QUY TRÌNH ĐIỀU DƯỠNG TRONG ĐÀO TẠO ĐIỀU DƯỠNG
Tại Nhật Bản, trong những năm 90 đã bắt đầu giảng dạy về quy trình điều dưỡng tại các trường đại học và hiện nay, sinh viên của tất cả các cơ sở đào tạo Điều dưỡng như đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề chuyên môn đều được học về quy trình điều dưỡng.
Nhiều cơ sở đào tạo sử dụng khung nhận định của Henderson và Gordon khi hướng dẫn cách nhận định trong quy trình điều dưỡng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào các chuyên ngành Điều dưỡng khác nhau, các học thuyết điều dưỡng của Orem và Roy cũng được sử dụng. Ví dụ: sử dụng học thuyết điều dưỡng Orem trong điều dưỡng tâm thần, còn trong điều dưỡng giai đoạn cấp tính lại sử dụng học thuyết của Roy.
Quy trình điều dưỡng là gì?
Tại Hội thảo Khoa học Điều dưỡng tại Nhật Bản, quy trình điều dưỡng được định nghĩa: “Là một trong các phương pháp thực hành điều dưỡng có tính tổ chức và hệ thống dựa trên tập hợp hệ thống hóa các kiến thức cơ bản và kinh nghiệm về điều dưỡng, để phát hiện các vấn đề sức khỏe của con người và cung cấp các chăm sóc mang tính riêng biệt, tối ưu, và là phương pháp có sự kết nối với các học thuyết điều dưỡng và các mô hình điều dưỡng.” (trích định nghĩa “Quy trình điều dưỡng” trong “thuật ngữ quan trọng cấu thành điều dưỡng học ” năm 2011 – 2011年「看護学を構成する重要な用語集」の「看護過程」の定義より一部抜粋). Quy trình điều dưỡng gồm 5 bước: nhận định, chẩn đoán điều dưỡng, lập kế hoạch chăm sóc, thực hiện kế hoạch chăm sóc và lượng giá.
Quy trình điều dưỡng rất giống với kỹ thuật giải quyết vấn đề, tuy nhiên có một sự khác nhau rất lớn, đó là, quy trình điều dưỡng không chỉ áp dụng trong trường hợp có vấn đề xảy ra mà còn xem xét cách tiếp cận đến những vấn đề có thể xảy ra và tính nguy hiểm của nó.
Nói về quy trình điều dưỡng, nhiều người liên tưởng đến chẩn đoán điều dưỡng của NANDA-I, tuy nhiên, không có quy định nào bắt buộc phải sử dụng chẩn đoán điều dưỡng của NANDA-I khi chẩn đoán điều dưỡng. Nếu “các vấn đề sức khỏe / tình trạng sức khỏe” và “các yếu tố liên quan” được làm rõ, thì bất kỳ cách viết nào cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên, tại bệnh viện, với một số lượng lớn nhân viên tham gia vào công tác chăm sóc, hay khi sử dụng bệnh án điện tử, thì việc sử dụng chẩn đoán điều dưỡng có tính quy tắc nhất định thì có thể triển khai quy trình điều dưỡng một cách có hiệu quả.
Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam đào tạo “quy trình điều dưỡng” như thế nào?
Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (gọi tắt là THUV) là trường đại học đào tạo các chuyên ngành chăm sóc sức khỏe theo chương trình đào tạo của Nhật Bản, được thành lập vào năm 2016 tại khu đô thị Ecopark, Hưng Yên. Bao gồm 04 chuyên ngành : “Ngành Điều dưỡng”, “Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng”, “Ngành Kỹ thuật hình ảnh y học”, “Ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học”.
Tại THUV, học kỳ 1 năm thứ 2 các bạn sinh viên khoa Điều dưỡng sẽ được học về “Quy trình điều dưỡng”.
T
Đầu tiên, ở bước nhận định, các bạn sinh viên cần phải có những kiến thức nâng cao về sự phát triển – trưởng thành của con người, tình trạng sức khỏe, cơ chế bệnh sinh, điều trị, xét nghiệm, chăm sóc. Khi gặp những vấn đề mà chưa được học, sinh viên sẽ tích cực đọc thêm tài liệu dưới sự hướng dẫn và chủ động trao đổi cùng giảng viên.
Nhận định các thông tin của người bệnh để làm rõ các yếu tố liên quan là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe của người bệnh. Nhiều bạn sinh viên có xu hướng suy nghĩ rằng, bệnh này thì chắc chắn sẽ có những vấn đề như thế này đi kèm. Tuy nhiên, cần thiết phải có những nhận định cẩn thận như: có thực sự là do triệu chứng đó mà người bệnh cảm thấy đau đớn? Bệnh này thì sẽ có triệu chứng kia và nó sẽ làm cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh trở nên khó khăn?
Hơn nữa, tại THUV, chúng tôi cũng nhấn mạnh với sinh viên rằng mục tiêu đạt được là mục tiêu của người bệnh, điều quan trọng là mục tiêu đó khi thiết lập đã dựa trên nhu cầu của người bệnh hay chưa, khi thiết lập mục tiêu đã có sự tham gia của người bệnh hay chưa…
Những điều phải chú ý khi sinh viên lập kế hoạch chăm sóc là: không chỉ đề cập đến các phương pháp loại bỏ – giảm thiểu – giảm nhẹ các yếu tố liên quan đến vấn đề sức khỏe và tình trạng sức khỏe, mà còn phải có tầm nhìn đến nâng cao sức khỏe, phát huy các thế mạnh tiềm ẩn của người bệnh. Ngoài ra, không phải là viết hết tất cả các kế hoạch chăm sóc thông thường mà cần thiết phải lựa chọn kế hoạch chăm sóc hiệu quả cần thiết cho người bệnh đó.
Tại THUV, khi giảng dạy quy trình điều dưỡng, giảng viên sẽ đưa ra ví dụ một người bệnh giả tưởng và triển khai quy trình điều dưỡng trên lý thuyết cho trường hợp người bệnh đó. Sau khi kết thúc tất cả các phần học lý thuyết đó, sinh viên sẽ đi thực tập lâm sàng, đảm nhận một người bệnh cụ thể và bắt đầu triển khai quy trình điều dưỡng trên thực tế. Sau khi kết thúc đợt thực tập, sinh viên sẽ có buổi thuyết trình ở trường về quy trình điều dưỡng mà chính bản thân đã thực hiện. Đó là một bài thuyết trình toàn diện về: triển khai quy trình điều dưỡng đã phù hợp chưa? Sinh viên đã học được điều gì thông qua việc triển khai đó? Bản thân sinh viên đã trưởng thành hơn như thế nào?
Đào tạo cả lý thuyết và thực hành như vậy sinh viên rèn luyện được cách tư duy của mình về quy trình điều dưỡng. Chúng tôi cho rằng tư duy phản biện và chăm sóc phù hợp trong quy trình điều dưỡng có thể tối đa hóa hiệu quả điều trị cho người bệnh. Chúng tôi tin rằng giảng dạy quy trình điều dưỡng chiếm một vị trí rất quan trọng trong chương trình đào tạo điều dưỡng tại các cơ sở đào tạo Điều dưỡng. Chúng tôi hi vọng trong tương lai tất cả người bệnh sẽ được tiếp nhận sự chăm sóc chất lượng cao và sẽ hài lòng với dịch vụ chăm sóc đó.
Tác giả: Dương Thị Thu Hương
Giảng viên khoa điều dưỡng
Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam
TUYỂN SINH 2025
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn
Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.