Cẩm nang

VAI TRÒ CỦA LÔNG MAO TRONG PHẾ QUẢN

Tại khoa kĩ thuật xét nghiệm y học, sinh viên năm nhất được học về biểu mô phế quản trong học phần mô học. Khí quản là một ống thẳng (dài khoảng 10 cm và đường kính 2 cm) nối thanh quản và phế quản. Thành khí quản được lót bằng khoảng 20 sụn hình chữ U xếp chồng lên nhau. Ở đâu không có sụn thì ở đó có một lớp cơ trơn. Biểu mô của phế quản là biểu mô trụ giả tầng có lông chuyển. Mô này có nhiều lông mao hơn để giúp lọc bụi và mầm bệnh ra khỏi không khí (khi đi vào), đóng vai trò bảo vệ cơ thể. Không khí chúng ta hít vào có chứa vi rút và vi khuẩn, nhưng chất nhầy và các lông mao dọc theo đường dẫn khí từ hầu họng đến phổi sẽ ngăn chặn những chất lạ này xâm nhập vào phổi. Vi rút xâm nhập vào đường hô hấp sẽ bị chất nhầy bắt giữ và vận chuyển đến thanh quản và bị loại bỏ nhờ hoạt động của các lông mao bên dưới. Mặc dù lông mao là những tế bào nhỏ hơn nhiều so với sợi lông có đường kính 1/1000 milimet nhưng chúng đóng vai trò trung tâm trong chức năng bảo vệ đường hô hấp. Tại sao chúng ta cần biết loại cấu trúc này? Cấu trúc của biểu mô phế quản thay đổi tùy theo bệnh và để hiểu được những thay đổi này, cần phải hiểu hình dạng của biểu mô phế quản bình thường. Tại khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học, sinh viên năm nhất được học về cấu trúc và hình dạng biểu mô của phế quản. Bạn có muốn cùng nhau quan sát hình ảnh mô tế bào phế quản trên kính hiển vi không? Việc này có vẻ khó khăn nhưng đừng lo lắng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cẩn thận từng bước. Nếu bạn quan tâm hãy đến thăm trường đại học y khoa Tokyo Việt Nam. Tác giả: Nakai Yuko Trưởng khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học

TÌM HIỂU VỀ BỆNH BẠCH HẦU

1. Bệnh bạch hầu là gì? Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu. Thông thường, trẻ từ 1 đến 10 tuổi bị nhiều nhất là do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn. Hiện nay, đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu tử vong, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi. 2. Tác nhân gây bệnh Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là vi khuẩn hiếu khí Gram dương. Khả năng tiết độc tố của vi khuẩn bạch hầu là do nhiễm một loại virus có mang gen tạo độc tố. Chỉ những dòng mang độc tố mới có thể gây bệnh nghiêm trọng. Dòng vi khuẩn không tiết độc tố chỉ gây viêm họng nhẹ – trung bình, không tạo màng giả. Vi khuẩn tiết độc tố, ức chế tổng hợp protein, gây hủy hoại mô tại chỗ tạo nên màng giả dày màu trắng xám ở mũi, họng, lưỡi và thanh khí quản. Độc tố được hấp thu vào máu và phân phối khắp cơ thể. Chính độc tố này gây nên những biến chứng nguy hiểm: viêm cơ tim, tổn thương thần kinh, liệt cơ, … 3. Dấu hiệu và biến chứng của bệnh bạch hầu Người bệnh nhiễm vi khuẩn bạch hầu có thời gian ủ bệnh (đã nhiễm khuẩn nhưng chưa biểu hiện bệnh) trong 2-5 ngày. Các triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là gây viêm họng. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế bào bị viêm tạo ra lớp màng bám vào trong họng, khẩu cái mềm, amidan, lưỡi. Nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan xuống vùng thanh quản gây khàn giọng, khó thở, ho ông ổng. Lớp mảng giả này sẽ làm tắc đường thở và gây tử vong. Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch hầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn. Độc tố đó sẽ theo máu và tác động lên các cơ quan chính của cơ thể, có thể gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản. 4. Đường lây bệnh Thông thường vi khuẩn bạch hầu nhân lên trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng. Do đó bạch hầu lây chủ yếu qua đường dịch tiết. Lây truyền trực tiếp: Khi một người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ phát ra một giọt nước có chứa mầm bệnh, những người ở gần đó có thể hít phải vi khuẩn bạch hầu. Bạch hầu lây lan nhanh chóng theo cách này, đặc biệt ở những nơi đông người. Lây truyền gián tiếp: Thông qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh. Một số trường hợp mắc bệnh bạch hầu từ việc chưa làm sạch các vật dụng mà người nhiễm bệnh đã sử dụng từ cốc uống nước chưa rửa của người bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với các giấy ăn mà người bệnh đã sử dụng… 5. Phòng ngừa bệnh bạch hầu Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Nguồn: Phòng Quản lý chất lượng – Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh https://taimuihongtphcm.vn/tim-hieu-ve-benh-bach-hau/

BỆNH MÁU KHÓ ĐÔNG (HEMOPHILIA) VÀ XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN

Tại Việt Nam, ước tính có trên 6.200 người mắc hemophilia (bệnh máu khó đông) và có khoảng trên 60% người bệnh được chẩn đoán và điều trị.   Bệnh máu khó đông (Hemophilia) là gì? Hemophilia là một bệnh lý rối loạn đông máu do nguyên nhân di truyền (từ cha mẹ truyền lại đời sau). Bệnh nhân dễ bị chảy máu khó cầm vì thiếu hụt yếu tố đông máu. Các yếu tố đông máu có sẵn trong thành phần huyết tương của máu, khi mạch máu vỡ, các yếu tố đông máu được kích hoạt sẽ tạo một chuỗi phản ứng để tạo ra cục máu đông bít kín chỗ vỡ của mạch máu ngăn chảy máu. Có 2 thể bệnh: Hemophilia A – thiếu yếu tố đông máu VIII, Hemophilia B – thiếu yếu tố đông máu IX. Một khi mang thai, người mẹ mang gen Hemophilia có khả năng truyền gen cho đời sau. Trong trường hợp, nếu gen X mang bệnh truyền cho con trai thì con trai sẽ bị Hemophilia. Nếu truyền cho con gái thì con gái sẽ mang gen Hemophilia. Biểu hiện bệnh: Người bệnh rất dễ bị chảy máu do va chạm, chấn thương hoặc có thể chảy máu tự nhiên. Có thể chảy máu ở bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường gặp nhất là cơ và khớp Chảy máu trong cơ, khớp, thường gặp nhất là gối, khuỷu, đầu gối, mắt cá chân, hông lưng, cơ thắt lưng, cơ bắp chân gây ra đau, sưng cứng và khó cử động khớp. Nếu bệnh diễn tiến lâu, có thể để lại di chứng biến dạng khớp, giới hạn vận động. Báo cáo “Tiếp cận điều trị bệnh nhân Hemophilia theo hướng cá thể hóa” của BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 tại Chương trình hội thảo khoa học trực tuyến nhằm cập nhật kiến thức và trao đổi chuyên môn trong công tác chẩn đoán và quản lý bệnh nhân Hemophilia năm 2023.    Các xét nghiệm để chẩn đoán người mang mầm bệnh hemophilia Hiện tại, có hai loại chẩn đoán người mang mầm bệnh để xác định xem một người có phải là người mang mầm bệnh hay không: xét nghiệm đông máu để đo hoạt động của yếu tố đông máu và xét nghiệm di truyền sử dụng phân tích di truyền.    Về chức năng (hoạt động) của các yếu tố đông máu, hoạt động của yếu tố VIII hoặc yếu tố IX trong huyết tương của người bình thường là 100%. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh máu khó đông nếu hoạt động dưới 40%. Tuy nhiên, nếu quan sát thấy hoạt động của yếu tố VIII giảm thì cần phải xác nhận rằng không có sự bất thường nào về yếu tố von Willebrand, bởi vì nồng độ yếu tố VIII cũng có thể bị giảm trong bệnh von Willebrand.    Mức độ nghiêm trọng của bệnh máu khó đông cũng được xác định bởi mức độ hoạt động của yếu tố đông máu.    Mức độ nghiêm trọng của bệnh máu khó đông Bệnh nặng: Giá trị thấp nhất sau nhiều lần kiểm tra hoạt động đông máu dưới 1% Trung bình: Giá trị đáy hoạt động của yếu tố đông máu từ 1% trở lên nhưng dưới 5% Triệu chứng nhẹ: Giá trị đáy hoạt động của yếu tố đông máu 5% trở lên 2 (Giới hạn trên là 40%) Xét nghiệm di truyền sử dụng phân tích di truyền có sẵn để chẩn đoán người mang mầm bệnh đáng tin cậy.  Xét nghiệm di truyền chỉ được thực hiện ở một số ít bệnh viện có thể tiến hành nghiên cứu đặc biệt và cần có sự hợp tác của các thành viên trong gia đình mắc bệnh máu khó đông nên hiện nay việc thực hiện xét nghiệm di truyền không hề dễ dàng.  Phân tích DNA theo phản ứng chuỗi polymerase (PCR) bao gồm gen của yếu tố VIII hoặc yếu tố IX, có sẵn tại các trung tâm chuyên khoa, có thể được sử dụng để chẩn đoán trạng thái mang mầm bệnh máu khó đông A hoặc B và chẩn đoán trước sinh về bệnh máu khó đông A hoặc B bằng cách lấy mẫu lông nhung màng đệm ở thời điểm 12 tuần hoặc chọc ối ở thời điểm 16 tuần. Thủ thuật này có 0,5 đến 1% nguy cơ sẩy thai. Các nghiên cứu về DNA bào thai tự do trong máu mẹ đã cho thấy triển vọng là một phương pháp không xâm lấn để sàng lọc bệnh máu khó đông. Tài liệu tham khảo: Hemophilia – Cẩm nang MSD – Phiên bản dành cho chuyên gia Bệnh Hemophilia – Bệnh viện Huyết học và truyền máu Điều trị dự phòng – hy vọng của người bệnh hemophilia – Bộ y tế, cổng thông tin điện tử 血友病の検査https://www.clubhaemophilia.jp/about/haemophilia/examination.html Tác giả: TS Trần Thị Thanh Huyền Giảng viên khoa Xét Nghiệm Y Học      

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

  Phục hồi chức năng là quá trình quan trọng trong việc khôi phục và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người gặp những vấn đề về sức khỏe như tai nạn, bệnh tật hay bất kỳ sự suy yếu nào của chức năng cơ thể. Đây không chỉ là việc duy trì, cải thiện các kỹ năng và năng lực hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà còn là việc tư vấn cải thiện môi trường sống cũng như thay đổi góc nhìn của xã hội về người khuyết tật.   Trong lĩnh vực y học , phục hồi chức năng không chỉ dừng lại ở việc phục hồi về mặt thể chất mà còn mở rộng ra các khía cạnh tinh thần và xã hội. Chương trình phục hồi chức năng bao gồm nhiều phương pháp đa dạng như can thiệp y tế, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tâm lý trị liệu…. Những phương pháp này không chỉ giúp bệnh nhân khôi phục lại khả năng vận động mà còn hỗ trợ cho quá trình hồi phục tâm lý, thúc đẩy việc tham gia vào các hoạt động xã hội.   Phục hồi chức năng còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu các hậu quả xã hội cho những người mắc bệnh hay thương tật. Nhờ vào những tiến bộ trong phương pháp điều trị và sự cải tiến về công nghệ y tế, những người đã trải qua quá trình phục hồi chức năng có thể tái thiết lập lại năng lực và sự độc lập trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày.   Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với phục hồi chức năng vẫn là sự phối hợp giữa các chuyên gia y tế, gia đình và cộng đồng để tạo ra môi trường thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho người bệnh. Việc tăng cường cảnh giác và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của phục hồi chức năng là rất cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi của bệnh nhân, cũng như phát triển phục hồi chức năng tron tương lai.   Với sự phát triển không ngừng của y học và sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, phục hồi chức năng đã đang và sẽ tiếp tục phát triển và mang lại hy vọng cho hàng triệu người trên khắp thế giới về một cuộc sống độc lập, tự chủ, không phụ thuộc. ThS Đỗ Minh Hải – Ngành kỹ thuật phục hồi chức năng 🇻🇳 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇯🇵 🇻🇳🇻🇳 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇯🇵 🇻🇳 Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng  

CÔNG BỐ KẾT QUẢ THI CHỨNG CHỈ QUỐC GIA ĐIỀU DƯỠNG LẦN THỨ 113

Ngày 22/3/2024, kết quả thi chứng chỉ quốc gia điều dưỡng đã được công bố tại website chính thức của Bộ y tế lao động và phúc lợi Nhật Bản.  Theo đó, năm nay có 63301 thí sinh tham gia ( trong đó có 57860 thí sinh mới tốt nghiệp), tỉ lệ đỗ là 87,8% ( tỉ lệ đỗ của thí sinh mới tốt nghiệp là 93.2%). So với tỉ lệ đỗ hằng năm khoảng 90%, năm nay là năm có tỉ lệ đỗ thấp so với những năm trước. Trong kì thi năm nay, Việt Nam có 22 người tham dự (chỉ thống kê được những người đi theo diện EPA), có 2 người đỗ. Năm trước, tỷ lệ đỗ của ứng viên EPA Việt Nam đạt tới 47%. Ngoài ra còn có những thí sinh người Việt khác tự đăng kí thi, hoặc được những cơ quan tổ chức khác hỗ trợ đăng kí thi, có rất nhiều người đỗ nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể. Người có chứng chỉ điều dưỡng tại nước khác không phải Nhật, muốn làm điều dưỡng tại Nhật cần phải thi đỗ kì thi quốc gia Nhật Bản để có chứng chỉ điều dưỡng Nhật Bản. Kì thi năm nay đã bắt đầu mở đăng kí từ 15/4/2024 Nhận đơn đăng kí từ 15/4/2024 Xác nhận trên web từ 22/4/2024 Tư cách dự thi kì thi quốc gia điều dưỡng Nhật Bản dành cho người nước ngoài. Đối tượng xét duyệt : Người đã tốt nghiệp các trường đào tạo về điều dưỡng hoặc đã có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng. Tiêu chuẩn xét duyệt ( đã tóm lược ) Về hệ đào tạo THPT và thời gian học tại trường đào tạo chuyên môn điều dưỡng. Tốt nghiệp THPT hệ 12 năm học hoặc tương đương. Đã học tại trường cao đẳng, đại học có thời gian đào tạo từ 3 năm trở lên hoặc tương đương. Số giờ học các môn học: Tổng số tín chỉ và số tín của các môn thuộc học phần cơ bản, các môn cơ sở ngành và các môn chuyên môn theo quy định của Nhật Bản. Có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng tại quốc gia sinh sống. Trình độ tiếng Nhật : Đối với người chưa tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông tại Nhật Bản, cần có chứng chỉ JLPT N1 ( hoặc 1kyu, theo phân loại cũ trước tháng 12 năm 1999) Tham khảo trang web chính thức của Bộ y tế lao động và phúc lợi Nhật Bản tại đây. https://www.mhlw.go.jp/stf/newpage_37760.html Tổng hợp thông tin: Đỗ Thị Bích Trợ lý khoa Điều Dưỡng

SỰ GIA TĂNG MẮC BỆNH MẠN TÍNH KHÔNG LÂY Ở VIỆT NAM

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển mạnh mẽ. Sự phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh đang đạt được những thành tự xuất sắc. Trong đó, nền y tế cũng có những bước phát triển và thay đổi. Một trong những sự thay đổi đó là sự dịch chuyển mô hình bệnh tật từ những bệnh lây nhiễm sang những bệnh mạn tính không lây. Và đây thực sự đang là một gánh nặng bệnh tật lên nền y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, bệnh không lây nhiễm: “là các bệnh không lây, còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm”. Theo Bộ Y tế, Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm. Chủ yếu là các mặt bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch. Sức khỏe tâm thần cũng đang là lĩnh vực có nhiều người bệnh gia tăng. Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường, còn theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, “sát thủ thầm lặng” là bệnh tăng huyết áp chiếm 25% số người trên 25 tuổi. Tuy nhiên điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị. Ngoài ra, đột quỵ và ung thư cũng đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa. Số liệu năm 2019 cho thấy gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 62,5% tổng gánh nặng bệnh tật do mọi nguyên nhân, trong khi gánh nặng bệnh tật do bệnh truyền nhiễm, bệnh lý bà mẹ, chu sinh, rối loạn dinh dưỡng chỉ chiếm khoảng 27%. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành. Hình ảnh: Biến chứng loét bàn chân ở người bệnh Đái tháo đường type 2 có thể gây tàn tật Nhận định được tình hình gia tăng nhanh của các bệnh mạn tính không lây nhiễm ở Việt Nam; trong khuôn khổ sự hợp tác trong lĩnh vực Y tế của hai quốc gia Nhật Bản và Việt Nam, “Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm” đã được tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 27/6/2024. Đây là sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Báo cáo tại hội thảo chỉ ra rằng, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, … Những bệnh không lây diễn biến âm thầm vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh có tỷ lệ mắc ngày càng cao và để lại những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp dự phòng và nâng cao sức khỏe cho mọi người. Tác giả: Nguyễn Trọng Nghĩa Giảng viên Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam

THỰC PHẨM TỐT CHO MÙA HÈ

  Mùa hè là thời điểm nhiệt độ tăng cao, môi trường trở nên khô hạn, làm cho cơ thể mất nước nhanh hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với những người ở trong khu vực có khí hậu nóng ẩm. Vì vậy, để giữ cho cơ thể mát mẻ và tránh mất nước, cơ thể cần được bổ sung nước đầy đủ. Hãy thêm những “siêu thực phẩm” này vào thực đơn mỗi ngày để giúp bạn giữ cho cơ thể mát mẻ trong mùa nắng nóng. Chế độ ăn uống là cách quan trọng để giữ cho cơ thể khỏe mạnh phải không nào? Dưới đây là một số loại thực phẩm hữu ích bạn có thể sử dụng thường xuyên trong mùa hè. 1. Chuối Chuối cực kỳ tốt cho sức khỏe nên khi gọi loại trái cây này là siêu thực phẩm giải nhiệt không phải là một cách nói quá. Chuối giúp cơ thể giữ nước và luôn mát mẻ vào mùa hè. Nó cũng là một món ăn vặt giúp no lâu và là một sự thay thế lành mạnh hơn cho những món ăn vặt làm mất nước. Chuối rất giàu vitamin và khoáng chất như magiê, kali, mangan, vitamin C và vitamin B6. Ăn chuối hàng ngày sẽ làm tăng các tế bào bạch cầu, cải thiện khả năng miễn dịch và tăng cường sức đề kháng của cơ thể. BS. Vũ Đại Dương, chuyên khoa Dinh dưỡng (Trường Đại học Y Hà Nội) khuyến nghị ăn từ 1,5 đến 2 quả chuối một ngày đối với người bình thường giúp nâng cao sức khỏe, cung cấp nguồn dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. 2. Dưa chuột   Dưa chuột rất giàu nước giúp giữ cho cơ thể ngậm nước và làm mát trong mùa hè. Nếu bạn cần cung cấp nước cho cơ thể, bạn chỉ cần ăn nhẹ vài lát dưa chuột, thay vì uống chai nước to. Dưa chuột cũng là một loại thực phẩm tốt cho dạ dày bởi hàm lượng chất xơ của loại thực phẩm này có thể thúc đẩy sức khỏe đường ruột và nhu động ruột. 3. Dưa hấu Vào mùa nóng mọi người thường thích ăn dưa hấu vì đây là loại quả có tác dụng giải nhiệt rất cao, lại chứa nhiều nước nên có thể bù đắp lượng nước cơ thể bị mất đi do nhiệt độ cao. Ngoài việc cung cấp lycopene bảo vệ da, dưa hấu còn có 92% là nước. Điều này làm cho nó trở thành một loại quả tốt để bù nước cho cơ thể vào mùa hè. Dưa hấu cũng giàu chất xơ giúp chữa chứng khó tiêu do thời tiết nóng bức. Nghiên cứu cho thấy cơ thể hấp thụ nhiều lycopene hơn khi ăn cùng với chất béo, vì vậy hãy thử dưa hấu rưới dầu ô liu trong món salad mùa hè có vị ngọt và mặn, hoặc phết dầu lên dưa hấu rồi nướng. 4. Dừa – một siêu thực phẩm giải nhiệt mùa hè Quả dừa là một siêu thực phẩm tươi mát mang lại nhiều lợi ích khác nhau. Cùi dừa, nước dừa và dầu dừa và đều có tác dụng dưỡng ẩm và chống viêm. Theo ThS. BS. Đặng Ngọc Hùng – Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, nước dừa được xếp vào loại thức uống lành mạnh hàng đầu. So với nước mía, nước ngọt, nước ép một số loại trái cây…, nước dừa có nhiều ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều. Nước dừa là một nguồn bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn uống mùa hè của bạn. Nước dừa giúp hydrat hóa trong khi ít calo và chất béo. Nước dừa còn cung cấp chất điện giải tự nhiên, là một loại nước tốt cho cơ thể mùa nắng nóng. 5. Quả mọng Các loại quả mọng rất giàu nước và nhiều chất dinh dưỡng giúp nuôi dưỡng cơ thể. Chúng cũng rất giàu chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa đã được chứng minh là giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do bên ngoài. 6. Quả bơ Bơ là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh tuyệt vời, là loại thực phẩm giải nhiệt giữ cho cơ thể bạn mát mẻ không giống như các loại thực phẩm giàu chất béo khác. Trong bơ có nhiều vi chất dinh dưỡng là khoáng chất và vitamin thiết yếu như canxi, sắt, phốt pho, kali, magiê và kẽm giúp cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, bơ còn giàu vitamin C, vitamin E, vitamin B và vitamin K là những chất giúp tăng cường khả năng miễn dịch, duy trì sức khỏe tốt. 7. Cam quýt Những loại trái cây có múi như cam quýt rất giàu nước nên chúng là một sự bổ sung lý tưởng cho chế độ ăn uống mùa hè của bạn. Chúng cũng rất giàu vitamin C giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi ánh nắng mặt trời. 8. Ngô cũng là thực phẩm giải nhiệt Một thực phẩm rất tốt cho cơ thể vào mùa hè được biết đến rộng rãi với vai trò là một loại rau, đồng thời cũng là một loại ngũ cốc nguyên hạt bổ dưỡng là bắp ngô tươi. Mỗi bắp ngô rất giàu chất xơ, vitamin và các khoáng chất thiết yếu khác nên được ưa chuộng trong các thực đơn ăn uống lành mạnh. Và bạn có biết rằng hai chất chống oxy hóa là lutein và zeaxanthin trong ngô là hai chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của mắt, có thể hoạt động giống như kính râm tự nhiên, giúp lọc ra một số tia gây hại để bảo vệ mắt trong mùa hè. 9. Cà chua Cà chua giàu dinh dưỡng và khoáng chất, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Cà chua và nước ép cà chua là nguồn cung cấp protein, chất

Hình thành thói quen vận động để kéo dài tuổi thọ

Vận động có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt, các vận động tăng cường lực cơ (Vận động kỵ khí) để đi, đứng, các vận động ưa khí, đốt cháy calo, mỡ thừa như đi bộ. Vận động ưa khí là những bài tập vận động tổng thể, tác động lên toàn bộ cơ thể, làm tăng nhịp thở, nhịp tim, tăng lượng oxi lấy vào trong quá trình tập.  Vận động kỵ khí là các bài tập bộ phận,  tác động lên một số nhóm cơ, nhịp tim, nhịp thở không đều, lúc tập có thể nhịn thở và lúc nghỉ ngơi có thể bù trừ. Vận động ưa khí Đi bộ từ 10 đến 30 phút, tốt nhất là một ngày hai lần, tùy thuộc vào tình trạng thể chất. Có thể giải lao giữa chừng cũng. Đi bộ với mức độ: có thể vui vẻ trò chuyện với người bên cạnh, thở hơi nhanh một chút, có đổ mồ hôi, cảm thấy sảng khoái là mức độ đi bộ tốt nhất. Vận động ở cường độ này đốt cháy calo, mỡ thừa gọi là vận động ưa khí. Vận động ưa khí không chỉ tốt cho lực cơ, thể lực mà còn có hiệu quả giảm stress, tăng lưu thông tuần hoàn, giảm mỡ thừa, giảm đường trong máu, khiến nó trở thành một bài tập vận động rất hiệu quả đối với dự phòng các bệnh liên quan đến lối sống. Vận động tăng cường lực cơ (Vận động kỵ khí) Động tác duỗi chân Tăng cường sức mạnh cho các cơ ở phía trước đùi, cần thiết để đứng lên khỏi ghế, đi lại và lên xuống cầu thang. Từ từ nâng bàn chân lên và duỗi thẳng khớp gối, thực hiện từng bên một. Lưu ý: nâng chân lên lên cao giữ lại 5 giây, rồi mới hạ xuống. Động tác Squat (ngồi xổm) Nó tăng cường sức mạnh cho cơ mông, cơ đùi và cơ cẳng chân, cải thiện khả năng giữ thăng bằng khi đứng và giúp việc lên xuống cầu thang dễ dàng hơn. Bám tay vào lưng ghế, gấp cả hai đầu gối tù từ đến khoảng 30 độ, vừa gấp vừa đếm 1, 2,3, 4. Giữ ở góc độ gấp gối trong vòng 5 giây rồi từ từ duỗi thẳng ra. Động tác duỗi chân ra sau Tập mạnh nhóm cơ vùng thắt lưng, mông, vùng đùi sau là nhóm cơ cần thiết để duy trì tư thế đúng và giữ thăng bằng. Bám tay vào lưng ghế và từ từ nhấc một chân ra sau lưng trong khi đếm 1, 2, 3, 4. Khi nâng cao chân ra sau với góc độ khớp gối gấp vuông góc thì giữ lại 5 giây sau đó từ từ hạ chân xuống Động tác dang chân sang bên Tăng cường lực cơ các nhóm cơ từ lưng dưới đến phần ngoài của đùi cần thiết cho việc đi lại và duy trì thăng bằng. Bám tay vào lưng ghế và từ từ dang một chân sang một bên vừa dang vừa đếm 1, 2, 3, 4, thực hiện từng bên một. Khi dang sang bên đạt khoảng 30 độ, giữ trong 5 giây và từ từ hạ chân xuống Để biết sâu hơn về các bài tập vận động cho người cao tuổi nâng cao sức khỏe và tuổi thọ,  các bạn hãy nhanh tay ứng tuyển vào khoa phục hồi chức năng, trường đại học y khoa tokyo việt nam của chúng tôi nhé[link] Tài liệu tham khảo: Sổ tay vật lý trị liệu, Hội vật lý trị liệu Nhật Bản [https://www.japanpt.or.jp/about_pt/therapy/tools/handbook/]ngày xem (18/05/2024) Sức khỏe và đời sống, cơ quan ngôn luận của bộ y tế (26/02/2019)[https://s.net.vn/TxmN]ngày xem (18/05/2024) Tác giả: Ths.Nguyễn Đăng Khoa Giảng viên khoa Phục hồi chức năng 🇻🇳 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇯🇵 🇻🇳🇻🇳 🇯🇵 🇾 🇰 🇭⭕🇦 🇹⭕🇰 🇾⭕🇻 🇮 🇪 🇹 🇳 🇦 🇲 🇯🇵 🇻🇳 Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng

Hiểu về sự khác biệt văn hóa nhìn từ Ho-Ren-So (Những điều cần lưu ý khi làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản)

Thông qua làm việc tại nước ngoài mà tôi đã thấu cảm được rằng hệ thống xử lý công việc theo kiểu của Nhật Bản không phải là chuẩn mực. Hôm nay, tôi muốn giải thích với các bạn về “Ho-ren-so” một trong những thứ mà tôi cảm thấy quan trọng trong số đó (Horenso: trong tiếng Nhật là từ đồng âm với từ cải bó xôi (ホウレン草) . Đây là một nội dung rất quan trọng nên ở trường đại học của chúng tôi, trong buổi định hướng khi sinh viên nhập học và các hoạt động hằng ngày tại trường chúng tôi đều truyền tải điều này để sinh viên nắm được. Ho-ren-so là viết tắt của 3 từ bên dưới: Ho: 報告Hokoku (báo cáo) – báo cáo về tiến độ Ren: 連絡Renraku (liên lạc) – chia sẻ thông tin So: 相談 (bàn bạc) – đề nghị đưa ra lời khuyên để giải quyết vấn đề hoặc trao đổi ý kiến Ở Nhật mọi người suy nghĩ rằng nếu không thể làm được Horenso thì vấn đề nhỏ sẽ dần dần trở nên lớn hơn, có khả năng sẽ phát triển thành sự việc không thể kiểm soát được, vì thế khi vào làm tại công ty sẽ được đào tạo về việc này liên tục. Nhưng Horenso này không phải là tiêu chuẩn của thế giới mà là tiêu chuẩn của Nhật Bản. Tôi đã thử suy nghĩ về lý do tại sao thứ quan trọng như thế này lại không được coi trọng. Lý do đầu tiên có thể nêu ra là ở nước ngoài có chủ nghĩa cá nhân. Mỗi người được giao một nhiệm vụ, công việc và vai trò của họ là phải hoàn thành nó. Vì vậy, họ có thể cho rằng việc báo cáo hoặc bàn bạc giữa chừng có nghĩa là họ không đủ năng lực (họ không thể tự mình làm việc đó nên phải trao đổi với ai đó và xin lời khuyên). Quan điểm “kết quả là tất cả; quá trình không liên quan” là điều mà người Nhật, những người coi trọng tinh thần đồng đội, không thể lý giải được. Đối với người Nhật, nếu không được thông báo về tiến độ công việc, họ sẽ trở nên lo lắng không biết công việc đó sẽ diễn ra như thế nào và cảm thấy bất ổn. Một lý do nữa là Nhật Bản có truyền thống coi trọng tinh thần đoàn kết. Tiêu chí đánh giá công việc không chỉ bao gồm kết quả về mặt con số mà còn bao gồm tính hợp tác, tinh thần trách nhiệm, tính chủ động… Nếu bạn được trả lương cho công việc của mình, bạn có thể nghĩ rằng “kết quả là tất cả”, nhưng tôi nghĩ rằng thái độ cố gắng và nỗ lực hết mình của bạn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến người khác. Nói một cách cực đoan, phương pháp đánh giá của Nhật Bản là ngay cả khi khả năng của một người không cao và không đạt được mục tiêu thì họ vẫn có thể được đánh giá tốt ở một mức nhất định. (Mặc dù ngày nay Nhật Bản cũng đang đi theo chủ nghĩa thành tích nên không thể nhận định chung như thế này). Cá nhân tôi cảm thấy các tiêu chí đánh giá của Nhật Bản rất hay và nhân văn. Giả sử khả năng của bản thân tôi rất kém và dù có cố gắng đến mấy cũng không được những người xung quanh thừa nhận, nếu tôi tự nhủ: “Liệu mình có thể cố gắng không?” thì tôi sẽ không thể cố gắng được. Tuy nhiên, tôi cảm thấy mình có thể tồn tại và tìm thấy ý nghĩa của mình trong hệ thống theo kiểu Nhật Bản. Văn hóa Nhật Bản có những ưu và nhược điểm, nhưng khi làm việc ở Việt Nam, có nhiều lúc tự đáy lòng mình tôi nghĩ rằng “Tôi không thể từ bỏ Horenso được”. Đặc biệt, THUV còn liên quan đến trường đại học của Nhật Bản, với bệnh viện trực thuộc, liên quan đến sinh viên. Bởi vì có rất nhiều bên liên quan nên tôi vẫn luôn nghĩ, “Nếu Horensho được coi trọng hơn thì đã không gặp phải rắc rối như thế này, đã không phát sinh những hiểu lầm như thế này.”  Đây cũng là một khía cạnh tích cực trong khả năng hành động quan tâm đến người khác của Nhật Bản và khía cạnh này cũng phản ánh tinh thần hiếu khách, điều này cũng được nêu trong tinh thần sáng lập trường đại học của chúng tôi,  “đào tạo những cán bộ y tế giàu lòng nhân ái và sẵn sàng hội nhập với thế giới.” THUV là nơi các bạn có thể học về sự khác biệt văn hóa tại Việt Nam. Các bạn hãy đến học với chúng tôi nhé! Nguồn https://www.ac-illust.com/main/detail.php?id=23787491&word=%E5%A0%B1%E9%80%A3%E7%9B%B8#goog_rewarded Tác giả: SUGAWARA JUNKO Trưởng Phòng Hành Chính Tổng Hợp