Giao lưu quốc tế

ĐẶC SẢN CÁC VÙNG MIỀN CỦA NHẬT BẢN

Khi nói về món ngon Nhật Bản bạn sẽ nghĩ đến món ăn nào đầu tiên? Nhật Bản có nền văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo và đa dạng, các món ăn không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên từng mùa. Với bài viết này, tôi sẽ chia sẻ 5 món ăn nổi bật ở 5 tỉnh thành của Nhật Bản để bạn có thể trải nghiệm ẩm thực tốt nhất khi có dịp đi du lịch đến đây. Tỉnh Osaka nổi tiếng với món Takoyaki Khi nói đến Osaka thì không thể không nhắc đến bánh Takoyaki. Đó là một trong những món ăn phổ biến nhất nước Nhật nhưng hương vị của Takoyaki ở Osaka đặc biệt ngon hơn tất cả các thành phố khác. Tên bánh cũng có ý nghĩa rất thú vị. Tako có nghĩa là bạch tuộc, còn yaki có nghĩa là nướng. Nguyên liệu chính của món ăn này là bột mì, bột dashi, bột tenkatsu, trứng gà, bắp cải, gừng và bạch tuộc. Phần bạch tuộc được cắt nhỏ, khi ăn có cảm giác giòn, rất ngon. Tỉnh Ibaraki nối tiếng với món natto  Natto – món ẩm thực Nhật Bản có phần độc đáo, kỳ lạ. Natto được hiểu là một món đậu nành lên men theo phương pháp truyền thống của người Nhật. Món ăn này có mùi cực nồng, gây khó chịu và khiến nhiều người không thể ăn được. Tuy nhiên, khi đã nếm thử người ta sẽ bất ngờ về hương vị ngon mà món ăn này mang đến. Tỉnh Hiroshima nổi tiếng với món ăn oknomiyaki  Bánh xèo Okonomiyaki là món ăn nổi tiếng Nhật Bản mang hương vị truyền thống. Bánh sử dụng bột mì đã hòa trộn các nguyên liệu hải sản và rau vào nước, rồi nướng trên một bàn nướng Teppan, sau đó có thể được chấm với nước sốt để ăn. Tỉnh Hokkaido nổi tiếng với món mỳ ramen Ramen là một món mì nổi tiếng của Nhật Bản được nhiều người ưa thích. Món này bao gồm phần sợi mì được làm từ lúa mì, nước dùng thường nấu từ xương heo, xương gà hoặc cá, đồng thời ăn kèm với các món như thịt lợn thái mỏng (xá xíu), rong biển sấy khô (nori), măng chua (menma) và hành lá. Ngoài ra, mỳ ramen cũng có rất nhiều loại khác nhau như: Shoyu ramen, Tonkotsu ramen, Tsukemen ramen, Sapporo ramen…. Tỉnh Saitama nổi tiếng với món Unagi Giàu dinh dưỡng và vị ngọt từ xương của lươn nướng Unagi Kabayaki, món đặc sản này đã có mặt tại Nhật Bản hơn 100 năm nay. Vào mùa hè, là mùa người ta thích ăn lươn nhất. Những con lươn này được rút xương và tẩm ướp sẵn với hành, sau đó họ sẽ cắt nhỏ miếng lươn để xiên lên nướng. Cuối cùng thành quả sẽ là những miếng lươn đậm đà cùng nước chấm mà vô cùng mềm Đất nước mặt trời mọc này chưa bao giờ làm chúng ta thất vọng từ nền văn hoá cho đến ẩm thực. Các món ăn ở những vùng khác nhau đã tạo ra sự đa dạng và phong phú cho nền ẩm thực Nhật Bản. Nó hoàn hảo từ mĩ vị cho đến mùi vị. Hy vọng với bài viết trên sẽ giúp bạn hiều thêm về nền ẩm thực của đất nước mặt trời mọc này. Tham khảo: http://tnttravel.tnt-vietnam.com/vi/news/Kinh-nghiem-du-lich/kham-pha-dac-san-vung-mien-o-nhat-ban-33.html GV. Nguyễn Thị Thu Hường  🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵 Ngành Kỹ thuật hình ảnh Y học

VIỆT NAM NHÌN TỪ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ~LÃNG PHÍ THỰC PHẨM~

Bạn có biết “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững mà toàn thể cộng đồng quốc tế nên hướng tới” được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015 không? Tôi đã có cơ hội làm việc trong lĩnh vực viện trợ từ năm 1999 đến năm 2014, khi mà các MDG (Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2000) được thiết lập. Vì vậy, tôi rất vui vì “Mục tiêu phát triển bền vững” (SDGs) đã trở thành một cụm từ được biết đến rộng rãi trong mười năm qua. Có vẻ khó để chỉ nắm bắt nội dung thông qua từ ngữ, nhưng tôi sẽ cố gắng giải thích và đưa nó vào thực tế theo cách riêng của mình, chẳng hạn như “Mỗi người trên trái đất không nên chỉ nghĩ cho bản thân mình, mà còn nên thực hiện những hành động liên quan đến sự tồn tại trong tương lai của trái đất”. Với mục tiêu “Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi (Mục tiêu số 3)” và “Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người (Mục tiêu số 4)”, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam đang trực tiếp hành động để hướng tới mục tiêu đó. Cho đến hôm nay, tôi đã làm việc tại Việt Nam được hai năm. Có một vấn đề mà tôi để ý rất nhiều nhưng tôi nghĩ giờ đã đến lúc tôi phải lên tiếng. Đó là vấn đề về việc lãng phí thức ăn. Khi còn ở Nhật Bản, tôi đã không biết rằng Việt Nam có nhiều lương thực đến như vậy. Sau khi thử tra cứu tôi thấy có báo cáo chỉ ra rằng so với tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Nhật là 37% thì của Việt Nam vượt trên mức 110%. Tôi nghĩ rằng Nhật Bản là một quốc gia không thể tồn tại nếu không dựa vào sự giúp đỡ của các quốc gia khác, tuy nhiên Việt Nam lại được trời phú cho lương thực đến mức có thể hỗ trợ cho Nhật Bản. Tuy nói như vậy nhưng gần đây, việc lãng phí thực phẩm cũng đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản gần đây đã bắt đầu hành động sau khi nhận được báo động về tình trạng lãng phí thực phẩm quá mức. Kết quả này đã giúp cho cụm từ “Lãng phí thực phẩm” đến gần hơn với mọi người. (https://www.maff.go.jp/j/shokusan/recycle/syoku_loss/161227_4.html) Tôi đã sống ở châu Phi khoảng 7 năm, vì vậy tôi có được kinh nghiệm thực tiễn rằng thức ăn và nước uống là hai thứ đặc biệt gắn liền với sinh mệnh con người. Do đó, nguồn lương thực dồi dào của Việt Nam đã khiến tôi thực sự bất ngờ. Đặc biệt trong việc thể hiện lòng hiếu khách, tôi cho rằng việc chuẩn bị thức ăn một cách đề huề là một phần văn hóa của Việt Nam. Ở Nhật cũng có tinh thần hiếu khách tương tự như vậy, tuy nhiên ở các thành phố họ thường không chú trọng tới điều này. Không dễ để thay đổi cách suy nghĩ đã ăn sâu trở thành văn hóa, và đặc biệt khó có thể thay đổi hành vi của người cao tuổi, tuy nhiên những người trẻ tuổi lại có thể thay đổi mọi thứ từng chút một và đây chính là đặc quyền của người trẻ. Nếu con người giữa sự thay đổi văn hóa chia thành các quan điểm “tốt” và “xấu”, nó có thể khiến cả hai bên cảm thấy không thoải mái, nhưng tôi nghĩ một trong những giải pháp hòa bình là đưa ra một ý tưởng chung hợp nhất. Về vấn đề lãng phí thực phẩm, khi không thể tránh khỏi việc để thức ăn thừa khi tiếp khách, thay vì vứt đi, bạn có thể cho chúng vào hộp cơm cho ngày hôm sau hoặc nghĩ ra một công thức tạo thành món ăn mới, hoặc cho vật nuôi ăn, ủ phân, nhân giống. Việc bảo vệ Trái đất phụ thuộc vào thái độ của mỗi người. Nếu có hứng thú, bạn có thể tìm kiếm trên trang web của Liên Hợp Quốc (https://sdgs.un.org/goals), ngoài ra cũng có nhiều trang giải thích khá dễ hiểu, hãy thử tham khảo. Bạn có muốn cùng nhau thực hiện các “Mục tiêu phát triển bền vững” kể từ hôm nay không? SUGAWARA JUNKO – Phòng Hành chính – Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam  🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵 THÔNG TIN TUYỂN DỤNG THUV

VĂN HÓA ẨM THỰC VIỆT NAM VÀ NHẬT BẢN

Tôi đã sống với nền ẩm thực của Nhật Bản hơn nửa thế kỷ. Giữa tháng 8 năm 2021, tôi chuyển tới Việt Nam làm việc. Khi đó, làn sóng dịch bệnh Covid đã khiến Hà Nội bị phong tỏa (lockdown). Tôi phải cách ly tại khách sạn 2 tuần và tại chung cư nơi tôi ở 2 tuần. Trong khoảng 1 tháng đó, tôi đã sinh hoạt mà không thể ra ngoài mua đồ ăn. Bữa sáng đầu tiên trong ngày cách ly của tôi là một suất phở đựng trong bát giấy. Trước khi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã nghĩ phở là một món ăn linh hồn của Việt Nam và nó được đánh giá là rất ngon nhưng suất phở tôi được chuẩn bị tại khách sạn đã bị nguội lạnh và làm giảm đi một nửa vị ngon của tô phở. Do đó, tôi đã không ăn phở trong vài tháng vì hương vị của suất phở đó quá khác so với những những gì tôi đã tưởng tượng. Trong một lần khi cùng các đồng nghiệp đi chơi tại Hà Nội, tôi được mọi người giới thiệu đến một quán phở có thể coi là ngon nhất ở đây, ban đầu tôi đã thưởng thức tô phở trong tâm thế lo lắng. Tuy nhiên đó lại chính là khoảnh khắc mà tôi thực sự nhận ra đây mới chính là hương vị của phở, mọi ấn tượng không tốt của tôi về món phở hoàn toàn biến mất, tôi bắt đầu ra ngoài và thưởng thức thêm nhiều món ăn khác của Việt Nam. Những món ăn nóng quả đúng là chỉ nên ăn trong lúc còn nóng phải không các bạn?! Một lần nữa tôi càng thấm thía hơn hương vị món ăn sẽ bị giảm đi đáng kể nếu bị nguội lạnh. Khi còn ở Nhật Bản tôi đã tự nấu ăn hàng ngày trong thời gian dài và nó đã trở thành một thói quen không thể thiếu của tôi. Tôi sinh ra ở tỉnh Hiroshima. Món ăn được coi là linh hồn tại nơi đây chính là món OKONOMIYAKI. Món ăn này tôi đã được ăn từ khi còn bé, vì vậy khi đến Việt Nam, thỉnh thoảng tôi vẫn tự làm để thưởng thức. Okonomoyaki là một trong những món ăn nổi tiếng của Nhật Bản, có thể coi rằng nó đứng ngang hàng với mì ramen và sushi. Thật may mắn vì gần chung cư nơi tôi sinh sống có một nhà hàng Nhật Bản và thỉnh thoảng tôi có tới ăn tại nhà hàng đó. Bầu không khí trong nhà hàng hoàn toàn mang phong cách Nhật Bản. Trong khoảnh khắc ấy, tôi như cảm thấy rằng mình đã quay trở lại Nhật, đây chính xác là nơi có thể làm vơi đi nỗi nhớ quê hương của tôi. Trong thời gian giãn cách, tôi cảm nhận rằng xung quanh chung cư nơi tôi sống như một lâu đài ma nhưng đến thời điểm hiện tại tôi đã không còn cảm thấy như vậy, nhiều nhà hàng đã mọc lên và tôi có thể ra ngoài để thưởng thức các món ăn. Tôi sử dụng máy dịch và dịch những chữ viết trong cuốn menu tiếng Việt để gọi món, tuy nhiên, thỉnh thoảng máy dịch khiến tôi không hiểu. Tôi đang khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam và tôi nghĩ đây là một trải nhiệm tốt. Ngoài ra, những buổi tiệc nhỏ vui vẻ cùng với đồng nghiệp và cùng nhau thưởng thức những món ăn của Việt Nam cũng được tổ chức. Tương tự như ở Nhật Bản, mọi người cũng tụ tập với nhau và tổ chức những bữa tiệc ăn uống vui vẻ. Tôi cảm thấy rằng những buổi tụ tập ở Việt Nam và Nhật Bản có nét khá giống nhau. Sự khác biệt duy nhất mà tôi nhận ra được là những nguyên liệu tôi chưa từng một lần thấy. Những thứ ở Nhật hầu như chưa bao giờ tôi được ăn lại xuất hiện trong cuốn menu đặt trên bàn. Đó chính là văn hóa ẩm thực của Việt Nam! TS. Minoru Ishifuro – Ngành kỹ thuật hình ảnh y học 🇯🇵 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵 Ngành Kỹ thuật hình ảnh Y học

Ý nghĩa biểu tượng (logo) của THUV

Logo chính là đại diện, thương hiệu cho một tổ chức. Chính vì vậy, logo mang một ý nghĩa rất cao cả, tượng trưng cho lý tưởng trong kế hoạch phát triển của mỗi trường. Với triết lý giáo dục “mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người trên thế giới”, ước vọng đưa Trường Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam (THUV) trở thành một cái nôi đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cung cấp dịch vụ y tế đạt chuẩn quốc tế, người sáng lập Trường Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam đã chọn hình ảnh chim hạc làm biểu tượng cho logo của trường. Đối với mỗi đường nét, mỗi chi tiết ở logo của THUV đều chứa đựng những ý nghĩa riêng nhưng kết hợp lại với nhau đã tạo nên một ý nghĩa trọn vẹn trong 1 vòng tròn. Bên cạnh đó, vòng tròn làm viền cho logo mang ý nghĩa về khuôn phép, kỷ cương và sự an toàn trong môi trường học tập, chứa đựng khát vọng vươn tới sự hoàn thiện về trí tuệ và sự đong đầy về tâm hồn. Không những vậy, vòng tròn luôn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự vĩnh cửu và sự cam kết gắn bó dài lâu vì nó không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc. Bên trong vòng tròn là tên trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam được viết bằng tiếng Anh và bốn chữ cái viết tắt tên trường bằng tiếng Anh “THUV – Tokyo Human Health Sciences University Vietnam” thể hiện tinh thần luôn muốn giao lưu, phát triển và hợp tác với nhiều cơ sở giáo dục trong nước và trên thế giới. Nhà trường luôn cố gắng, phấn đấu và đề ra mục tiêu mới trong tương lai để tiếp tục xây dựng một ngôi trường ngày càng vững mạnh. Hình ảnh chú chim hạc được đặt ở trung tâm đại diện cho những sinh viên THUV khi trở thành những nhân viên y tế có thể đi đến bất cứ nơi đâu trên thế giới để giúp đỡ mọi người cũng như những chú chim hạc dang rộng đôi cánh để có thể sải cánh tung bay trên bầu trời rộng lớn. Logo được thiết kế bằng những đường nét đơn giản, không họa tiết cầu kỳ. Logo được thiết kế với 3 màu chủ đạo là xanh da trời, đen và trắng là những màu sắc cơ bản mang sắc thái của sự yên bình, thân thiện và khát vọng mạnh mẽ, thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Có thể nói, logo của Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam là biểu tượng thể hiện mục đích và phương châm đào tạo cán bộ y tế của nhà trường. Đó cũng là sự phấn đấu xây dựng một môi trường học tập đầy tính nhân văn để mỗi một sinh viên nhà trường có thể phát huy khả năng của bản thân một cách tối đa nhất. Bạn có muốn tìm hiểu thêm về THUV không ? Hãy liên hệ với chung tôi theo số máy 0869 809 088 để được tư vấn nhé! Nguyễn Thúy Hiền – Cán bộ phòng tuyển sinh 🇯🇵 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵 Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng

Chúc mừng Ngày kỹ thuật điện quang thế giới (Happy World Radiography Day – 8/11)

Hiệp hội kỹ thuật điện quang thế giới (International Society of Radiographers and Radiological Technologists – ISRRT) được thành lập năm 1962 là tổ chức phi lợi nhuận bao gồm các thành viên đến từ hơn 86 quốc gia trong đó có Việt Nam. Năm 2022, ISRRT chọn chủ đề Vai trò của kỹ thuật viên điện quang trong đại dịch (The Role of the Radiographer in a Pandemic) nhằm tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của những cá nhân và tổ chức với tư cách là các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tuyến đầu. Khoa kỹ thuật hình ảnh Y học trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam với nhiệm vụ đào tạo về kỹ thuật điện quang theo tiêu chuẩn Nhật Bản, giúp các sinh viên sẵn sàng hòa nhập và thích nghi với những thay đổi về công nghệ điện quang trên thế giới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Mọi thông tin về ISRRT xin tham khảo theo đường link bên dưới: https://www.isrrt.org/ https://tokyo-human.edu.vn/   TS. Trần Văn Biên – Phó trưởng khoa Kỹ thuật hình ảnh y học 🇯🇵 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵 Ngành Kỹ thuật hình ảnh Y học

TRỞ THÀNH “CÔNG DÂN TOÀN CẦU”

Kể từ sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã ở Ghana, Tây Phi được hai năm. Một năm rưỡi ở Ethiopia, Bắc Phi. Ba năm rưỡi ở Zambia, Nam Phi. Và ở Việt Nam cho đến nay đã là 1 năm rưỡi. Tôi đã sống ở nước ngoài tổng cộng khoảng 8 năm. Trong sáu năm làm việc tại Nhật Bản, tôi đã làm việc tại công ty với khoảng 50 người nước ngoài thuộc các quốc tịch khác nhau đến từ khoảng 20 quốc gia, vì vậy sau khi trở thành một thành viên của xã hội, tôi hoàn toàn hòa mình vào các nền văn hóa đa dạng. Từ kinh nghiệm như vậy, tôi muốn kể cho các bạn nghe về cơ duyên mà tôi được làm việc trong một nền văn hóa khác. Điều hấp dẫn nhất là được gặp gỡ mọi người đến từ nhiều quốc gia xa lạ, tôi có thể hiểu về sự khác biệt trong suy nghĩ và thấy được sự khác biệt đó thật thú vị. Tất nhiên, không phải tất cả đều thoải mái, nhưng khi bạn khám phá nền tảng suy nghĩ của đối phương “Tại sao bạn lại cảm thấy và suy nghĩ như thế này?”, bạn có thể sẽ tìm thấy những khía cạnh đầy bất ngờ. Chẳng hạn, một trong những ấn tượng về người Việt Nam của người Nhật là “đua tốc độ”. Người Nhật có xu hướng tiến hành công việc sau khi đã lên kế hoạch đầy đủ, giống như việc “Đi qua một cây cầu bằng đá rồi nhưng vẫn cẩn thận gõ xem cầu có chắc chắn không” nên cần có thời gian để thực hiện. Ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Ấn tượng về Việt Nam là, “cứ thực hiện đã rồi điều chỉnh.” Nhìn từ góc độ của người Nhật, tôi nghĩ rằng tốt hơn hết là nên suy nghĩ cẩn thận một chút, nhưng tôi cũng cảm thấy năng lực hành động này là biểu tượng của Việt Nam – một đất nước trẻ. Và tôi thường nghe nói rằng chính ý thức về tốc độ này đã khiến người Nhật Bản chậm chạp gặp khó khăn khi bắt đầu kinh doanh ở Việt Nam. Đặc biệt là khi có đối thủ cạnh tranh, sự thận trọng của Nhật Bản sẽ trở thành điểm bất lợi ở Việt Nam, và trong khi chưa đưa ra được quyết định thì các công ty khác đã quyết định xong rồi. Tôi nghĩ rằng cả hai đều có ưu điểm và nhược điểm, nhưng nó sẽ phụ thuộc vào cách mà bạn nhìn nhận chúng. Một điểm hấp dẫn khác của sự đa dạng văn hóa mà tôi thấy “kỳ lạ” là sự khó chịu khó hiểu mà tôi cảm nhận được khi trở về đất nước của mình sau khi đã hoàn toàn hòa mình vào các nền văn hóa ấy. Có những lúc tôi cảm thấy “không phải tự nhiên mà có”, tôi sẽ không nhận ra những điều đó nếu chỉ ở Nhật. Trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau đã phá vỡ những định kiến ​​tồn tại trong tôi và khiến tôi trở lên suy nghĩ linh hoạt hơn. Tôi luôn nghĩ rằng nếu điều này được lặp lại nhiều lần, bạn sẽ ở thế trung lập dù bạn đi đến bất cứ nơi đâu. Mục tiêu của tôi là trở thành một “Công dân toàn cầu” không phân biệt quốc tịch. Thật dễ dàng để có được thông tin từ khắp nơi trên thế giới thông qua mạng Internet và cảm thấy như bạn đã biết về nó, nhưng nó hoàn toàn khác giữa những gì bạn nhận được qua mạng và những gì bạn trải nghiệm thực tế. “Trăm nghe không bằng một thấy”, đó là lý do tại sao tôi muốn mọi người có những trải nghiệm đa dạng. Tôi có thể cảm thấy như vậy bởi vì tôi nghĩ đó là quãng thời gian đẹp đẽ trong nửa đời người của tôi. Tôi làm việc tại Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam vì tôi muốn càng nhiều bạn trẻ Việt Nam biết càng nhiều càng tốt về các quốc gia khác ngoài Việt Nam. Tôi muốn các bạn mở rộng tầm nhìn của mình bằng cách tiếp xúc với đất nước Nhật Bản từ khía cạnh y tế trong khoảng thời gian quý báu suốt bốn năm đại học. Tôi muốn bạn bước dần từng bước đến với thế giới rộng lớn ngoài kia dù chỉ có một chút can đảm và nhỏ bé. Tôi đã làm việc mỗi ngày với suy nghĩ đó. Tại Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, bạn sẽ như đang được du học ngay chính đất nước mình. Có sự hứng thú và quan tâm đến Nhật Bản và Y học. Bạn có muốn bước một bước để trở thành công dân toàn cầu không? SUGAWARA JUNKO 🇯🇵 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵 https://tokyo-human.edu.vn/tuyen-sinh/thuv2022/

GIỚI THIỆU MỘT SỐ APP HỌC TIẾNG NHẬT HIỆU QUẢ

合間を縫う – TRANH THỦ THỜI GIAN Đã bao giờ sau một ngày dài học tập vất vả, bạn về nhà ăn uống tắm rửa xong, lướt mạng xã hội một lúc, và thấy đã 11, 12 giờ đêm mà chưa làm thêm được gì cả không? Xong lại tự bảo thôi mai, ngày mai rồi học… Có 1 thói quen tranh thủ rất tốt: luôn mang theo vở ghi từ vựng hoặc một tờ giấy nho nhỏ bên mình, viết lại những từ đã học hôm trước, ngồi học hoặc đọc cái mới…vào thời gian nghỉ trưa. Vậy những lúc tranh thủ thời gian như thế này, có một cụm tiếng Nhật các bạn có thể sử dụng là: 時間を縫う(じかんをぬう)hoặc 合間を縫う(あいまをぬう) ・合間: Khoảng thời gian ngắn được nghỉ giải lao. ・縫う: Khâu, vá, may => 合間を縫う có thể hiểu đơn giản là vá lại khoảng thời gian nghỉ ngắn đó – tranh thủ làm một việc gì đó có ích. Và trong thời buổi hiện đại, khi mạng lưới Internet phát triển rộng khắp, các bạn chỉ cần có trong tay một chiếc Smartphone là đủ để học rất nhiều thứ hay ho khi rảnh. Nếu đang học tiếng Nhật thì bạn đừng bỏ qua những App vừa hiệu quả, tiết kiệm chi phí lại có thể chủ động học bất kỳ thời gian và địa điểm nào dưới đây nhé!  App học từ vựng App từ điển App luyện nghe App luyện nói App luyện đọc App học Kanji Mong rằng các App mình giới thiệu ở trên sẽ giúp ích được trong quá trình học tiếng Nhật của các bạn. Chúc cho các bạn sẽ luôn cố gắng nỗ lực vượt qua thử thách, sẽ không chỉ dừng lại ở việc chinh phục N1 mà còn mở ra cả một tương lai tươi sáng phía trước nhé! TRẦN LÊ THẢO Sinh viên K1 ngành Điều dưỡng 🇯🇵 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇻🇳 🇻🇳🔴8️⃣6️⃣9️⃣8️⃣🔵9️⃣🔴8️⃣8️⃣🇯🇵 🇯🇵 Ngành Điều dưỡng