác nhau trong cơ thể người bệnh. Hỗ trợ giảng viên trong quá trình hướng dẫn: Giảng viên có thể dễ dàng cùng nghe âm thanh thăm khám từ phía người bệnh và chia sẻ trực tiếp với sinh viên, giúp sinh viên nhận diện các dấu hiệu bệnh một cách rõ ràng và chính xác. Với Ống nghe 2 đầu, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thăm khám thể chất, chuẩn bị tốt nhất cho công việc trong tương lai. Hãy đến và trải nghiệm phương pháp giảng dạy hiện đại tại Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam! Tác giả: Dương Thị Thu Hương  Giảng viên khoa điều dưỡng, trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam 2 năm làm việc tại Bệnh Viện Đa khoa Cửa Đông – Tp Vinh – Nghệ An 3 năm làm việc tại Bệnh viện Showa – Tp Shimonoseki – tỉnh Yamaguchi – Nhật Bản

Ngày nhà giáo Việt Nam – Người lái đò thầm lặng

Người thầy – hay còn gọi là “người lái đò” – là hình tượng đẹp trong lòng bao thế hệ học trò, bởi thầy cô chính là những người âm thầm đưa đò qua sông, dốc sức để mang kiến thức và tình yêu đến với lớp lớp học sinh. Khi nhắc đến từ người lái đò, chúng ta sẽ luôn nhớ về những thầy cô, người đã và đang dạy dỗ các thế hệ học sinh, sinh viên nên người và nên nghề. Tháng 11, tháng tôn vinh những nhà giáo Việt Nam. Chúng ta lại có thêm dịp để nhớ về những người thầy cô đã từng nâng đỡ chúng ta trong cuộc đời này. Chính là dip chúng ta thể hiện và khắc ghi lòng biết ơn sâu sắc đến các thầy cô – những người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách cho các thế hệ trẻ. Những người thầy, người cô – những người đã không quản khó khăn, tận tâm gieo từng con chữ và dạy dỗ chúng ta trở thành người có ích cho xã hội. Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ đơn thuần là một ngày lễ. Ngày này đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam, cũng là cơ hội để nhắc nhở về ý nghĩa thiêng liêng của nghề giáo và tinh thần cao quý mà nghề này mang lại. Thầy cô không chỉ dạy chúng ta kiến thức sách vở mà còn truyền tải những bài học về đạo đức, về cách sống, về ý nghĩa của sự kiên trì và lòng nhiệt huyết. Chính thầy cô đã giúp chúng ta xây dựng những viên gạch đầu tiên trong ngôi nhà tri thức, là bệ phóng để chúng ta chinh phục những ước mơ lớn lao trong tương lai. Nhớ về những ngày học trò, chúng ta không thể quên hình ảnh thầy cô miệt mài bên trang giáo án, thức khuya soạn từng bài giảng, luôn trăn trở làm sao để học sinh hiểu bài và yêu thích việc học. Thầy cô như những người lái đò cần mẫn, chở chúng ta qua sông tri thức, rồi lặng lẽ dõi theo chúng ta từng bước chân khi chúng ta trưởng thành và bay xa. Trong hành trình ấy, thầy cô đã dành cho chúng ta những tình cảm chân thành, vô tư mà không mong nhận lại điều gì. Tháng 11, khi sắc vàng của nắng nhẹ hòa quyện cùng làn gió se lạnh, lòng tôi lại trào dâng một niềm xúc động khó tả. Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến gần, và chúng ta cùng ngẫm lại về công ơn thầy cô – những người đã lặng lẽ dệt nên những giấc mơ cho bao lớp học trò. Có người từng nói: “Công ơn thầy cô như biển trời không bao giờ kể hết.” Và đúng như vậy, thầy cô như những người lái đò thầm lặng, đưa hết những người học trò của mình qua sông, đến với những bến bờ tri thức. Tháng 11 này, giữa dòng đời tấp nập, chúng ta cùng dành một khoảnh khắc để nói lời cảm ơn chân thành đến những người thầy, người cô của mình. Cảm ơn thầy cô – những người lái đò thầm lặng, đã chấp cánh cho những ước mơ của lũ trẻ nhỏ bay cao, bay xa. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, Trường Đại học y khoa Tokyo Việt Nam xin gửi đến những thầy cô đã đang và sắp công tác trong ngành một tình cảm chân thành nhất cùng lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc thầy cô luôn mạnh khỏe, tràn đầy nhiệt huyết luôn vững tay chèo, tiếp tục đưa những chuyến đò chở đầy ước mơ cập bến bờ thành công. Tri ân các thầy cô! Thân ái!

Những lưu ý phòng bệnh khi thời tiết chuyển mùa

Thời tiết chuyển mùa thường khiến nhiều người mắc phải một số bệnh như cảm cúm, viêm họng, sốt… Dưới đây là những lưu ý đến từ các chuyên gia sức khỏe của Trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam để giúp mọi người phòng tránh và bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Thời tiết chuyển mùa dễ khiến cơ thể gặp các triệu chứng như cảm cúm, viêm họng … Theo các chuyên gia về sức khỏe, thời điểm chuyển giao mùa được xem là giai đoạn khá nguy hiểm đối với cơ thể con người. Vì thế, cần có những biện pháp bảo vệ để phòng tránh cũng như bảo vệ mình trước mưa nắng của thời tiết. Giữ gìn vệ sinh cá nhân nhưng không tắm quá lâu Để phòng tránh các bệnh lây nhiễm trong thời điểm chuyển giao mùa, mọi người cần vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt thật sạch sẽ. Tuy vậy, lúc này nhiệt độ thường có sự thay đổi rõ rệt, có thể là sáng nắng nóng và tối trở lạnh. Chính những điều đấy sẽ khiến cho việc tắm quá lâu, hay tắm nước lạnh trở nên nguy hiểm hơn. Các chuyên gia tại bệnh viện Kusumi trực thuộc THUV khuyên rằng, trong thời tiết chuyển mùa, hãy hạn chế tắm trong thời gian dài quá 15 phút và không tắm quá khuya. Lý do là bởi khi tắm lâu cơ thể sẽ trở nên yếu, sức đề kháng giảm cũng như việc tắm lâu hay muộn sẽ khiến gặp tình trạng cảm cúm, thậm chí có nguy cơ đột quỵ. Cần chú ý mặc ấm để bảo vệ sức khỏe khi thời tiết chuyển giao mùa. Ăn sáng đầy đủ Bỏ ăn sáng là thói quen của nhiều người, đặc biệt giới trẻ nhưng đây là một thói quen xấu cần phải thay đổi. Bởi nếu duy trì thói quen này sẽ gây ảnh hưởng và dẫn đến sức khỏe giảm sút cũng như gặp tình trạng cảm cúm, mệt mỏi với những thay đổi của thời tiết… Để hạn chế tình trạng trên, hãy điều chỉnh thói quen và cố gắng ăn sáng đầy đủ. Điều này giúp cơ thể có đủ chất dinh dưỡng, giúp giữ ấm cơ thể trong những ngày gió mùa về. Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có tác dụng làm ấm người khi đi ngoài trời lạnh như gừng, tỏi… Đây cũng là cách giúp bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất trong thời tiết chuyển giao mùa. Mặc đủ ấm Việc mặc đủ ấm sẽ giúp cơ thể không bị nhiễm lạnh trong thời tiết chuyển giao mùa. Hãy lựa chọn trang phục phù hợp để thân nhiệt không bị quá nóng hay quá lạnh, thậm chí có thể hỗ trợ bằng các phụ kiện như khẩu trang, mũ, khăn quàng cổ để có thể bảo vệ cơ thể một cách toàn diện nhất. Ngoài các điều đáng lưu tâm ở trên, chúng ta cũng cần lưu ý như sau – Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng – Ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi – Tiêm phòng đầy đủ. – Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn. – Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng. Đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người khi có dịch. – Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sĩ.

Thông báo về chế độ chữa bệnh dành cho sinh viên

Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam xin trân trọng thông báo đến toàn thể sinh viên về chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh tại Bệnh viện Kusumi, áp dụng từ ngày 23/10/2024. Nhằm mang đến sự chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho sinh viên trong quá trình học tập tại trường, các bạn sinh viên hiện đang theo học tại THUV khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Kusumi sẽ được giảm 20% tổng hóa đơn thanh toán (ưu đãi này không áp dụng đối với đơn thuốc). Đây là chính sách ưu đãi đặc biệt của nhà trường nhằm hỗ trợ sinh viên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần một cách tốt nhất. Điều kiện áp dụng: Sinh viên cần mang theo thẻ sinh viên còn hiệu lực và Căn cước công dân (CCCD) khi đi khám chữa bệnh. Sinh viên phải điền đầy đủ thông tin vào Phiếu đăng ký khám chữa bệnh. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 23/10/2024 và kéo dài cho đến khi có thông báo thay thế. Chúng tôi hy vọng rằng với chế độ hỗ trợ khám chữa bệnh này, các bạn sinh viên sẽ yên tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình, từ đó có thể học tập và phát triển bản thân một cách toàn diện tại THUV. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ Phòng Hành chính hoặc Bệnh viện Kusumi để được hỗ trợ thêm. Trân trọng, Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam

Sự khác biệt giữa biểu mô thực quản và biểu mô dạ dày

Hệ tiêu hóa là một hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn. Cấu tạo bao gồm ống tiêu hóa và hệ thống mật tụy. Trong đó, ống tiêu hóa là một hệ thống tạng rỗng kéo dài từ miệng đến hậu môn. 1. Biểu mô thực quản Thực quản là một ống cơ nối cổ họng (hầu họng) với dạ dày. Thức ăn vào miệng, các cơn co thắt cơ xảy ra trong thực quản được gọi là nhu động, có chức năng đưa thức ăn di chuyển đến dạ dày. Niêm mạc thực quản là lát tầng không sừng hóa, tương tự như biểu mô của khoang miệng. Biểu mô của thực quản có tốc độ tái tạo lại tương đối nhanh và có chức năng bảo vệ chống lại các tác động mài mòn của thức ăn. 2. Biểu mô dạ dày Dạ dày là một tạng rỗng, chứa enzym phân giải thức ăn thành dạng có thể hấp thụ được. Dạ dày có hai chức năng chính: tiết dịch vị (chứa hydrochloric acid HCl, enzyme pepsin phân giải protein thành các đoạn polypeptide ngắn hơn) và co bóp, trộn đều viên thức ăn với dịch vị (gọi là dưỡng chấp). Trong dạ dày có một sự cân bằng nhỏ giữa acid và chất nhầy bảo vệ thành niêm mạc dạ dày. Dạ dày có các tuyến đáy vị thực hiện quá trình tiêu hóa, nhưng chất nhầy trong biểu mô trên bề mặt dạ dày không hòa tan trong axit clohydric do tuyến đáy vị sản xuất. Điều này ngăn cản quá trình tiêu hóa ở dạ dày. Có ba loại tế bào trong tuyến cơ bản: Các tế bào chính tổng hợp và tiết ra pepsinogen phân giải protein Tế bào thành có tác dụng diệt khuẩn và tiết ra acid clohydric có tác dụng tiêu hóa protein và chuyển pepsinogen thành pepsin. Các tế bào phụ tiết ra chất nhầy hòa tan trong axit clohydric và có tác dụng bôi trơn để trộn thức ăn trong dạ dày. Biểu mô thực quản có khoảng 3 lớp tế bào tương phản với biểu mô trụ cao, 1 lớp của dạ dày. Điều này là do sự khác biệt về chức năng tiêu hóa giữa thực quản và dạ dày. Ảnh ①  biểu mô lát tầng của thực quản (Trích dẫn hình ảnh từ hội thảo khoa học về giải phẫu bệnh) Ảnh ② biểu mô trụ đơn của dạ dày (Trích dẫn hình ảnh từ hội thảo khoa học về giải phẫu bệnh) Tại sao cần hiểu biết về loại cấu trúc này? Cấu trúc thay đổi tùy theo bệnh và để hiểu được những thay đổi này, cần phải hiểu hình dạng của biểu mô bình thường. Tại khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học, sinh viên được học và quan sát cấu trúc của hệ tiêu hóa. Hãy cùng nhau khám phá về thế giới vi mô. Nếu bạn quan tâm về vấn đề này hãy đến thăm Trường Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam (THUV).   Tác giả: Nakai Yuko Trưởng khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học  

【TUYÊN TRUYỀN】 PHÒNG TRÁNH SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, địa phương, rất cần ý thức của mỗi gia đình trong việc loại trừ các ổ sinh sản của muỗi, áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt. Để chủ động công tác phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, người dân cần tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Khuyến cáo các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng Thả cá vào lu, chum, vại, bể nước để diệt lăng quăng, bọ gậy Thường xuyên thay rửa dụng cụ chứa nước, thay nước bình hoa, đổ nước đọng tại khay nước thải tủ lạnh Bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn Loại bỏ, lật úp các vật phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, các hốc chứa nước Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, ngay cả ban ngày Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và các đợt phun hóa chất diệt muỗi. Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Nguồn: Trung tâm y tế xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội 🇹 🇭 🇺 🇻 🇻🇳 🇯🇵🇻🇳 🇯🇵 🇹 🇭 🇺 🇻 🇻🇳 🇯🇵8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣9️⃣⭕8️⃣8️⃣🇻🇳 🇯🇵 🇹 🇭 🇺 🇻 🇻🇳 🇯🇵🇻🇳 🇯🇵 🇹 🇭 🇺 🇻 Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng