Vắc xin đã trở thành chìa khóa giúp thế giới thanh toán các dịch bệnh như thế nào?
Những thành quả mà vắc xin mang lại kể từ khi ra đời đến nay đã được cả thế giới công nhận. Các chương trình tiêm chủng vắc xin trên quy mô lớn giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Một số dịch bệnh trên thế giới đã được thanh toán hoàn toàn nhờ vắc xin. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về tầm quan trọng và những thành tựu của vắc xin đối với sức khỏe cộng đồng.
- Lịch sử các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và những thành quả khi vắc xin ra đời
- Bệnh đậu mùa: từ phương pháp chủng đậu đến tiêm chủng vắc xin
Trong hàng thiên niên kỷ, bệnh đậu mùa đã là một bệnh nhiễm trùng gây nên tai họa cho toàn thế giới với tỷ lệ tử vong lên đến 30% và những ai sống sót qua vụ dịch thì cũng để lại dị tật trên mặt hay mù lòa suốt đời. Bệnh do vi rút Variola thuộc chi Orthopoxvirus gây ra. Người ta ước tính rằng vào cuối thế kỷ 18 ở châu Âu, hàng năm có 400.000 người chết vì bệnh đậu mùa.
Một phương pháp để ngăn ngừa bệnh đậu mùa mắc phải tự nhiên gọi là “chủng đậu mùa – variolation” bắt nguồn từ Ấn Độ từ trước năm 1000 sau Công nguyên, lan sang Trung Quốc, Tây Á và vào châu Âu từ khoảng năm 1721. Phương pháp này dùng vật liệu từ mụn mủ hoặc vảy của những người đã bị nhiễm bệnh để cấy vào da hoặc hít qua đường mũi cho người chưa bị nhiễm bệnh. Tuy vẫn có tỷ lệ tử vong từ 1 – 2 % do không an toàn, chủng đậu mùa gây ra một tình trạng bệnh ít nghiêm trọng hơn so với nhiễm bệnh đậu mùa tự nhiên.
Năm 1796, Edward Jenner – bác sĩ người Anh đã tìm ra một giải pháp thay thế an toàn hơn cho “chủng đậu” và được biết đến như là cha đẻ của ngành tiêm chủng. Ông lấy chất tiết từ mụn mủ trên tay của một người phụ nữ vắt sữa bò (những người thường xuyên bị mắc bệnh đậu bò, tương tự bệnh đậu mùa ở người nhưng các triệu chứng nhẹ hơn nhiều) để cấy vào tay của người lành. Phương pháp này đã tạo ra một nhiễm trùng tự giới hạn tại chỗ và vài tháng sau đã giúp người được tiêm không mắc bệnh đậu mùa khi thử nghiệm chủng đậu, hiệu quả còn tiếp tục duy trì trong 5 năm tiếp theo. Jenner gọi và quy trình là “vaccination – tiêm chủng” (vacca: bò trong Latinh).
Chiến dịch tiêm chủng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bắt đầu từ năm 1967, kéo dài khoảng 10 năm và cực kỳ thành công. Do đó, mặc dù ước tính 300 triệu người đã chết vì bệnh đậu mùa trong thế kỷ 20, nhưng không ai chết vì vi rút này kể từ năm 1978. Một minh chứng vững chắc cho thành quả lớn đầu tiên của vắc xin là thông báo của WHO vào năm 1980 rằng đậu mùa là căn bệnh đầu tiên đã được thanh toán trên toàn thế giới bằng một chương trình tiêm chủng.
- Bệnh bại liệt:
Bại liệt là bệnh do vi rút Polio gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Vi rút xâm nhập vào hệ thần kinh, có thể gây tê liệt hoặc thậm chí tử vong chỉ trong vài giờ. Cứ 200 người nhiễm bệnh bại liệt thì có 1 người bị liệt không hồi phục (thường liệt chân) và có khoảng 5 – 10% tử vong do liệt cơ hô hấp.
Việc phát triển vắc-xin chống lại bệnh bại liệt là một thành tựu quan trọng trong lịch sử vắc-xin. Sau chiến thắng toàn cầu trước bệnh đậu mùa, chương trình xóa sổ bệnh bại liệt đã được WHO và một số nhà tài trợ từ thiện lớn khởi xướng. Số ca bệnh bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 95% vào năm 2000. Vi rút bại liệt hoang dã đã bị loại trừ ở tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Á, và tính đến năm 2020, Afghanistan và Pakistan là 2 quốc gia duy nhất mà căn bệnh này vẫn được xếp vào loại bệnh lưu hành. Hy vọng mục tiêu xóa sổ bệnh bại liệt sẽ đạt được trong tương lai không xa.
- Các bệnh truyền nhiễm khác
Tầm quan trọng của việc tiêm chủng dự phòng chống lại các bệnh truyền nhiễm được minh họa rõ nhất bằng thực tế là các chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới đã giúp loại bỏ hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn nhiều bệnh trong số các bệnh này ở các nước phát triển. Việc thực hiện các chương trình tiêm chủng thường quy cho trẻ em Hoa Kỳ đã dẫn đến giảm đáng kể tỷ lệ mắc một số bệnh truyền nhiễm từ mức cao nhất ở giữa thế kỷ 20 xuống mức thấp kỷ lục như ngày nay.
Bảng 1. Hiệu quả của vắc xin đối với một số bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Mỹ
Bệnh | Số ca tối đa mắc (Năm) | Số ca trong năm 2014 | % thay đổi |
Bạch hầu | 206 939 (1921) | 0 | -100.0 |
Sởi | 894 134 (1941) | 669 | -99.93 |
Quai bị | 152 209 (1968) | 737 | -99.51 |
Ho gà | 265 269 (1934) | 10 631 | -95.99 |
Bại liệt | 21 269 (1952) | 0 | -100.0 |
Rubella | 57 686 (1969) | 2 | -99.99 |
Uốn ván | 1 560 (1923) | 8 | -99.48 |
Hib | ~20 000 (1984) | 34 | -99.83 |
Viêm gan B | 26 611 (1985) | 1 098 | -95.87 |
Các chiến dịch tiêm chủng trên toàn thế giới cũng được ghi nhận là đã kiểm soát được ít nhất 10 bệnh truyền nhiễm lớn khác (sởi, quai bị, rubella, thương hàn, uốn ván, bạch hầu, ho gà, cúm, sốt vàng và bệnh dại). CDC đã công bố tiêm chủng đứng đầu trong danh sách 10 thành tựu y tế công cộng vĩ đại nhất của thế kỷ XX.
- Vắc xin – vũ khí hữu hiệu giúp hệ thống miễn dịch tăng cường khả năng chống các loại vi sinh vật gây bệnh
- Nguyên tắc cơ bản của tiêm vắc xin: là sử dụng một dạng tác nhân truyền nhiễm (vắc xin: chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật) đã bị giết chết hoặc làm giảm độc lực, hoặc một thành phần của vi sinh vật, không gây bệnh nhưng tạo ra phản ứng miễn dịch đặc hiệu chủ động, để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của vi sinh vật sống, gây bệnh.
- Tại sao vắc xin là biện pháp can thiệp quan trọng cho mọi hoạt động y tế?
- Vắc xin là biện pháp can thiệp có hiệu quả cao để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và có tầm quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
- Vắc xin có khả năng bảo vệ cho mỗi cá thể và tạo miễn dịch cho cả cộng đồng trước một bệnh có khả năng lây lan nhanh thành dịch.
- Việc giảm gánh nặng bệnh tật (tỷ lệ mắc bệnh và tử vong) đạt được thông qua việc thực hiện các chương trình tiêm chủng cho trẻ em là thành công rất phi thường.
- Trong vài năm gần đây, các loại vắc-xin mới dành cho thanh thiếu niên và người lớn đã trở nên sẵn có và hiện nay được khuyên dùng. Tiêm phòng trở nên quan trọng đối với tất cả các giai đoạn cuộc đời.
Tóm lại, vắc xin phòng bệnh đã giúp kiểm soát hoặc loại bỏ nhiều bệnh truyền nhiễm từng cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Bệnh đậu mùa đã được xóa sổ trên toàn thế giới, bệnh bại liệt gần như đã được loại bỏ. Hầu hết các bệnh do vi rút và vi khuẩn ảnh hưởng đến trẻ em trên toàn thế giới hiện nay đều có thể phòng ngừa được bằng các loại vắc xin. Vắc xin thực sự trở thành chìa khóa giúp thế giới thanh toán các dịch bệnh. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có quy mô trên toàn cầu và một số dịch bệnh đang diễn biến phức tạp với số ca mắc lớn trong cộng đồng như cúm A, thủy đậu, sởi…Việt Nam cũng đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan mạnh mẽ của các dịch bệnh và vắc xin lại càng quan trọng hơn bất cứ khi nào. Hiểu được tầm quan trọng của vaccine giúp chúng ta có ý thức phòng bệnh và thực hành việc tiêm chủng đầy đủ cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng một hệ miễn dịch mạnh khỏe cho cộng đồng.
ThS. BS Đào Khánh Linh – Khoa KT Xét nghiệm Y học
🇯🇵 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵
TUYỂN SINH 2025
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn
Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.