Tầm quan trọng của việc phục hồi chức năng cho người đột quỵ

Tỷ lệ người bị đột quỵ ngày một gia tăng. Đáng nói, đột quỵ thường để lại những di chứng nặng nề. Do vậy, việc phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng với người bệnh.

Vì sao cần phục hồi chức năng sau đột quỵ

Mục đích của việc phục hồi chức năng là tận dụng tối đa năng lực chưa bị suy giảm/tổn thương của người bệnh sau đột quỵ. Điều trị sớm và tập phục hồi chức năng sau đột quỵ giúp nhiều người lấy lại được nhiều chức năng, đặc biệt trong khoảng ba đến sáu tháng đầu sau đột quỵ, mặc dù vậy sự cải thiện có thể tiếp tục trong nhiều năm tiếp theo.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên giải đáp về việc thực hiện phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ. 

Hầu hết người bệnh sau đột quỵ đều ít nhiều để lại một vài di chứng thiếu sót về chức năng. Nhu cầu tập luyện phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng các chức năng của người bệnh, như: vận động, ngôn ngữ, nuốt, nhận thức… đến khả năng độc lập và sinh hoạt hàng ngày. Nhu cầu và mục tiêu của người bệnh sau đột quỵ là trọng tâm đối với chương trình phục hồi chức năng.

Bên cạnh đó, người bệnh và gia đình cần được tư vấn bởi bác sĩ phục hồi chức năng để đánh giá cụ thể tình trạng di chứng, cân bằng giữa mục tiêu và khả năng của người bệnh để xây dựng một chiến lược can thiệp phục hồi chức năng phù hợp.

Một chương trình phục hồi chức năng có thể bắt đầu ngay khi bệnh nhân ổn định và được xác định bởi bác sĩ điều trị và bác sĩ phục hồi chức năng phối hợp đánh giá tình trạng của người bệnh. Chương trình tập luyện được thực hiện bởi nhóm phục hồi chức năng đa chuyên ngành, có thể bao gồm các nhà thần kinh học chuyên điều trị đột quỵ, bác sĩ phục hồi chức năng, chuyên gia vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, chuyên viên ngôn ngữ và các chuyên gia khác.

Phục hồi chức năng cho người đột quỵ là gì?

Với giai đoạn tuần đầu tiên sau đột quỵ, người bệnh có thể được chuyển đến cơ sở phục hồi chức năng hoặc về nhà trong vòng bốn đến bảy ngày. Nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ và quá trình phục hồi. Hầu hết trường hợp người bệnh cần được tập luyện và phục hồi chức năng dưới sự giám sát của nhân viên y tế tại các cơ sở phục hồi chức năng nội trú hoặc ngoại trú.

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ tùy thuộc vào mức độ di chứng.

 

Trong vòng khoảng ba đến sáu tháng đầu sau đột quỵ: Người bệnh có thể trở về nhà và tiếp tục tập luyện phục hồi chức năng tại nhà hoặc điều trị ngoại trú thông qua một trung tâm phục hồi chức năng đột quỵ ở địa phương.

Giai đoạn tiếp theo khoảng một năm sau cơn đột quỵ, một số trường hợp có thể trở lại trạng thái chức năng như trước, trong khi những người khác cân điều chỉnh và thích nghi cơ các di chứng kéo dài sau đột quỵ và tiếp tục duy trì chương trình tập luyện tại nhà.

Phương pháp phục hồi chức năng sau đột quỵ

Việc lựa chọn phương pháp phục hồi đột quỵ tùy thuộc vào mức độ di chứng sau đột quỵ. Các can thiệp phục hồi chức năng tập trung vào:

  • Cải thiện sức mạnh cơ bắp và điều hợp vận động
  • Cải thiện khả năng di chuyển – sử dụng dụng cụ hỗ trợ đi lại, gậy hoặc nẹp chân
  • Tập thích nghi các hoạt động hàng ngày với chi yếu liệt
  • Cải thiện ngôn ngữ, khả năng giao tiếp – chức năng năng nói, đọc và viết
  • Can thiệp nhận thức và trí nhớ
  • Sức khỏe tinh thần.
  • Ngoài ra phục hồi chức năng còn bao gồm các công nghệ hỗ trợ như robot trị liệu và kích thích điện chức năng, kích thích não không xâm lấn để cải thiện các kỹ năng và khả năng phối hợp khác nhau…

Có khoảng 70% bệnh nhân sau đột quỵ khuyết tật về chức năng vận động, cảm giác, ngôn ngữ, nhận thức, rối loạn nuốt, rối loạn tiểu tiện, nhận thức.

Tùy tình trạng của người bệnh sau đột quỵ, thời gian can thiệp và các phương pháp phục hồi chức năng sẽ khác nhau, có thể kéo dài từ 1 tháng đến 1 năm hoặc nhiều năm. Hầu hết các kỹ thuật phục hồi chức năng đều được bảo hiểm chi trả toàn bộ hoặc một phần khi người bệnh điều trị tại các đơn vị phục hồi chức năng theo quy định. Người bệnh và gia đình người bệnh cần được khám và tư vấn bởi nhóm phục hồi chức năng để có một lộ trình điều trị phù hợp.

Nguồn: PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên

Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Báo Sức khỏe và Đời sống – Bộ Y tế.

TUYỂN SINH 2024

Bạn đang chưa biết lựa chọn ngành nào ?
Hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ - tư vấn.
Hotline: 0869 809 088
Email: tuyensinh@tokyo-human.edu.vn

Hẹn gặp lại các bạn tại THUV.