Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến! Ở Việt Nam, bạo lực học đường đang trở thành mối lo của phụ huynh, ngành giáo dục và toàn xã hội. Nó không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ có học sinh nam, mà cả học sinh nữ. Nó không những gây ra những tác động xấu đến mối quan hệ giữa trò với trò, thầy với trò mà còn gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, thái độ học tập của học sinh, sự giảng dạy của thầy cô giáo và các hoạt động giáo dục của nhà trường. Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang đưa tin rất nhiều về tình trạng bạo lực học đường. Trước đây, chúng ta thường nghĩ rằng bạo lực học đường là một vấn đề hết sức xa xôi và không xảy ra phổ biến. Vì vậy mà đã không thể lường trước được hậu quả của nó đối với giới trẻ và sự phát triển của xã hội. Hiện tượng học sinh (HS) đánh nhau là một thực tế không mới nhưng những hiện tượng đánh nhau của HS ở một số nơi trong thời gian gần đây đã bộc bộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng. Rõ ràng bạo lực học đường đang là một vấn đề nóng bỏng, gây nhức nhối lòng người. Nó không chỉ ảnh hưởng đến những người trong cuộc mà còn ảnh hưởng tới cả một thế hệ trẻ, ảnh hưởng trưc tiếp tới tương lai của dân tộc. Chính vì vậy, hiểu thế nào là bạo lực học đường, cách phòng tránh xảy ra bạo lực là hết sức quan trọng và thiết thực. 1. Khái niệm Bạo lực học đường: Khái niệm bạo lực học đường: là một dạng thức của bạo lực trong xã hội. Nó là những lời nói hoặc hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm nhân phẩm, thân thể người khác gây nên những tổn thương tinh thần và thể xác ở phạm vi các mối quan hệ trong trường học ( giữa giáo viên-học sinh, giáo viên với giáo viên, học sinh-học sinh hoặc đối tượng khác ngoài xã hội với học sinh). 2. Nguyên nhân * Từ phía gia đình: Như chúng ta đã biết, gia đình là nền tảng đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ từ tuổi ấu thơ. Nếu cha mẹ, anh, chị, em… trong gia đình cư xử với nhau bằng bạo lực, sử dụng những từ ngữ, lời lẽ không hay với nhau sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, tình cảm của đứa trẻ và từ đó dần hình thành trong trẻ những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ và hành động giống như gia đình chúng. Một nguyên nhân nữa cũng cần nhắc đến đó là sự thiếu quan tâm từ phía gia đình do cha mẹ chỉ chăm chú vào các công việc làm ăn hàng ngày thiếu sự kiểm soát và chăm sóc con cái thường xuyên hoặc do gia đình ít con nên sự chiều chuộng con cái quá mức chỉ biết cung cấp, đáp ứng về tiền bạc theo yêu cầu của con cái mà thiếu sự kiểm soát, quan tâm đến suy nghĩ, hành động của con em cũng chính là mối quan tâm mà chúng ta cần suy nghĩ. *Từ xã hội: Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, thế hệ trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của các trò chơi chém giết trong game online, các truyện tranh bạo lực, những trò chơi điện tử, phim ảnh đầy những pha bắn giết, những phim ảnh kích động sự hung bạo của các em cũng đang ngày một xuất hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn, đặc biệt các em cũng bị ảnh hưởng từ chính những cảnh bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội như bạo lực trên các sân cỏ, đâm chém để tranh giành quyền lợi, đánh người thi hành công vụ, … *Từ phía nhà trường: Công tác chủ nhiệm còn ít được quan tâm, còn ít sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường và xã hội. *Từ phía học sinh: Do bị tác động từ xã hội và bạn bè xấu lôi kéo. Mặt khác do tâm lý muốn khẳng định mình, muốn gây ấn tượng trong mắt người lớn và bạn bè. HS ở lứa tuổi mà cơ thể các em đang có sự phát triển mạnh mẽ, tâm sinh lý có nhiều biến đổi, suy nghĩ bồng bột, thích tự mình giải quyết các mâu thuẫn, dễ bị bàn bè rủ rê, lôi kéo. Lý do dẫn đến học sinh đánh nhau thương rất đơn giản như: nhìn mặt thấy “ghét”; va chạm trong lúc vui chơi, trên đường đi học; mâu thuẫn, nói xấu nhau qua diễn đàn, “chát” hay một số vụ việc là do học sinh có quan hệ khác giới, yêu đương sớm, ghen tuông nên ẩu đả, đánh nhau để trả thù. Rồi còn có những vụ chửi nhau trên facebook sau đó gặp nhau rồi đánh nhau… 3. Hậu quả * Ảnh hưởng đến bản thân học sinh Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác. Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình. Những HS bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình