TÔI ĐÃ CHỌN KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG và HÀI LÒNG?? CÒN BẠN❓❓❓

Chào các bạn! Nói về Kỹ thuật phục hồi chức năng thì chưa hẳn ai cũng hiểu về công việc của ngành nghề này là gì phải không? Hôm nay tôi xin phép được chia sẻ một vài kỷ niệm của bản thân liên quan tới ngành nghề này.

Xuất thân là một Điều dưỡng viên tốt nghiệp và làm việc tại một bệnh viện tuyến tỉnh của Việt Nam lại là nam giới nên tôi luôn khát khao được học tập nâng cao trình độ. Năm 23 tuổi cơ hội đã đến khi tôi được người quen giới thiệu về chương trình du học Nhật Bản. Còn trẻ và còn nhiều khát vọng tôi không ngần ngại từ bỏ công việc hiện tại và bắt đầu hành trình mới. Sau 8 tháng trang bị cho mình lượng tiếng Nhật tối thiểu nhất tôi đã đặt chân tới xứ sở hoa Anh Đào tươi đẹp. Xứ sở mặt trời mọc và con người nơi đây đón tôi trong sự quan tâm, thân thiện và ấm áp. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người tôi nhanh chóng tìm được công việc làm thêm tại một bệnh viện tư nho nhỏ để có thu nhập trang trải học phí cũng như sinh hoạt phí. Chính tại nơi đây suy nghĩ của tôi đã thay đổi và thay đổi cả định hướng của cuộc đời.

Là người nước ngoài tiếng Nhật còn chưa tốt và chưa có chứng chỉ nghề nghiệp nên tôi được sắp xếp công việc khá đơn giản là làm Hộ lý. Hàng ngày tôi đi theo các bạn Điều dưỡng, Hộ lý người Nhật hỗ trợ họ từ dọn dẹp buồng bệnh, vận chuyển bệnh nhân, tắm rửa cho những bệnh nhân không thể tự làm được… Bệnh viện của tôi chuyên về các bệnh Não – Thần kinh nên số lượng bệnh nhân có vấn đề về vận động/liệt khá nhiều.

Trong bệnh viện có một không gian khá rộng và được bố trí nhiều máy móc mà ban đầu tôi không biết để làm gì cả nhưng giờ thì tôi hiểu rõ đó là Khoa phục hồi chức năng. Khác với khoa phục hồi chức năng tại bệnh viện tôi đã làm ở quê hương Việt Nam, khoa phục hồi chức năng ở đây rộng hơn, đẹp hơn, nhiều trang thiết bị hơn, nhiều bệnh nhân và nhiều kỹ thuật viên hơn. Khoa mở cửa 365 ngày trong năm để điều trị cho bệnh nhân các bạn ạ. Là một đơn vị trong bệnh viện thật đó nhưng do tính chất công việc nên tôi chỉ có thể tới đó khi được nhờ đưa đón bệnh nhân.

Khoa Phục hồi chức năng (minh họa)

Sang Nhật với mục tiêu là học tập nâng cao kiến thức về Điều dưỡng nhưng không biết từ bao giờ Kỹ thuật phục hồi chức năng đã len lỏi vào trong tôi. Và rồi một ngày, một việc đã làm tôi thay đổi mục đích tới Nhật của bản thân. Hôm đó tôi cùng một Điều dưỡng viên đi đón bệnh nhân mới nhập viện, do tiếng Nhật còn hạn chế nên tôi chỉ biết bác bệnh nhân bị xuất huyết não liệt nửa người bên trái và bác khá già chắc phải bằng hoặc hơn tuổi ông bà tôi ở nhà. Bị như vậy nhưng mà bác vẫn tỉnh táo giao tiếp được chỉ tội là không thể tự ngồi dậy, tự đi lại hay tự làm những việc mình thích. Tôi thầm nghĩ “Bác này chắc lại nằm đây lâu lâu rồi” thế nhưng không phải vậy. Ngay từ sau khi nhập viện bác đã được mấy anh Kỹ thuật viên bên khoa Phục hồi chức năng tới đánh giá và tập luyện. Không rõ các anh kỹ thuật viên này dùng ma thuật gì mà tình trạng của bác thay đổi từng ngày. Từ chỗ nằm yên trên giường phải có người hỗ trợ trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt hàng ngày bác dần bám vào thanh chắn giường và ngồi dậy, tự mình ăn tự mình uống rồi tự mình di chuyển sang xe lăn, sử dụng 1 chân 1 tay bên lành điều khiển xe lăn di dạo trong bệnh viện. Ban đầu thấy bác tự di chuyển như vậy trong tôi một phần vui một phần lo lắng. Vui vì bác đang dần phục hồi, lo lắng vì nhỡ bác ngã thì rất nguy hiểm. Sau này tôi mới biết là các anh Kỹ thuật viên bên Phục hồi chức năng đã tập luyện và đánh giá bác có thể tự di chuyển một mình và liên lạc cho Điều dưỡng phụ trách cho phép bác tự di chuyển trong viện vừa để tập phục hồi vừa để giải tỏa tâm lý trong những ngày nhập viện.

Không dừng lại ở đó một ngày kia tôi thấy bác bám vào tay vịn hành lang và bước đi, wa vi diệu quá, sao lại có thể phục hồi nhanh đến vậy – một loạt những thắc mắc dồn dập trong tôi. Tới ngày thứ 14-15 sau khi nhập viện bác làm tôi không thể tin vào mắt mình khi thấy bác cầm gậy 4 chân và đi lại trong buồng bệnh, tuy những bước chân còn chậm chạp nhưng tôi hiểu đây là thành quả là công sức của rất nhiều người đặc biệt của bác.

 Tận mắt mình chứng kiến sự vi diệu của Kỹ thuật phục hồi chức năng và tôi biết mình phải làm gì. Lúc đó tôi nghĩ nếu mang được các kỹ thuật này về Việt Nam thì có thể giúp ích cho rất nhiều người, giúp người bệnh có thể tái hòa nhập cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Sau khoảng 3 tuần nhập viện bác được xuất viện. Tuy bác vẫn phải dùng gậy 1 chân để đi lại và tay liệt còn hơi yếu nhưng từng đó cũng đủ làm cho Bác và Gia đình cảm thấy hạnh phúc. Trước khi trở về nhà Bác đi tất cả các khoa phòng nói lời cảm ơn những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên bệnh viện… đã giúp đỡ mình trong thời gian qua. Chẳng biết tôi có giúp gì cho bác không nhưng cũng nhận được từ bác lời cảm ơn và động viên “ありがとうね、がんばってね”. Bản thân tôi cũng thấy hạnh phúc như mình vừa làm được điều gì đó tốt đẹp.

Về phần tôi, sau đó tôi đã thi vào một cơ sở đào tạo Kỹ thuật Phục hồi chức năng và học tập tại đó. Sau 4 năm miệt mài học tập tôi ra trường thi đỗ chứng chỉ hành nghề và đi làm. Cũng muốn tự bản thân trải nghiệm cảm giác năm xưa mà các anh Kỹ thuật viên đã trải nghiệm nên tôi xin làm việc tại bệnh viện tôi đã từng làm thêm. Mọi người chào đón tôi như một đứa con trong gia đình đi xa về, còn tôi thì ngẩng cao đầu trong ngày trở lại. Giờ đây tôi không phải là Hộ lý mà là một Kỹ thuật viên phục hồi chức năng, tôi có thể giúp ích cho nhiều người hơn. Là sinh viên vừa tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm xong may mắn tôi được làm việc cùng một số người bạn học cùng lớp, đặc biệt có nhiều anh chị đi trước rất thân thiện, ân cần chỉ bảo chúng tôi. Với suy nghĩ tất cả vì người bệnh – lấy người bệnh làm trung tâm tôi và những người bạn đồng niên của mình dốc toàn bộ sức lực vào việc điều trị cho người bệnh. Tôi còn nhớ là tháng đầu tiên làm việc tại Khoa phục hồi chức năng tôi sút 3kg mà sau đó phải 4 năm sau tôi mới lấy lại được nó. Sức trẻ cộng với sự nhiệt tình trong công việc đã mau chóng giúp tôi và các bạn bè tôi chiếm được cảm tình của người bệnh, từ anh chị đồng nghiệp từ ban giám đốc bệnh viện. Và điều quan trọng hơn cả là tôi đã được trải nghiệm cảm giác mà các anh chị đồng nghiệp đã được trải nghiệm khi tôi đang làm công tác hộ lý, đó là được bệnh nhân nói lời CẢM ƠN khi họ xuất viện. Bạn cứ tưởng tượng là bạn sẽ hạnh phúc như thế nào khi công việc của bạn mang lại hạnh phúc cho người bệnh khi họ có thể tự tiến hành các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, có thể hòa nhập cuộc sống – hòa nhập với cộng đồng và thực hiện những gì mình muốn. Không chỉ dừng lại ở đó công việc của bạn còn mang lại hạnh phúc cho gia đình người bệnh, cho cộng đồng và xã hội bạn nhé.

Làm nghề nào cũng vậy, chỉ cần bạn có nhiệt huyết – đam mê và cống hiến hết mình thì nó sẽ đem lại cho bạn niềm vui. Sau một thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản tôi đã trở về Việt Nam và hiện đang công tác tại Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. Mục tiêu cũng như mong muốn của tôi là mang những kiến thức kinh nghiệm đã học tập được tại Nhật Bản phổ biến cho các bạn, góp phần nhỏ bé đem Phục hồi chức năng tới với thật nhiều, thật nhiều đồng bào tôi tại quê hương Việt Nam.

Tác giả chụp cùng Bệnh nhân đầu tiên phụ trách sau khi trở thành Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng/Vật lý trị liệu cùng các bệnh nhân khác

Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam với chương trình đào tạo tiên tiến của Nhật Bản và đội ngũ giảng viên đầy tâm huyết sẽ đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị.

Hãy liên hệ với chúng tôi theo số 0869 809 088 để được tư vấn về ngành nghề cũng như công tác tuyển sinh năm 2023.

Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam nơi giao thoa tri thức y học Việt Nam – Nhật Bản!

Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam! Sự lựa chọn cho một tương lai tươi sáng!

Đỗ Minh Hải

🇯🇵 🇯🇵 🇻🇳 🇻🇳♥️🚶🏃🕴️💃🕺🛀🛌👫👬🤸🏋️⛹️🤾⛷️🏂🏌️🏄🏊🤽🤺🤼🚣🏇🚴👪👩‍👩‍👧‍👧👨‍👨‍👧‍👧♥️🇯🇵 🇯🇵 🇻🇳 🇻🇳

Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng

 

TUYỂN SINH 2024

Bạn đang chưa biết lựa chọn ngành nào ?
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn

Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.