Nhật ký giảng viên

Giao lưu sinh viên Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 1

Vào ngày 16 tháng 10 vừa qua, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (THUV) và Trường Đại học khoa học tổng hợp nhân sinh (UHAS) đã tổ chức Buổi giao lưu sinh viên Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 1 bằng hình thức trực tuyến. Tại buổi giao lưu lần này, các bạn sinh viên của 2 trường đã có phần giới thiệu và giao lưu về nét đẹp văn hóa ẩm thực của hai nước bằng Tiếng Nhật. Các bạn sinh viên của THUV đã rất cố gắng luyện tập thuyết trình bằng Tiếng Nhật, đây cũng là cơ hội tốt để các bạn trau dồi thêm vốn Tiếng Nhật của bản thân cũng như hiểu rõ hơn về đất nước và con người Nhật Bản. Các bạn sinh viên 2 nước cũng đã tích cực đặt câu hỏi trong mục Hỏi & Đáp. 50 phút giao lưu trôi qua thật nhanh, các bạn đã phần nào hiểu hơn về sự giống và khác nhau trong văn hóa ẩm thực của 2 nước. Dưới đây là 1 số cảm nghĩ của các bạn sinh viên sau Buổi giao lưu: Sinh viên THUV: “Em rất vui khi có cơ hội được giao lưu về văn hóa ẩm thực của Việt Nam và Nhật Bản.” “Phần thuyết trình của các bạn sinh viên Nhật Bản rất thú vị và dễ hiểu” “Em thấy buổi giao lưu rất thú vị, chúng em có thể trực tiếp đặt câu hỏi cho các bạn sinh viên Nhật Bản về 2 món ăn Nhật nổi tiếng ở Việt Nam là Sushi và Ramen” Sinh viên UHAS: “Những món ăn các bạn sinh viên Việt Nam giới thiệu đều được làm bởi các nguyên liệu khá xa lạ với Nhật Bản nên em thấy rất thú vị. Kẹo dừa trông rất ngon nên ngay sau đó em đã tra xem ở Nhật có bán loại kẹo này không.” “Món ăn của Nhật Bản và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Có một số món khá giống nhau nhưng cách làm lại khác nhau. Qua buổi giao lưu em thấy mình được mở rộng tầm mắt, được hiểu hơn về 1 đất nước khác.” “Em cảm thấy rất vui khi được nghe các bạn sinh viên Việt Nam thuyết trình bằng Tiếng Nhật. Tiếng Nhật của các bạn rất giỏi, em đã rất ngạc nhiên về điều đó.” Trong thời gian tới, hai trường THUV và UHAS sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động giao lưu giữa sinh viên Việt Nam – Nhật Bản. Buổi giao lưu sinh viên Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 2 dự kiến được tổ chức sau 6 tháng. Các bạn hãy cùng đón chờ xem vào Buổi giao lưu lần 2 các bạn sinh viên sẽ trình bày về chủ đề gì nhé!

THUV Chào Đón Ngày Phụ Nữ Việt Nam

Trước sự rộn ràng, náo nức của ngày 20/10/2023 trên toàn quốc, toàn thể nam cán bộ nhân viên, sinh viên trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam nói riêng và Công ty TNHH Giáo Dục Y Khoa Nhật Bản (Việt Nam) nói chung cùng hòa vào không khí, trao gửi đến phái nữ những món quà tươi thắm nhất với sự chuẩn bị kì công.  Ngày 20/10, Ngày Phụ nữ Việt Nam, đánh dấu sự kiện quan trọng trong lịch sử quốc gia khi một tổ chức đầu tiên dành riêng cho phụ nữ chính thức hoạt động với sự công khai và pháp lý, nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia tích cực vào cách mạng và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam với 100% vốn đầu tư Nhật Bản hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày lễ này, mong muốn bày tỏ tình yêu và sự trân trọng đến lực lượng lao động không thể thiếu và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội – các nữ công nhân viên.   Giảng viên cùng sinh viên trường cùng nhau chào mừng ngày lễ 20/10 với các bức ảnh ngộ nghĩnh đầy đáng yêu Sự chuẩn bị đầy kì công với những lời nhắn nhủ ấm áp của các nam sinh dành cho các giáo viên, nhân viên, nữ sinh nhà trường   Nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10, trường Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các cô giáo cùng toàn thể cán bộ, nhân viên nhà trường và các sinh viên nữ những lời chúc tốt đẹp nhất. Hi vọng những đoá hoa của THUV luôn bình an và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.

GIẢI PHẪU DẠ DÀY: TUYẾN ĐÁY VỊ

Dạ dày gồm: Tâm vị: có lỗ tâm vị và nằm gần thực quản. Lỗ tâm vị sẽ nối thông dạ dày với thực quản Thượng vị (đáy vị): là phần chỏm đầu của dạ dày, thường là nơi chứa khí Thân vị: là phần phình to nhất của dạ dày, chiếm nhiều diện tích, là không gian chính để co bóp thức ăn Môn vị: gồm 2 phần là hang môn vị và ống môn vị Niêm mạc dạ dày: Biểu mô: trụ đơn tiết nhầy Lớp đệm Tùy vào vị trí chứa tuyến tương ứng Đáy vị và thân vị có tuyến đáy vị Cơ niêm: cơ trơn ngăn cách tầng niêm mạc và tầng dưới niêm Tuyến đáy vị là tuyến quan trọng nhất trong việc chế tiết ra dịch vị, thuộc loại tuyến ống thẳng chia nhánh. Tuyến đáy vị bao gồm 3 loại tế bào Tế bào chính 主細胞 (Chief cells): Tế bào chính tiết pepsinogen. Pepsinogen trở thành dạng hoạt động của pepsin thông qua tác dụng của axit dạ dày. Tế bào viền 壁細胞 (Parietal cells): Tế bào viền tiết ra axit HCl. HCl có tác dụng diệt khuẩn và chuyển pepsinogen thành enzyme phân hủy protein gọi là pepsin. Tế bào nhầy cổ tuyến 副細胞 (Mucous neck cells): Những tế bào này nằm rải rác xen kẽ với những tế bào viền lợp thành tuyến và vùng cổ tuyến. Chất nhầy do tế bào này tiết ra khác với chất nhầy ở biểu mô trên mặt. Những tế bào biểu mô lợp có khả năng tiết ra chất nhầy, tạo thành một lớp chất nhầy nằm trên mặt biểu mô, có tác dụng bảo vệ biểu mô chống tác động của HCl thường xuyên có trong dịch dạ dày.   Tại sao chúng ta cần biết loại cấu trúc này? Cấu trúc mô thay đổi tùy theo bệnh và để hiểu được những thay đổi này, cần phải hiểu trạng thái bình thường của tuyến đáy vị. Tại khoa kỹ thuật xét nghiệm y học, sinh viên sẽ được học cấu trúc mô học của các tổ chức như vậy. Bạn có muốn cùng nhau khám phá những điều kỳ diệu của thế giới vi mô không? Việc này có vẻ khó khăn nhưng đừng lo lắng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cẩn thận từng bước. Nếu bạn quan tâm hãy đến thăm trường đại học y khoa Tokyo Việt Nam. Tác giả: Th.S Nakai Yuko Trưởng khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học

Lợi ích của việc cải thiện tư thế

Có rất nhiều lợi ích khi có một tư thế đẹp. Chúng tôi sẽ giới thiệu 8 lợi ích được lựa chọn cẩn thận khi thực hiện cải thiện tư thế. ① Có một cơ thể ít đau, mỏi hơn ② Lưu lượng tuần hoàn của cơ thể được cải thiện ③ Giảm gánh nặng cho các cơ quan nội tạng ④ Có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần ⑤ Thấy bản thân tự tin hơn ⑥ Dễ giảm cân hơn ⑦ Khiến da trở nên đẹp hơn ⑧ Cải thiện chất lượng giấc ngủ  1. Có một cơ thể ít đau, mỏi hơn Đau, mỏi sinh ra do một phần nguyên nhân là hệ thống cơ trong cơ thể đang phải chịu gánh nặng quá mức. Trạng thái tư thế đẹp, chính là trạng trái mà các trục xương của cơ thể đứng thẳng. Nếu bạn có thể điều chỉnh tư thế cho các trục xương của cơ thể đứng thẳng, thì tải trọng lên cơ bắp sẽ được giảm thiểu, khiến bạn ít bị đau hoặc mệt mỏi hơn. Nếu bạn bị gù lưng hoặc cơ thể bị vặn vẹo, xương sẽ không thể đứng vững, không thẳng hàng và các cơ sẽ phải làm việc vất vả để giữ thăng bằng, dẫn đến đau nhức, mệt mỏi. Cải thiện tư thế xấu có thể làm cải thiện cơ bản về tình trạng cứng vai và đau lưng dưới. 2. Lưu lượng tuần hoàn của cơ thể được cải thiện Khi tư thế của bạn được cải thiện, dẫn đến giảm tải tì đè lên các mạch máu và có thể cải thiện tuần hoàn máu. Cơ thể lạnh và sưng phù chủ yếu là do tuần hoàn máu kém. Cải thiện tư thế cũng sẽ giúp giảm độ lạnh của cơ thể và giảm phù nề. 3. Giảm gánh nặng cho các cơ quan nội tạng Khi bạn cúi xuống, dạ dày của bạn sẽ bị ép lại. Áp lực lên bụng cũng có thể cản trở lưu lượng máu đến các cơ quan nội tạng, có thể làm suy giảm chức năng của các cơ quan nội tạng như hệ hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa. Bằng cách cải thiện tư thế của mình, có thể có tác dụng giảm bớt áp lực lên các cơ quan nội tạng và cải thiện chức năng của chúng. 4. Có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần Người ta nói rằng những người có tư thế tốt có nhiều khả năng suy nghĩ tích cực hơn những người có tư thế xấu. Nếu bạn đứng thẳng và ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh, bạn sẽ tự động suy nghĩ tích cực. 5. Thấy bản thân tự tin hơn Khách quan mà nói, những người có tư thế đẹp và ưỡn ngực kiêu hãnh trông rất tự tin. Có một thái độ tốt và một thái độ tự tin có thể có tác động tích cực đến công việc kinh doanh và cuộc sống cá nhân của bạn. 6. Dễ giảm cân hơn Nếu bạn có thể duy trì tư thế đúng, bạn có thể sử dụng cơ bắp của mình hiệu quả hơn. Kết quả là quá trình trao đổi chất của bạn tăng lên, giúp bạn giảm cân dễ dàng hơn. 7. Khiến da trở nên đẹp hơn 8. Cải thiện chất lượng giấc ngủ Khi ngủ ở tư thế xấu như việc không thể nằm ngủ ngửa, hay chằn chọc, lăn trở người, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Bằng cách cải thiện tư thế, bạn có thể thư giãn cơ thể, điều này có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.   Tài liệu tham khảo: Phòng khám chỉnh hình duy trì tư thế Ikegami CUCULE, (https://www.seitai-cucule.jp/16276182620765), 09/2023. Tác giả: Ths. Nguyễn Đăng Khoa. giảng viên Khoa Phục hồi chức năng.

11 LỢI ÍCH CHO SỨC KHỎE CỦA THIỀN

Chào các bạn, Trong các bài đăng kỳ trước, tôi đã chia sẻ với các bạn lợi ích của bộ môn bơi, yoga và một số biện pháp cải thiện sức khỏe cho người huyết áp thấp. Đây là các biện pháp phù hợp với tôi, giúp tôi khỏe hơn về thể chất và tinh thấn. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người luôn bận rộn và áp lực. Những áp lực đó nếu không được giải tỏa sẽ dẫn tới căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất. Trong số này, tôi tiếp tục muốn giới thiệu đến các bạn lợi ích của Thiền. Thiền không đòi hỏi phải quá cầu kỳ về không gian và thời gian. Chỉ cần bất cứ nơi đâu bạn cảm thấy nó thuận tiện cho bạn và bạn cảm thấy thật thoài mái thì bạn đều có thể thực hiện nó. Ngay cả khi bạn đang đỗ xe để chờ người nhà hay ngồi đâu đó sau giờ nghỉ trưa. Có nhiều cách hướng dẫn thiền mà bạn có thể tìm kiếm trên mạng, nhưng trước tiên hãy xem nó có lợi ích gì để có thể hấp dẫn bạn được không nhé. Thiền là quá trình rèn luyện tâm trí theo thói quen để tập trung và chuyển hướng suy nghĩ của bạn. Mọi người cũng sử dụng thiền để phát triển các thói quen và cảm giác có lợi khác nhau, chẳng hạn như tâm trạng và quan điểm tích cực, kỷ luật bản thân, thói quen ngủ lành mạnh và thậm chí tăng khả năng chịu đau. Có 11 lợi ích sức khỏe của thiền được tổng kết dựa trên bằng chứng khoa học như sau: 1. Thiền giúp giảm căng thẳng Giảm căng thẳng là một trong những lý do phổ biến nhất khiến mọi người thử tập thiền. Thông thường, căng thẳng về tinh thần và thể chất làm tăng nồng độ hormone căng thẳng cortisol, dẫn đến giải phóng các chất gây viêm trong cơ thể gọi là cytokine. Những tác động này có thể làm rối loạn giấc ngủ, phát sinh chứng trầm cảm và lo âu, tăng huyết áp, góp phần gây ra mệt mỏi và suy nghĩ tiêu cực. Trong một nghiên cứu kéo dài 8 tuần, cho thấy thiền chánh niệm đã làm giảm phản ứng viêm do căng thẳng gây ra. Hơn nữa, nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền định cũng có thể cải thiện các triệu chứng của các tình trạng liên quan đến căng thẳng, bao gồm hội chứng ruột kích thích . 2. Kiểm soát lo âu Một phân tích tổng hợp bao gồm gần 1.300 người trưởng thành đã phát hiện ra rằng thiền định có thể làm giảm lo âu. Đáng chú ý, hiệu ứng này mạnh nhất ở những người có mức độ lo âu cao nhất. Ngoài ra, một nghiên cứu cho thấy 8 tuần thiền chánh niệm giúp giảm các triệu chứng lo âu ở những người bị rối loạn lo âu lan tỏa, cùng với việc tăng năng lượng tích cực bản thân và cải thiện khả năng phản ứng và đối phó với căng thẳng. Thiền cũng có thể giúp kiểm soát lo âu liên quan đến công việc. Một nghiên cứu cho thấy những nhân viên sử dụng ứng dụng thiền chánh niệm trong 8 tuần đã cải thiện được cảm giác hạnh phúc, giảm bớt sự lo âu và căng thẳng trong công việc so với những người trong nhóm đối chứng. 3. Thúc đẩy sức khỏe cảm xúc Một số hình thức thiền định có thể giúp cải thiện hình ảnh bản thân và có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống. Một đánh giá về các phương pháp điều trị được thực hiện cho hơn 3.500 người trưởng thành cho thấy thiền chánh niệm đã cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Chất gây viêm được gọi là cytokine, được giải phóng khi gặp căng thẳng, có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, dẫn đến trầm cảm. Một đánh giá dựa trên một số nghiên cứu cho thấy thiền cũng có thể làm giảm trầm cảm bằng cách giảm nồng độ của chất gây viêm cytokine. 4. Nâng cao nhận thức về bản thân Một số hình thức thiền có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, giúp bạn phát triển tốt nhất năng lực của bản thân. Một đánh giá của 27 nghiên cứu cho thấy rằng luyện tập thái cực quyền (thường được xem là một loại thiền động) có thể liên quan đến việc cải thiện hiệu quả bản thân, là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả niềm tin của một người vào năng lực bản thân hoặc khả năng vượt qua thử thách. Trong một nghiên cứu khác, 153 người trưởng thành sử dụng ứng dụng thiền chánh niệm trong 2 tuần đã giảm cảm giác cô đơn và tăng cường tiếp xúc xã hội so với những người trong nhóm đối chứng. 5. Kéo dài thời gian chú ý Thiền giúp tập trung chú ý và giúp tăng sự duy trì sự chú ý của bạn. Một nghiên cứu tương tự đã chỉ ra rằng những người thường xuyên thực hành thiền định thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thị giác và có khả năng tập trung cao hơn so với những người không có bất kỳ kinh nghiệm thiền định nào. Ngay cả khi thiền định trong một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày cũng có thể mang lại lợi ích cho bạn. Một nghiên cứu cho thấy rằng chỉ ngồi thiền trong 13 phút mỗi ngày sẽ tăng cường khả năng chú ý và trí nhớ sau 8 tuần. 6. Có thể giảm mất trí nhớ do tuổi tác Thiền cải thiện sự chú ý và sự minh mẫn trong suy nghĩ có thể giúp giữ cho tâm trí của

Nhà vệ sinh tại Nhật Bản

Chào các bạn Hôm nay, tôi muốn giới thiệu tới các bạn một số điều thú vị về nhà vệ sinh tại Nhật Bản. 1. Tất cả các nhà vệ sinh công cộng tại Nhật Bản đều miễn phí sử dụng Tại Việt Nam, nếu bạn muốn đi nhà vệ sinh công cộng ở các điểm du lịch như Hồ Hoàn Kiếm, bạn cần phải trả phí khoảng 2.000~3000 VND. Tại Nhật Bản, những nhà vệ sinh công cộng ở công viên hay ga tàu điện ngầm,… đều miễn phí. Khi bạn mua đồ tại cửa hàng tiện lợi, bạn cũng có thể sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. Khi đến Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên với việc đi vệ sinh phải trả tiền. 2. Bồn cầu hiện đại Hầu hết nhà vệ sinh tại Nhật đều trang bị bồn cầu điện tử có vòi xịt nước. Bạn có thể làm sạch bằng nước ấm. Bạn cũng có thể thay đổi lượng nước nóng. Ghế vệ sinh cũng ấm áp để không bị lạnh. 3. Tại Nhật, bạn có thể bỏ giấy vệ sinh vào bồn cầu Tại Việt Nam ở góc nhà vệ sinh thường đặt thùng rác có nắp để vứt giấy vệ sinh sau khi sử dụng. Tuy nhiên ở Nhật, bạn có thể xả giấy vệ sinh vào bồn cầu. Giấy vệ sinh ở Nhật mềm và được làm bằng chất liệu dễ phân hủy trong nước. 4. Nhà vệ sinh tự động Khi bạn bước vào nhà vệ sinh, nắp bồn cầu tự động mở ra, cũng có nhiều nhà vệ sinh tự động xả nước sau khi bạn đứng dậy. 5. Nhà vệ sinh nhiều tính năng Nhà vệ sinh nhiều tính năng thường được lắp đặt tại các trạm dừng đường cao tốc. Người Nhật thường cảm thấy xấu hổ khi bị người khác nghe thấy tiếng đi vệ sinh. Bởi vậy nhà vệ sinh thường phát tiếng nước chảy. Các nhà vệ sinh tại Nhật được bố trí thuận tiện cho người lớn dẫn theo trẻ nhỏ vào đi vệ sinh. Có nhà vệ sinh dành riêng cho trẻ em tách biệt với nhà vệ sinh của người lớn. Các nhà vệ sinh cũng bố trí ghế dành cho em bé và bệ thay bỉm cho em bé. Ngoài ra còn có nhà vệ sinh dễ sử dụng cho người ngồi xe lăn và người có hậu môn nhân tạo. Ở lối vào nhà vệ sinh còn có bản đồ hướng dẫn đi vệ sinh.   6. Sạch sẽ Nhà vệ sinh tại Nhật rất sạch sẽ. Các nhà vệ sinh ở Nhật thường sạch sẽ là do người Nhật có tinh thần Omotenashi, người vệ sinh luôn nghĩ cho người sử dụng và người sử dụng cũng cố gắng sử dụng thật sạch sẽ.   Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam đào tạo theo chương trình chuẩn Nhật Bản. Các khoa đào tạo: Điều dưỡng, Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật Hình ảnh y học.   Giảng viên khoa Điều dưỡng Yoko Oguma

Để học tốt lâm sàng: Những điều cần biết

Chào các bạn sinh viên thân mến ! Vậy là một năm học nữa lại bắt đầu. Quãng thời gian nghỉ hè ngắn ngủi nhưng bổ ích đã qua. Tạm quên đi những chuyến du lịch, pinic thú vị ; những buổi tụ tập trà sữa cafe rồi trò chuyện với bạn bè hay đơn giản chỉ là những giây phút nghỉ ngơi chia sẻ bên gia đình và người thân. Giờ là lúc chúng ta quay trở lại trường, bệnh viện để học tập với một thử thách tiếp theo cho năm học mới. Như các bạn đã biết khi lựa chọn, nghề y là một trong những nghề cao quý bởi tính nhân văn, tình thương và trách nhiệm. Đối tượng phục vụ của chúng ta không chỉ là những người đang mắc bệnh, mà còn cả những người muốn bảo vệ, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Chính bởi lẽ đó, khối lượng và kiến thức của sinh viên y cần phải học trước khi ra trường là rất lớn; và cũng không thể phủ nhận một điều rằng học y là một ngành khó. Do đó, muốn đạt được kết quả học tập cao nhất, thiết nghĩ ngoài sự chăm chỉ, chịu khó và niềm đam mê, hăng say với nghề nghiệp, các bạn sinh viên cũng cần biết cách học, như người ta vẫn nói phải ‘giỏi học’ thì mới ‘học giỏi’ được. Bài viết này tác giả xin chia sẻ một vài kinh nghiệm học lâm sàng để các sinh viên bạn tham khảo. Học lâm sàng là một học phần đặc thù của ngành y.  ‘Lâm’ là đến gần, là vào một hoàn cảnh nào đó; ‘sàng’ là cái giường (nghĩa giường bệnh) là một danh từ y khoa, chỉ những gì liên quan đến, xảy ra ở giường của người bệnh, bệnh viện. Học lâm sàng có nghĩa là học những gì xảy ra trên người bệnh tại bệnh viện bao gồm dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng của một bệnh hay những phản ứng của người bệnh với tình trạng bệnh tật, những nhu cầu cần chăm sóc, phục hồi chức năng hay thậm chí là những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người bệnh, khách hàng. Việc học tại bệnh viện có chút khác với cách học trên mô hình tại các phòng skill-lab và càng khác so với học lý thuyết tại các phòng học ở trường. Một buổi học thực hành của các bạn sinh viên tại trường Để có kết quả tốt cho một đợt đi học lâm sàng, điều đầu tiên các em cần làm là công tác chuẩn bị. Đối với mỗi đợt trước khi đi bệnh viện học, các thầy cô đều phổ biến mục tiêu, các nội dung các em cần phải đạt được, suy ra các em có thể ‘điểm danh’ được những mặt bệnh mình sẽ gặp trên người bệnh. Từ đó, các em sẽ đọc và xem lại phần lý thuyết đã được học trên giảng đường và tìm tòi đọc thêm sách về các bệnh hay chủ để đó. Điều kiện tiên quyết giúp các em học lâm sàng hiệu quản là phải nắm thật vững kiến thức lý thuyết. Vì đối với ngành y thường sẽ có một ‘khoảng trống’ nhất định giữa lý thuyết và thực tập bệnh viện, nói theo cách dễ hiểu là lý thuyết là một chuyện nhưng thực tế có thể hơi khác Vậy nên, nếu lý thuyết mà còn chưa nắm vững được thì rõ ràng việc học lâm sàng sẽ rất khó khăn. Công việc tiếp theo cần chuẩn bị của người học là các đồ dùng học tập phục vụ cho việc học như ống nghe, đèn soi đồng tử, búa phản xạ, sổ lâm sàng, quần áo blu sạch sẽ, mũ, khẩu trang và thẻ sinh viên. Việc trang phục, đầu tóc gọn gàng sẽ giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp với người bệnh và các nhân viên y tế. Trong số các đồ dùng học tập trên, sổ lâm sàng là rất quan trọng và không thể thiếu. Người học nên sắm cho mình một cuốn sổ nhỏ bỏ vừa vào túi áo blu và luôn mang theo bên mình để có thể ghi chép được ngay mỗi khi học được điều gì hay; sổ có bìa nên bằng vật liệu không thấm nước và cứng để tránh nhàu nát và ướt sổ vì đi bệnh viện rất hay phải rửa tay. Nội dung ghi trong sổ sẽ là bất cứ điều gì mà người học cảm thấy hay, thấy bổ ích, thấy cần thiết từ chuyên môn đến giao tiếp với người bệnh. Và sẽ lưu lại sổ này cho đợt thực tập tiếp theo, ở khoa khác và bệnh viện khác, từ đó, khi ra trường, các em sẽ có một cuốn sổ thật sự quý giá với bao kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong cả quá trình học. Có nhiều phương pháp học, nhưng quan sát là một phương pháp học tốt tại bệnh viện. Các em hãy quan sát kỹ mọi thứ diễn tra trong suốt các buổi học: từ các dấu hiệu, chiệu trứng của bệnh, các hiện tượng bất thường mà đáng lẽ nó không có, từ màu sắc, số lượng, tính chất các dịch của người bệnh, từ cách bố trí khoa phòng của bệnh viện hay các phản ứng của người bệnh v.v… Khi biết cách quan sát lâu dần các em sẽ hình thành được kỹ năng gọi là ‘phản xạ lâm sàng’, tức là chỉ cần nhìn, nghe, tiếp xúc nhanh một cái là biết ngay người bệnh có vấn đề gì và cần xử trí, chăm sóc gì. Tất nhiên, kiến thức lý thuyết vẫn là nền tảng các em nhé. Sinh viên THUV tham quan, trải nhiệm và học tập tại bệnh viện ở Nhật

MỘT SỐ CHẨN ĐOÁN TRONG Y HỌC

        Chẩn đoán (diagnosis) là một từ ghép nghĩa; trong đó “chẩn” là xác định, phân biệt dựa trên những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; “đoán” có nghĩa dựa vào những có sẵn, đã biết để tìm ra, suy ra những điều còn chưa rõ hoặc chưa xảy ra. Như vậy “chẩn đoán” trong y học có nghĩa là thông qua biểu hiện các dấu hiệu, triệu chứng, kết quả xét nghiệm từ đó đưa ra được kết luận về bệnh hay một tình trạng sức khỏe.         Chẩn đoán là một bước rất quan trọng, quyết định đến toàn bộ quá trình điều trị, chăm sóc hay các can thiệp y khoa. Việc đưa ra chẩn đoán cần có cơ sở khoa học vững chắc, rõ ràng và luôn là thách thức với đội ngũ y tế; bởi lẽ có những bệnh hay vấn đề sức khỏe có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng, nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh không điển hình và đòi hỏi người khám cần vận dụng kiến thức, thậm chí là kinh nghiệm để tìm tòi, khai thác và đưa ra được kết luận đúng đắn. Chẩn đoán trong y học có nhiều loại. Ứng với các chuyên ngành khác nhau sẽ có các loại chẩn đoán khác nhau. Đó là: CHẨN ĐOÁN Y KHOA (Medical Diagnosis): Bao gồm 3 loại cơ bản:         Chẩn đoán sơ bộ: Khi người bệnh đến cơ sở y tế khám vì một nguyên nhân nào đó liên quan đến tình trạng sức khỏe của họ, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh, khai thác tiền sử, bệnh sử và khám lâm sàng. Bốn kỹ năng khám cơ bản gồm nhìn, sờ khám, gõ và nghe. Kết quả của việc khám này là bác sĩ sẽ đưa ra một kết luận gọi là chẩn đoán sơ bộ. Nó mô tả một tình trạng bệnh lý được “nghi ngờ” và cần thêm các bằng chứng khác nữa để khẳng định chắc chắn. Sẽ không là vấn đề gì lớn nếu chẩn đoán sơ bộ không chính xác vì đây chỉ là bước đầu tiên và là nền tảng cho những chẩn đoán tiếp theo. Ví dụ một người bệnh đến khám vì cảm thấy đau vùng thượng vị, đau âm ỉ kéo dài thành từng cơn, tiêu hóa kém nên ăn uống không ngon miệng dẫn đến sụt cân, bệnh đã kéo dài nhiều tháng và mức độ các triệu chứng tăng dần. Bác sĩ khám và chẩn đoán sơ bộ là Viêm dạ dày.         Chẩn đoán phân biệt: Là bước tiếp theo sau chẩn đoán sơ bộ. Với các dấu hiệu, triệu chứng đã khai thác được, bác sĩ sẽ đưa ra các kết luận khác ngoài kết luận trong chẩn đoán sơ bộ. Vì một bệnh có thể có các biểu hiện lâm sàng giống nhau. Chẩn đoán phân biệt giúp bác sĩ có thể loại trừ được những bệnh cảnh tương đương có thể gặp trên người bệnh. Như trường hợp người bệnh trên, chẩn đoán phân biệt có thể là ung thư dạ dày, sỏi túi mật hoặc viêm tụy mạn tính.         Chẩn đoán xác định: đây là kết luận cuối cùng dựa trên các bằng chứng bổ xung sau khi khám lâm sàng. Người bệnh ở trên được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm: Nội soi dạ dày và test H.P (một loại vi khuẩn được cho là nguyên nhân của bệnh viêm dạ dày). Kết quả nội soi cho thấy người bệnh không có khối u nhưng có một ổ loét vùng hang vị dạ dày lan sang đoạn đầu tá tràng, test H.P (+). Từ bằng chứng có giá trị này kết hợp với các dấu hiệu lâm sàng trước đó, người bệnh được chẩn đoán xác định là Viêm loét dạ dày-tá tràng có H.P (+). Từ chẩn đoán này sẽ quyết định phương pháp điều trị và chăm sóc cho người bệnh. CHẨN ĐOÁN ĐIỀU DƯỠNG (Nursing Diagnosis):         Chẩn đoán điều dưỡng là việc xác định các vấn đề về sức khỏe hiện tại hay tiềm tàng của người bệnh để người điều dưỡng đưa ra kế hoạch chăm sóc. Nó thường mô tả phản ứng của con người và hướng đến nhu cầu cá nhân của họ. Khác với chẩn đoán y khoa là cố định trong suốt thời gian người bệnh nằm viện, chẩn đoán điều dưỡng có thể thay đổi theo mức độ phản ứng của người bệnh với một tình trạng sức khỏe. Một chẩn đoán điều dưỡng thường gồm ba thành phần là vấn đề của người bệnh, yếu tố liên quan hoặc nguyên nhân và các dấu hiệu-triệu chứng chứng minh cho vấn đề đó. Một người bệnh có thể có nhiều chẩn đoán điều dưỡng và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH (Image Diagnosis)         Chẩn đoán hình ảnh là một ngành trong lĩnh vực y tế. Khác với hai loại chẩn đoán trên, chẩn đoán hình ảnh được xếp vào nhóm cận lâm sàng. Đó là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật sử dụng tia X, sóng siêu âm hoặc từ trường (MRI) để thể hiện cấu trúc cơ thể con người bằng hình ảnh theo quy ước nhằm cung cấp những thông tin cho bác sĩ. Thông qua các kết quả hình ảnh này, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác. CHẨN ĐOÁN CỘNG ĐỒNG (Community Diagnosis)         Chẩn đoán cộng đồng là phương pháp mà người cán bộ y tế sử dụng để xác định vấn đề sức khỏe của cộng đồng và giải quyết vấn đề sức khỏe đó với sự tham gia của cộng đồng. Đây là một thành phần của lĩnh vực y học cộng đồng. Nguyên liệu để chẩn đoán cộng đồng không phải là các dấu hiệu triệu chứng mà là các thống kê, chỉ số dịch tễ

NHỮNG NGUYÊN TẮC KINH ĐIỂN TRONG NGÀNH Y KHÔNG ĐƯỢC PHÉP QUÊN

Trước tiên là đừng có gây hại. Đây là nguyên tắc kinh điển nhập môn của dân y. Nếu bạn chưa điều trị ổn cho bệnh nhân thì đừng khuyến mãi thêm cho bệnh nhân các tai biến do nhân viên y tế gây ra, các tai nạn ngoài ý muốn. Ví dụ: gãy tay trái mà mổ tay phải, bệnh nhân nằm viện vì viêm phổi nhưng lại bị thêm tai biến do quá liều thuốc. Nếu không biết làm gì thì tốt nhất là đừng làm gì cả. Nếu đứng trước bệnh nhân mà chưa biết xử trí ra sao thì hãy tìm sự trợ giúp từ đồng nghiệp qua hội chẩn, từ sách vở…Đừng xử trí đại theo thói quen, theo cảm tính vì có thể gây hại thêm cho bệnh nhân. Coi chừng vi phạm nguyên tắc số 1. Điều quan trọng là phải biết chuyện nào mình còn dở, còn chưa biết. Cái tai hại là nhiều người không biết mà cứ tưởng mình biết. Ví dụ: bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ não do huyết khối, có huyết áp cao; việc hạ áp đột ngột và nhiều sẽ làm vùng nhồi máu não lan rộng hơn; và gây hại nhiều hơn là không xử trí gì. Phải nghĩ đến một bệnh nguy hiểm trước một bệnh ít nguy hiểm hơn. Một bệnh nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì sẽ có cơ may chữa trị khỏi được. Ví dụ: nhìn 1 ổ loét dạ dày phức tạp, phải nghĩ đến bệnh K dạ dày dạng loét trước bệnh loét dạ dày. Phải nghĩ đến một bệnh còn chữa được trước một bệnh không còn khả năng chữa được. Nhiều bác sĩ cứ nghĩ đến bệnh không còn chữa được rồi buông xuôi luôn, không còn cố gắng chữa trị nữa. Thân nhân khi nghe giải thích như thế cũng buông, đưa bệnh nhân về nhà chờ chết. Trong thực tế nhiều bệnh nhân được 1 bệnh viện này cho về chờ chết nhưng rồi được cứu sống ở 1 bệnh viện khác. Ví dụ: Trước 1 hình ảnh tổn thương đa ổ ở gan, phải nghĩ đến áp xe gan đa ổ và loại trừ nó trước khi nghĩ đến K gan do di căn. Tương tự, trước 1 tổn thương đa ổ ở phổi, phải nghỉ đến viêm phổi do tụ cầu trước K phổi do di căn. Phải nghĩ đến 1 bệnh thường gặp trước 1 bệnh ít gặp hơn. Khi nghe tiếng hí, hãy nghĩ đến con ngựa (horse) trước khi nghĩ đến con ngựa vằn (zebra) vì con ngựa thường gặp hơn, nên xác suất đúng sẽ cao hơn. Ví dụ: Khi gặp 1 bệnh nhân đau hố chậu phải thì hãy nghĩ đến viêm ruột thừa trước khi nghĩ đến các bệnh như bệnh Crohn, lao hồi manh tràng. Khi mọi việc đang diễn tiến thuận lợi thì cứ tiếp tục hành động như cũ. Nếu tình trạng bệnh nhân đang diễn tiến thuận lợi thì đừng thay đổi điều trị. Trong thực tế vẫn có những trường hợp bệnh đang diễn tiến tốt nhưng vì những lý do vô hình, hữu hình hay tế nhị gì đó, bác sĩ lại đổi thuốc, thêm 1 thuốc khác, cuối cùng lại sinh chuyện. Ví dụ: bệnh nhân viêm phổi đang đáp ứng tốt với điều trị kháng sinh, kết quả kháng sinh đồ về dù ko ủng hộ cho kháng sinh đang dùng thì bác sĩ vẫn phải tiếp tục dùng kháng sinh cũ, đừng đổi kháng sinh. Khi việc đang làm mà có diễn tiến bất lợi thì phải thay đổi hành động ngay. Nếu bệnh nhân đang điều trị mà tình trạng có diễn tiến bất lợi thì phải tìm nguyên nhân và xử trí ngay. Không thể vẫn giữ nguyên điều trị như cũ và chờ đợi nó sẽ tự diễn tiến tốt lại. Ví dụ: Ca cô bé nữ sinh bị gãy chân phải bó bột ở Gia Lai, bệnh đã có diễn tiến bất thường nhưng bệnh viện vẫn giữ nguyên bó bột, không có xử trí gì khác cả. Đến lúc tháo bột thì đã quá trễ. Cá thể hóa trong chẩn đoán và điều trị: Người bác sĩ bình thường thì điều trị bệnh. Người bác sĩ giỏi thì điều trị bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân có 1 cơ địa, thể trạng, ngưỡng chịu đựng, sức đề kháng và những bệnh đi kèm khác nhau. Cũng 1 bệnh đó, nhưng trên những bệnh nhân khác nhau có thể biểu hiện triệu chứng khác nhau, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Cũng 1 thuốc đó, nhưng trên bệnh nhân này thì dùng được, trên bệnh nhân kia là chống chỉ định; ở bệnh nhân này dùng liều cao được, ở bệnh nhân kia bắt buộc phải dùng liều thấp. Ví dụ: Do vị trí ruột thừa nằm khác nhau nên bệnh viêm ruột thừa có nhiều thể khác nhau trên những bệnh nhân khác nhau: thể thông thường, thể dưới gan, thể sau manh tràng, thể tiểu khung… Phải chú ý những đối tượng bệnh nhân đặc biệt: người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Mình muốn tách vấn đề này ra khỏi nguyên tắc 8 để nhấn mạnh. a, Người già: Triệu chứng thường mơ hồ (ít đau, ít sốt…), hay có nhiều bệnh đi kèm (tim, phổi, thận, dạ dày, khớp…), sức chịu đựng kém, sức đề kháng kém, dễ bị quá liều thuốc do chức năng gan thận đã kém, dễ bị tác dụng phụ của thuốc, tâm lý không bình thường (hay giấu bệnh hoặc đôi khi lo lắng quá mức, dễ mặc cảm, sợ chết… ). Ví dụ: khi điều trị tăng huyết áp, huyết áp mục tiêu cần đạt được ở người trẻ là < 140/90 mmHg, nhưng ở người già có thể là cao hơn mức đó.