TIÊM KHÔNG ĐAU

Tiêm có đau không?
Đây là câu hỏi và thắc mắc của nhiều người, nhất là trước thời điểm chuẩn bị phải tiêm. Mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng đã từng bị tiêm, và kể cả người lớn hay trẻ em, thậm chí là cả những nhân viên y tế vẫn có cảm giác “sợ sợ” khi nhìn thấy mũi tiêm chuẩn bị đâm vào da thịt mình, phải không các bạn? Vậy, khi tiêm có đau nhiều không, phụ thuộc các yếu tố nào và làm sao để hạn chế tối đa cảm giác đau đó?

Tiêm là kỹ thuật đưa thuốc dịch hoặc chất dinh dưỡng và một số chất khác qua da vào trong cơ thể để phục vụ chẩn đoán và điều trị. Có nhiều loại đường tiêm và được phân loại theo vị trí tiêm, ví dụ như tiêm trong da, dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, trong xương, động mạch, màng bụng. Trong đó, tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch là phổ biến hơn cả.

Cảm giác đau do tiêm xuất hiện khi mũi kim đâm xuyên qua da, ngay lập tức kích thích lên các receptor đau nằm ở lớp nông của da rồi được truyền về sừng sau tủy sống theo các sợi thần kinh cảm giác và tiếp tục được truyền về trung tâm nhận thức cảm giác đau nằm ở vỏ não. Tốc độ truyền này rất nhanh, 6-30 mét/giây, điều đó giải thích vì sao khi bạn vừa bị đâm kim là có cảm giác đau ngay. Cảm giác đau này xuất hiện trong suốt quá trình tiêm và có thể vẫn còn sau khi rút kim.
Đau do tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố không thể thay đổi được như loại thuốc tiêm. Có những thuốc tiêm ít đau, nhưng cũng có thuốc cảm giác đau nhiều. Thông thường, với những thuốc đẳng trương thì ít gây đau hơn các thuốc nhược trương hay ưu trương.

Tuy nhiên, cũng có các yếu tố khác có thể can thiệp để giúp hạn chế tối đa cảm giác đau cho người được tiêm. Đầu tiên là lựa chọn bơm kim tiêm phù hợp với số lượng thuốc và vị trí tiêm, kim càng nhỏ thì càng ít đau. Tiếp đến là kỹ thuật tiêm, do các receptor đau nằm ở ngay dưới da, nên cần đâm kim thật nhanh để mũi kim vượt nhanh qua da đến cơ hoặc vào lòng mạch. Đối với tiêm bắp, vị trí tiêm ở giữa khối cơ cũng ít đau nhất, nên chọn các cơ lớn như cơ ở vùng mông, vùng đùi trước hoặc cơ Delta ở cánh tay. Tốc độ bơm thuốc nên thật chậm, vừa an toàn cho người bệnh, vừa đỡ đau. Sau khi tiêm xong, nên rút kim thật nhanh giống như lúc đâm kim vào.

Nguồn www.indiamart.com/proddetail/disposable-injection-syringe

Một yếu tố nữa thuộc về phía người được tiêm, đó là tâm lý. Nếu bạn có cảm giác sợ đau, tâm lý lo lắng, căng thẳng thì chắc chắn mũi tiêm đó sẽ làm bạn đau hơn mức bình thường. Thế nên, người tiêm nên ân cần giải thích tỷ mỉ, động viên an ủi sẽ giúp người bị tiêm giảm cảm giác đau.

Sinh viên THUV đang chuẩn bị dụng cụ trong một buổi học thực hành tiêm

Các bạn thấy đó, đau khi tiêm là một cảm giác mang tính chủ quan của người được tiêm, và chúng ta hoàn toàn có thể có những phương pháp làm giảm tối đa cảm giác đau đó, thậm chí là TIÊM KHÔNG ĐAU.

Bạn ơi, mình tiêm không đau đâu nhé!

Các bạn có muốn trở thành một người Điều dưỡng có kỹ năng tiêm rất nhẹ nhàng, không đau không? Hãy tìm hiểu và đăng ký theo học chuyên ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam nhé.

Tác giả: ThS. Nguyễn Trọng Nghĩa- Giảng viên khoa Điều dưỡng

🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸

THUV’S 2022 OPEN DAY

TUYỂN SINH 2025

Bạn đang chưa biết lựa chọn ngành nào ?
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn

Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.