Chào các bạn, Bài viết này mình sẽ chia sẻ về một chủ đề rất thú vị. Đó là Giải phẫu học. Đây là môn học đặc thù của ngành y, nghiên cứu về cấu trúc cơ thể con người. Có lẽ với bất kỳ một sinh viên y khoa nào, Giải phẫu luôn mang lại nhiều điều thú vị và hứng thú. Tuy nhiên, đây cũng là môn học rất khó phải không các bạn? Mình còn nhớ như in ngày đầu tiên khi học môn học này, những bài giảng lý thuyết của các thầy cô trên giảng đường với nhiều hình ảnh về các cấu trúc trong cơ thể người làm mình rất tò mò rồi thực sự bị cuốn hút và say mê. Hôm nào mình cũng phải đi thật sớm để được ngồi bàn đầu. Các thầy cô vừa giảng, vừa cầm viên phấn đủ màu vẽ lên bảng, mà hình vẽ thì rất đẹp và giống như thật. Rồi đến những buổi thực hành tại Viện giải phẫu ở phố Yec-Xanh, đó là lần đầu tiên khoác trên mình chiếc áo blu trắng, cảm xúc thật lâng lâng. Bước vào phòng thực hành là một cảm giác cay mắt và mũi bởi mùi formol ngâm xác người sộc lên. Phía xa xa là bàn, ghế và rất nhiều mô hình, tranh, ảnh về cấu trúc cơ thể con người. Dưới mỗi cái bàn đều có một thùng dài ngâm một xác người trong formol. Khi giảng, các thầy cô sẽ đưa xác lên trên mặt bàn để sinh viên có thể quan sát học tập. Cái xác thì màu xám nâu, cả cơ, động mạch, tĩnh mạch, thần kinh hay nội tạng đều màu xám cả. Thật khác với khi xem ảnh trên Atlat, trên Atlat dễ nhìn hơn vì động mạch được vẽ màu đỏ, tĩnh mạch màu xanh hay thần kinh thì màu vàng. Đến giờ giải lao, là nghịch ngợm khi cầm xương đùi, xương cẳng chân trêu nhau. Những khoảnh khắc đó thật tinh nghịch và khó quên. Nó đem lại cho mình sự đam mê và yêu thích đặc biệt đối với môn học này. Lịch sử ra đời của giải phẫu học được bắt nguồn từ thời Ai Cập cổ đại. Về sau, Hyppocrate đã dạy giải phẫu ở Hy Lạp. “Người Cha của Y học” cũng cho rằng “Khoa học y học bắt đầu bằng việc nghiên cứu cấu tạo cơ thể con người”. Ông là người đầu tiên sử dụng từ “Anatomy” có nghĩa là chia cắt và phẫu tích để mô tả về Giải phẫu đại thể. Hiện nay, có ba cách mô tả giải phẫu đó là: Giải phẫu hệ thống, giải phẫu vùng và giải phẫu bề mặt. Giải phẫu hệ thống hay được giảng dạy trong trường Y hơn cả. Môn học Giải phẫu có tầm quan trọng rất lớn trong ngành Y. Có thể nói Giải phẫu là môn cơ sở của các môn cơ sở, là nền tảng cho các môn chuyên ngành và lâm sàng. Nếu chúng ta không biết gì về hình thái, cấu trúc các cơ quan trong cơ thể, thì thật khó để mô tả một trường hợp bệnh lý, chẩn đoán và chăm sóc, đôi khi còn có những quyết định sai lầm. Cho nên bác sỹ Mukhin người Nga đã nói rằng: “Người thầy thuốc mà không có kiến thức về giải phẫu học thì chẳng những vô ích mà còn có hại”. Với tầm quan trọng như vậy, làm thế nào để chúng ta có thể học tốt môn học này? Thực ra giải phẫu không khó như các bạn nghĩ. Vấn đề là chúng ta phải có phương pháp học tập hiệu quả vì môn học này luôn được dạy vào năm thứ nhất, nên nhiều bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm và chưa biết cách học. Trước hết, các bạn cần phải chăm chỉ. Vì khối lượng kiến thức lớn, hơn nữa lại mới hoàn toàn và nhiều kiến thức cần phải học thuộc lòng. Do vậy, nếu chúng ta không chăm chỉ học tập, thì sẽ chẳng thể nào nhớ hết được. Mỗi ngày các bạn nên dành 30 phút đến 1 giờ để học và nên học ngay sau buổi giảng của các thầy cô sẽ nhớ nhanh hơn. Đặc biệt, không nên để đến sát ngày thi mới học. Lúc đó có bù đầu học cả ngày lẫn đêm cũng sẽ không kịp và không hiểu sâu kiến thức, dẫn đên không nắm chắc được bài. Khi đã có sự chăm chỉ rồi, phương pháp học cũng là yếu tố quan trọng. Đối với giải phẫu, có một phương pháp học rất tốt giúp các bạn nhớ bài rất nhanh và lâu đó là phương pháp học bằng vẽ hình. Trước hết, chúng ta sẽ đọc sách, xem hình ảnh trong Atlas sau đó tưởng tượng lại hình thể, cấu trúc, đường đi và liên quan của một cơ quan nào đó rồi dùng bút chì, bút mầu vẽ lại ra giấy. Sau khi vẽ xong, các bạn tiếp tục chú thích các mốc giải phẫu cần phải nhớ. Hãy lưu lại tất cả hình vẽ đó để khi cần, chúng ta có thể xem lại được. Bạn nên vẽ đi vẽ lại nhiều lần đến khi thuộc mới thôi. Bạn không nhất thiết phải là người có năng khiếu vẽ vì vẽ đẹp được thì tốt, vẽ chưa đẹp nhưng vẽ đúng thì cũng đều hiệu quả như nhau. Ngoài cách học bằng phương pháp vẽ, các bạn kết hợp với phương pháp xem tranh, ảnh trên Atlas. Khi xem tranh ảnh sẽ ấn tượng và nhớ lâu hơn là đọc một bài chỉ toàn lý thuyết. Hiện có rất nhiều Atlas giải phẫu khác nhau và đều có ở thư viện của THUV, trong đó quyển của Bác sỹ, họa sỹ Frank H. Netter