Tại sao sinh viên ngành y tế cần được giáo dục về an toàn người bệnh?

Thách thức hàng đầu trong lĩnh vực y tế hiện nay là bảo đảm cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn cho người bệnh/khách hàng. Các chuyên gia y tế đã nhận ra một hiện thực là bệnh viện không phải là nơi an toàn cho người bệnh như mong muốn và mâu thuẫn với chính sứ mệnh của nó là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người.

Trên thế giới, gần 14% bệnh nhân bị tổn hại do chính dịch vụ y tế mà họ nhận được trong thời gian nằm viện, cứ mỗi phút lại có 5 người chết vì không được chăm sóc y tế đúng cách. Hàng năm, có khoảng 134 triệu sự cố y khoa xảy ra ở các nước thu nhập trung bình thấp, gây ra 2,6 triệu ca tử vong do không đảm bảo an toàn người bệnh. Bên cạnh đó, chi phí cho các sự cố y khoa ước tính lên đến 42 tỷ USD mỗi năm.

Ở nước ta, một số sự cố y khoa không mong muốn xảy ra gần đây gây sự quan tâm theo dõi của toàn xã hội đối với ngành y tế. Khi sự cố y khoa không mong muốn xảy ra, người bệnh và gia đình người bệnh trở thành nạn nhân, phải gánh chịu hậu quả tổn hại tới sức khỏe, tính mạng, tài chính, tai nạn chồng lên tai nạn. Và các cán bộ y tế liên quan trực tiếp tới sự cố y khoa không mong muốn cũng là nạn nhân trước những áp lực của dư luận xã hội và cũng cần được hỗ trợ về tâm lý khi rủi ro nghề nghiệp xảy ra.

Sự cố không mong muốn – Adverse Events (AE): Y văn của các nước sử dụng thuật ngữ “sự cố không mong muốn” ngày càng nhiều vì các thuật ngữ “sai sót chuyên môn, sai lầm y khoa” dễ hiểu sai lệch về trách nhiệm của cán bộ y tế và trong thực tế không phải bất cứ sự cố nào xảy ra cũng do cán bộ y tế. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, sự cố không mong muốn là tác hại liên quan đến quản lý y tế (khác với biến chứng do bệnh) bao gồm các lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, sử dụng trang thiết bị y tế để cung cấp dịch vụ y tế.

Tại sao sinh viên ngành y tế cần được giáo dục về an toàn người bệnh?

Khi nhiều chuyên môn tham gia vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kĩ thuật viên xét nghiệm, kĩ thuật viên chẩn đoán hình ảnh và nhân viên y tế khác), rất khó để đảm bảo chăm sóc an toàn trừ khi hệ thống chăm sóc được thiết kế để tạo điều kiện cung cấp thông tin và hiểu biết kịp thời và đầy đủ cho tất cả các chuyên gia y tế. Tương tự như vậy, ở các nước đang phát triển, sự kết hợp của nhiều yếu tố bất lợi như thiếu nhân lực, cơ cấu không phù hợp và tình trạng quá tải, thiếu hàng hóa và thiết bị cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe, điều kiện vệ sinh kém, tất cả đều có thể là do nguồn tài chính hạn chế, góp phần để chăm sóc bệnh nhân không an toàn.

Tại mỗi thời điểm trong quá trình chăm sóc y tế đều có một mức độ rủi ro nhất định đối với bệnh nhân. Các sự cố y khoa (hay biến cố bất lợi) là các sự kiện ngoài ý muốn xảy ra vì một số sai sót trong quá trình khám chữa bệnh, trong việc sử dụng thuốc, y cụ hoặc sinh phẩm y tế, hoặc trong chính hệ thống y tế. Đảm bảo an toàn người bệnh đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ hệ thống y tế, bao gồm cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn môi trường và quản lý rủi ro, cụ thể như kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc và thiết bị đúng cách, thực hành lâm sàng an toàn.

Khi sự cố xảy ra, người làm công tác khám chữa bệnh trực tiếp (bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh…) dễ bị gán lỗi. Xác định nguyên nhân gốc không chỉ đơn giản là tìm kiếm lỗi cá nhân mang tính triệu chứng mà phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gián tiếp thúc đẩy sự cố xảy ra. Việc phân tích nguyên nhân gốc và thực hiện các hành động khắc phục được coi là quá trình cải tiến liên tục của cơ sở y tế.

Sinh viên nhóm ngành sức khỏe, với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lãnh đạo ngành chăm sóc sức khỏe trong tương lai, phải tự chuẩn bị để thực hành chăm sóc an toàn. Tại trường đại học y khoa Tokyo Việt Nam sinh viên sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng áp dụng các nguyên tắc và khái niệm an toàn người bệnh; biết các hệ thống ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng và sự an toàn của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giao tiếp kém có thể dẫn đến các sự kiện bất lợi như thế nào, v.v.

Tài liệu tham khảo:

  1. WHO (2011) Patient Safety Curriculum Guide Multi-professional Edition

2. Bộ Y Tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Dự án tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong khám chữa bệnh: Tài liệu đào tạo liên tục An toàn người bệnh

Tác giả: TS Trần Thị Thanh Huyền

Khoa Kỹ Thuật Xét Nghiệm Y Học

Ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học

 

TUYỂN SINH 2025

Bạn đang chưa biết lựa chọn ngành nào ?
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn

Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.