Mô hình bệnh tật nhiều thay đổi… nhu cầu phục hồi chức năng ở Việt Nam ngày càng cao

Việt Nam có nhu cầu phục hồi chức năng cao do số người cao tuổi gia tăng, chiếm 11,9% dân số; người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên chiếm 7,06% dân số; mô hình bệnh tật thay đổi gia tăng số người cần phục hồi chức năng: tai nạn thương tích, tim mạch, đột quỵ, bệnh không lây nhiễm, tâm thần, COVID-19…

GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những thông tin này tại Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam và Nhật Bản về phục hồi chức năng diễn ra hôm nay, 23/12 tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là chuyên gia y tế, bác sĩ về phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật trị liệu đến từ các cơ sở y tế trong toàn quốc cùng các chuyên gia của Nhật Bản.

Đây là một trong những hoạt động khoa học, ý nghĩa nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.

GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Mạng lưới các cơ sở PHCN được mở rộng, nhưng vẫn còn khá nhiều thách thức…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, Nhật Bản và Việt Nam là hai nước châu Á, có nền văn hóa tương đối tương đồng, có mối quan hệ hợp tác lâu dài ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.

Đối với lĩnh vực phục hồi chức năng (PHCN), Nhật Bản là quốc gia đã đào tạo và triển khai các chuyên ngành chuyên sâu về PHCN rất lâu như: Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, chân tay giả và dụng cụ trợ giúp…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đối với Việt Nam, công tác PHCN là vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Lĩnh vực PHCN trong giai đoạn vừa qua đã có được những kết quả khả quan như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dần được hoàn thiện, Việt Nam đã có nhiều quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh, người cao tuổi, người khuyết tật… và các hướng dẫn chuyên môn về PHCN do Bộ Y tế ban hành.

Mạng lưới các cơ sở PHCN được mở rộng, từ việc chỉ có một số ít cơ sở PHCN cách đây 30 năm, đến nay mạng lưới PHCN cơ bản đã được hình thành rộng khắp trên cả nước, bao gồm 1 bệnh viện PHCN tuyến trung ương; 37 bệnh viện phục hồi chức năng tuyến tỉnh và 25 BV điều dưỡng – phục hồi chức năng thuộc các Bộ ngành (chủ yếu là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội); 550 khoa phục hồi chức năng, hoặc liên khoa trong đó có chuyên môn phục hồi chức năng ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện; tại xã phường có phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, công tác PHCN ở nước ta vẫn còn khá nhiều thách thức, đó là mạng lưới cơ sở PHCN phát triển chưa đồng bộ cả ở trong và ngoài ngành Y tế, cả y tế cơ sở và tuyến tỉnh của nhiều địa phương.

Hiện nay, có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện PHCN vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số lượng bênh viện PHCN. Dù vậy lại thiếu sự phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn đối với cơ sở PHCN thuộc các bộ, ngành khác quản lý.

Tổ chức kỹ thuật Y tế Quốc tế Nhật Bản; Hiệp hội Vật lý trị liệu Nhật Bản; Hội PHCN Việt Nam và Hội Vật lý trị liệu Việt Nam ký kết bản ghi nhớ nhằm mục đích hợp tác trong lĩnh vực PHCN, đặc biệt là Vật lý trị liệu.

Nhân lực chuyên khoa PHCN vừa yếu vừa thiếu ở các tuyến, đặc biệt tuyến y tế cơ sở và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hiện có khoảng 0,25 nhân lực PHCN/10.000 dân, thấp hơn so với định mức theo khuyến cáo của WHO (0,5 – 1/10.000 dân).

Việc đào tạo về PHCN còn nhiều hạn chế, Việt Nam mới có mã ngành đào tạo về PHCN, chưa có mã ngành đào tạo riêng về vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, chân tay giả và dụng cụ trợ giúp, công nghệ trợ giúp… Hiện có khoảng 7.200 người được đào tạo về PHCN, trong đó khoảng 6500 người được đào tạo về vật lý trị liệu, khoảng 50 người được đào tạo về hoạt động trị liệu, khoảng 180 người được đào tạo về ngôn ngữ trị liệu… Hiện nay Việt Nam đang thí điểm đào tạo 3 mã ngành: Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu.

Cơ sở vật chất hầu hết là các trang thiết bị cơ bản, đơn giản, chưa đáp ứng nhu cầu; tuyến y tế cơ sở và hệ thống bảo trợ xã hội, nhiều cơ sở chật hẹp, cũ, không tiếp cận người khuyết tật.

Ngoài ra, phát triển chuyên môn, kỹ thuật PHCN chưa đồng bộ giữa trung ương và địa phương, dịch vụ PHCN chủ yếu về vật lý trị liệu. Tại tuyến xã mới chỉ có PHCN dựa vào cộng đồng ở 25% các xã, cung cấp dịch vụ PHCN tại trạm y tế xã còn rất hạn chế; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu và hoạt động PHCN cho người khuyết tật còn hạn chế…

“Với thực trạng như trên, công tác PHCN cần được tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Nhận định được những khó khăn, thách thức này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin.

PGS.TS. Trần Trọng Hải – Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam phát biểu tại hội thảo

PHCN là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh

Theo PGS.TS. Trần Trọng Hải – Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam: Quyết định này là cơ sở để Việt Nam có căn cứ pháp lý đầu tư phát triển PHCN trong thời gian tới với 2 quan điểm chỉ đạo là:

Một là: PHCN là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh; là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mãn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, đảm bảo được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng để nâng cao sức khỏe, góp phần phát triển xã hội bền vững.

Hai là: Duy trì và phát triển mạng lưới PHCN phù hợp với quy hoạch hệ thống y tế, điều kiện kinh tế, xã hội và tiến tới ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển dịch vụ PHCN trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, người có công với cách mạng và PHCN dựa vào cộng đồng.

Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển PHCN đã được Chính phủ, Bộ Y tế và các ngành liên quan của Việt Nam rất quan tâm, đầu tư để thúc đẩy PHCN thực sự trự giúp người bệnh, giúp họ có cuộc sống hòa nhập, chất lượng sống tốt hơn.

Tại hội thảo, các bạn Nhật Bản đã giới thiệu với các chuyên gia PHCN, chuyên gia vật lý trị liệu Việt Nam và các quý vị về mô hình và những ưu thế của vật lý trị liệu kiểu Nhật Bản.

Đồng thời tại hội thảo đã diễn ra lễ ký Biên bản hợp tác phát triển Vật lý trị liệu kiểu Nhật ở Việt Nam thông qua các dự án như: Xây dựng kế hoạch và thực hiện các Dự án hợp tác về công nghệ Y học, tổ chức các hội thảo (Seminar), trao đổi đoàn nghiên cứu viên và chuyên gia của các bên về lĩnh vực VLTL trong PHCN; Trao đổi, chia sẻ thông tin về PHCN, vật lý trị liệu; Các Dự án khác phù hợp với mục tiêu hợp tác và được sự đồng thuận giữa các bên…

Các đại biểu phía Việt Nam và Nhật Bản tham gia hội thảo.

Các đại biểu phía Việt Nam và Nhật Bản tham gia hội thảo.

Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam 100% vốn đầu tư Nhật Bản đang đào tạo Ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng/Vật lý trị liệu với chương trình đào tạo tới từ Nhật Bản sẽ là cầu nối để sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng sâu sắc hơn nữa!

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế

(https://suckhoedoisong.vn/mo-hinh-benh-tat-nhieu-thay-doi-nhu-cau-phuc-hoi-chuc-nang-o-viet-nam-ngay-cang-cao-169231223190351319.htm)

THUV

TUYỂN SINH 2024

Bạn đang chưa biết lựa chọn ngành nào ?
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn

Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.