NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP LIÊN QUAN TỚI CHỤP MRI (CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ)
1) Chụp cộng hưởng từ là gì?
Trả lời:
Chụp cộng hưởng từ hay MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio. Phương pháp này không sử dụng tia X và hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của con người.
2) Chụp cộng hưởng từ có phải nhịn ăn không?
Trả lời:
- Về nguyên tắc, vào ngày chụp MRI bệnh nhân vẫn có thể ăn và uống các loại thuốc được kê đơn như bình thường. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, người bệnh có thể được yêu cầu không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì tối đa trong vòng 4 giờ trước khi chụp.
- Ví dụ: trong trường hợp gây mê để chụp thì bệnh nhân phải nhịn ăn 4-6 giờ trước khi chụp.
3) Chụp cộng hưởng từ trong người có vật kim khí có sao không?
Trả lời:
- Vì máy quét MRI tạo ra một vùng từ trường mạnh từ 0.5 đến 3 tesla (từ trường của mặt đất khoảng 25-65 microtesla) nên điều quan trọng nhất mà người bệnh cần nhớ đó là người có mang các vật kim loại trong cơ thể như máy tạo nhịp tim, stent động mạch vành, stent động mạch cảnh, van tim nhân tạo, nẹp vít xương, khớp kim loại…sẽ có các chống chỉ định tuyệt đối và tương đối với chụp MRI.
- Trước khi chụp bệnh nhân sẽ được dặn dò kỹ lưỡng và được quét qua bằng máy quét kim loại để đảm bảo loại bỏ các vật kim loại như điện thoại di động, mắt kính, đồng hồ, máy trợ thính, đồ trang sức, răng giả…
- Bên cạnh đó bệnh nhân trước khi chụp cũng sẽ được thay trang phục chuyên dùng cho MRI.
4) Phụ nữ mang thai có chụp MRI được không ?
Trả lời:
Chụp cộng hưởng từ tương đối an toàn đối với phụ nữ có thai và thai nhi. Hiện nay chưa có 1 nghiên cứu rõ ràng nào chỉ ra sự ảnh hưởng của chụp cộng hưởng từ MRI đến sức khỏe bào thai cũng như sức khỏe bà mẹ. Tuy nhiên, nên thận trọng và cân nhắc trong trường hợp này, nhất là khi tuổi thai của thai dưới 12 tuần, nghĩa là trong 3 tháng đầu thai kỳ không nên chụp MRI. Các bác sĩ thường sử dụng các phương pháp tạo ảnh khác như siêu âm, với các phụ nữ mang thai trừ trường hợp thật cần thiết bắt buộc mới phải sử dụng MRI.
5) Ngoài ra những lưu ý ở trên cần phải lưu ý những gì?
Trả lời:
- Điều dưỡng trước khi đưa bệnh nhân vào phòng cũng phải chú ý: tháo bỏ hết các vật dụng kim loại như: bình oxy, cọc truyền, kéo, pank, kim tiêm, ống nghe, xe lăn, nạng…
- Tại Mỹ đã có trường hợp bệnh nhân tử vong do tai nạn mang bình oxy vào trong buồng MRI (do lực từ rất mạnh của máy MRI khi hút bình oxy đã va chạm vào phần đầu của bệnh nhân).
- Kỹ thuật viên, Điều dưỡng, các nhân viên y tế… cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trước khi vào phòng chụp MRI.
Nguyễn Văn Hiếu
?????????✏?????????✏?????????✏
Thầy Nguyễn Văn Hiếu hiện đang công tác tại Khoa Điều dưỡng – Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. Thầy có kinh nghiệm 4 năm làm việc tại các bệnh viện Việt Nam và 5 năm làm việc tại Bệnh viện Joban tỉnh Fukushima – Nhật Bản.
?????????✏?????????✏?????????✏
TUYỂN SINH 2025
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn
Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.