KINH NGHIỆM HỌC LÂM SÀNG TẠI BỆNH VIỆN

Nghề y là một trong những nghề cao quý bởi tính nhân văn, tình thương và trách nhiệm với người bệnh và khách hàng. Đối tượng phục vụ của chúng ta không chỉ là những người đang mắc bệnh, mà còn cả những người muốn bảo vệ, nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của họ. Chính bởi lẽ đó, khối lượng và kiến thức của sinh viên y cần phải học trước khi ra nghề là rất lớn; và cũng không thể phủ nhận một điều rằng học ngành y là một chuyên ngành khó. Do  đó, muốn đạt được kết quả học tập cao nhất, thiết nghĩ ngoài sự chăm chỉ, chịu khó và niềm đam mê, hăng say với nghề nghiệp, các bạn sinh viên cũng cần biết cách học, như người ta vẫn nói phải “giỏi học” thì mới “học giỏi” được. Bài viết này sẽ chia sẻ một vài kinh nghiệm học lâm sàng để các sinh viên bạn tham khảo.

Hình ảnh sinh viên tham gia Chương trình thực tập ngắn hạn đầu tiên tại Bệnh viện Kurosawa – Nhật Bản

Học lâm sàng là một học phần đặc thù của ngành y.  “Lâm” là đến gần, là vào một hoàn cảnh nào đó; “sàng” là cái giường (nghĩa giường bệnh) là một danh từ y khoa, chỉ những gì liên quan đến, xảy ra ở giường của người bệnh, bệnh viện. Học lâm sàng có nghĩa là học những gì xảy ra trên người bệnh tại bệnh viện bao gồm dấu hiệu, triệu chứng, biến chứng của một bệnh hay những phản ứng của người bệnh với tình trạng bệnh tật, những nhu cầu cần chăm sóc, phục hồi chức năng hay thậm chí là những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người bệnh, khách hàng. Việc học tại bệnh viện có chút khác với cách học trên mô hình tại các phòng skill-lab và càng khác so với học lý thuyết tại các phòng học ở trường.

Hình ảnh sinh viên tham gia Chương trình thực tập ngắn hạn đầu tiên tại Bệnh viện Kurosawa – Nhật Bản

Để có kết quả tốt cho một đợt đi học lâm sàng, điều đầu tiên các em cần làm là công tác chuẩn bị. Đối với mỗi đợt trước khi đi bệnh viện học, các thầy cô đều phổ biến mục tiêu, các nội dung các em cần phải đạt được, suy ra các em có  thể “điểm danh” được những mặt bệnh mình sẽ gặp trên người bệnh. Từ đó, các em sẽ đọc và xem lại phần lý thuyết đã được học trên giảng đường và tìm tòi đọc thêm sách về các bệnh hay chủ đề đó. Điều kiện tiên quyết giúp các em học lâm sàng hiệu quả là phải nắm thật vững kiến thức lý thuyết. Vì đối với ngành y thường sẽ có một “khoảng trống” nhất định giữa lý thuyết và thực tập bệnh viện, nói theo cách dễ hiểu là lý thuyết là một chuyện nhưng thực tế có thể hơi khác Vậy nên, nếu lý thuyết mà còn chưa nắm vững được thì rõ ràng việc học lâm sàng sẽ rất khó khăn.

Hình ảnh sinh viên tham gia Chương trình thực tập ngắn hạn đầu tiên tại Bệnh viện Kurosawa – Nhật Bản

Công việc tiếp theo cần chuẩn bị của người học là các đồ dùng học tập phục vụ cho việc học như ống nghe, đèn soi đồng tử, búa phản xạ,  sổ lâm sàng, quần áo blu sạch sẽ, mũ, khẩu trang và thẻ sinh viên. Việc trang phục, đầu tóc gọn gàng sẽ giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp với người bệnh và các nhân viên y  tế. Trong số các đồ dùng học tập trên, sổ lâm sàng là rất quan trọng và không thể thiếu. Người học nên sắm cho mình một cuốn sổ nhỏ bỏ vừa vào túi áo blu và luôn  mang theo bên mình để có thể ghi chép được ngay mỗi khi học được điều gì hay; sổ có bìa nên bằng vật liệu không thấm nước và cứng để tránh nhàu nát và ướt sổ vì đi bệnh viện rất hay phải rửa tay. Nội  dung ghi trong sổ sẽ là bất cứ điều gì mà người học cảm thấy hay,  thấy bổ ích, thấy cần thiết từ chuyên môn đến giao tiếp với người bệnh. Và sẽ lưu lại sổ này cho đợt thực tập tiếp theo, ở khoa khác và bệnh viện khác, từ đó, khi ra trường, các em sẽ có một cuốn sổ thật sự quý giá với bao kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được trong cả quá trình học.

Cô Hiệu trưởng đã đích thân tới cổ vũ và quan sát sinh viên trong Chương trình thực tập ngắn hạn đầu tiên tại Bệnh viện Kurosawa – Nhật Bản

Có nhiều phương pháp học, nhưng quan sát là một phương pháp học tốt tại bệnh viện. Các em hãy quan sát kỹ mọi thứ diễn tra trong suốt các buổi học: từ các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, các hiện tượng bất thường mà đáng lẽ nó không có, từ màu sắc, số lượng, tính chất các dịch của người bệnh, từ cách bố trí khoa phòng của bệnh viện hay các phản ứng của người bệnh v.v… Khi biết cách quan sát lâu dần các em sẽ hình thành được kỹ năng gọi là “phản xạ lâm sàng”, tức là chỉ cần nhìn, nghe, tiếp xúc nhanh một cái là biết ngay người bệnh có vấn đề gì và cần xử trí, chăm sóc gì. Tất nhiên, kiến thức lý thuyết vẫn là nền tảng các em nhé.

Điều tiếp theo là hình thành tư duy logic khi đi lâm sàng, luôn đặt câu hỏi vì sao ? tại sao? Lâm sàng có chút ngược so với cách học lý thuyết là ở chỗ, lý thuyết các em học theo bệnh, tức là bệnh là có trước và bệnh này sẽ có những dấu hiệu, triệu chứng này và người bệnh sẽ cần những vấn đề chăm sóc hay phục hồi chức năng theo quy trình của bệnh đó. Nhưng đi lâm sàng chúng ta không bắt đầu từ một bệnh mà lại từ các dấu hiệu, triệu chứng, phản ứng người người bệnh rồi mới ra chẩn đoán là bệnh gì hay vấn đề chăm sóc. Vì vậy, tư duy người học luôn phải suy nghĩ và đặt các vấn đề cần học vào một mối tổng thể có liên quan đến nhau như chính các cơ quan bộ phận trên cơ thể người cũng hoạt động theo cách có sự liên quan mật thiết với nhau vậy. Khi đặt trong mối liên quan như vậy, người học sẽ tìm được câu trả lời và lý giải được vấn đề mình cần tìm hiểu. Khi không trả lời được các em đừng ngại hỏi nhân viên y tế, các anh chị đang học cùng và đặc biệt các thầy cô hướng dẫn lâm sàng. Thầy được biết các thầy cô của Trường đại học Y khoa Tokyo Việt Nam luôn luôn nhiệt tình, tận tâm và hết lòng giúp đỡ và đồng hành cùng các em trên con đường học tập tại trường.

Điều cuối cùng có lẽ cũng giúp ích cho việc học là hãy luôn có thái độ thật tốt, niềm nở và nụ cười tươi trên môi các bạn nhé. Việc có thái độ tốt sẽ giúp các em dễ dàng tiếp xúc và khai thác thông tin từ người bệnh và nhân viên y tế ở khoa.

Trên đây là một vài chia sẻ kinh nghiệm học tập tại bệnh viện, thầy cũng mong sẽ giúp ích được cho các em, những cán bộ tương lai của ngành y tế. Hãy cố gắng học vì bản thân, vì gia đình và trên hết là vì người bệnh và khách hàng các em nhé. Chúc các em thành công!

Ths. Nguyễn Trọng Nghĩa

****************************

GIỚI THIỆU NGÀNH ĐÀO TẠO

Ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học

 

****************************

Giới thiệu tác giả

Thầy Nguyễn Trọng Nghĩa hiện đang công tác tại Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. Thầy tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 2004, tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Điều dưỡng năm 2009 và có 12 năm kinh nghiệm trong giảng dạy.

TUYỂN SINH 2024

Bạn đang chưa biết lựa chọn ngành nào ?
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn

Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.