SỰ GIA TĂNG MẮC BỆNH MẠN TÍNH KHÔNG LÂY Ở VIỆT NAM

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ. Sự phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh đang đạt được những thành tự xuất sắc. Trong đó, nền y tế cũng có những bước phát triển và thay đổi. Một trong những sự thay đổi đó là sự dịch chuyển mô hình bệnh tật từ những bệnh lây nhiễm sang những bệnh mạn tính không lây. Và đây thực sự đang là một gánh nặng bệnh tật lên nền y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, bệnh không lây nhiễm: “là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm”.

Theo Bộ Y tế, Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm. Chủ yếu là các mặt bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch. Sức khỏe tâm thần cũng đang là lĩnh vực có nhiều người bệnh gia tăng. Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường, còn theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, “sát thủ thầm lặng” là bệnh tăng huyết áp chiếm 25% số người trên 25 tuổi. Tuy nhiên điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Ngoài ra, đột quỵ và ung thư cũng đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa.

Số liệu năm 2019 cho thấy gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 62,5% tổng gánh nặng bệnh tật do mọi nguyên nhân, trong khi gánh nặng bệnh tật do bệnh truyền nhiễm, bệnh lý bà mẹ, chu sinh, rối loạn dinh dưỡng chỉ chiếm khoảng 27%. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.

Hình ảnh: Biến chứng loét bàn chân ở người bệnh Đái tháo đường type 2 có thể gây tàn tật

Biến chứng loét bàn chân

Biến chứng loét bàn chân

Nhận định được tình hình gia tăng nhanh của các bệnh mạn tính không lây nhiễm ở Việt Nam; trong khuôn khổ sự hợp tác trong lĩnh vực Y tế của hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, “Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm” đã được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 27/6/2024. Đây là sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Báo cáo tại hội thảo chỉ ra rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, …

Những bệnh không lây diễn biến âm thầm vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh có tỷ lệ mắc ngày càng cao và để lại những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp dự phòng và nâng cao sức khỏe cho mọi người.

Chế độ ăn nhiều rau xanh giúp phòng chống các bệnh mạn tính

Tác giả: Nguyễn Trọng Nghĩa

Giảng viên Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam

TUYỂN SINH 2024

Bạn đang chưa biết lựa chọn ngành nào ?
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn

Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.