Cẩm nang

Điểm khác biệt giữa tết Trung thu ở Việt Nam và Nhật Bản

Tết trung thu là phong tục truyền thống lâu đời của Việt Nam không những vậy đây cũng được coi là ngày quan trọng trong một năm của nhiều nước Châu Á khác . Theo phong tục Việt Nam cứ ngày 15 tháng 08 âm lịch hàng năm người lớn trong gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ (gồm có nhiều hoa quả, bánh trái) để dâng lên tổ tiên. Hành động này thể hiện sự thành kính đối với những người thân đã khuất trong gia đình, đồng thời đây cũng là dịp để mọi người được quây quần bên nhau, trẻ em trên khắp cả nước cùng nhau ra đường rước đèn ông sao, chơi nhiều trò chơi và phá cỗ đêm trăng rằm, xem múa lân, và nhiều hoạt động văn nghệ ăn mừng lễ hội trăng rằm với hình ảnh quen thuộc là chị Hằng Nga và chú Cuội. Ở Nhật Bản lễ hội Trung thu được gọi là Tsukimi – lễ hội ngắm trăng, giống với Việt Nam nó được tổ chức vào rằm tháng tám (15/8 âm lịch).  Tuy nhiên Tết trung thu ở Nhật Bản được tổ chức 2 lần mỗi năm vào khoảng 1 tháng sau – ngày 15/8 âm lịch và ngày 13/9 âm lịch. Nếu như người Việt Nam coi ngày tết trung thu là ngày tết đoàn viên, là ngày tết thiếu nhi thì người Nhật Bản lại quan niệm ngày này có ý nghĩa như lời tạ ơn các vị thần đã ban cho người dân một vụ mùa thật bội thu, họ đã làm những mâm lễ cúng thật chu đáo bằng chính những thứ mà họ làm ra như bánh truyền thống Dango, cỏ bông bạc Suzuki,.. Thêm một điểm khác biệt về nguồn gốc của ngày tết trung thu của 2 đất nước đó là theo Việt Nam thì tết trung thu gắn liền với sự tích chú cuội và chị Hằng thì tại Nhật Bản tết trung thu gắn liền với sự tích một chú thỏ ngọc đang sinh sống chung với thần Mặt Trăng. Vào đúng ngày trăng tròn của tháng Tám chú thỏ ngọc này cầm chày giã bột để làm bánh Mochi. Từ đó bánh Mochi là loại bánh mà người dân Nhật bản hay ăn cùng nhau vào mỗi dịp trung thu. Ở Việt Nam món bánh trung thu là một phần không thể thiếu vào mỗi dịp trung thu, tuy nhiên ở Nhật Bản ngoài món bánh truyền thống là dango người Nhật còn ăn kèm vào mỗi dịp trung thu nữa đó là hạt dẻ, khoai môn, đậu tương cùng một số loại trái cây khác,…Tại Nhật Bản người ta sẽ tiến hành các hoạt động trang trí trung thu và làm các món bánh truyền thống để thường thức chúng cùng gia đình vào đêm trung thu và cầu mong sự hạnh phúc và sung túc sẽ đến với gia đình họ. Sau đây mình sẽ cung cấp cho các bạn một vài từ vựng tiếng Nhật về tết Trung thu nhé: 月見 つきみ   Trăng rằm 中秋 ちゅうしゅう Trung thu 旧暦 きゅうれき Âm lịch 満月 まんげつ Trăng tròn 十五夜 じゅうごや Đêm rằng trung thu 中秋の名月 ちゅうしゅうのめいげつ Trăng rằm 月を楽しみ   Ngắm trăng 月餅 げっぺい Bánh trung thu 餅 もち Bánh mochi 団子 だんご Bánh dango 里芋 さといも Khoai môn 枝豆 えだまめ Đậu tương 栗 くり Hạt rẻ   Hi vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về Văn hóa của cả Việt Nam và Nhật Bản. Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hường Cựu sinh viên K2 trường đại học y khoa Tokyo Việt Nam

Sự khác nhau giữa ngày nghỉ lễ quốc gia của Việt Nam và Nhật Bản

Có thể bạn đã biết các ngày/kỳ nghỉ lễ quốc gia trong năm của Việt Nam được chia ra thành 5 kỳ nghỉ theo Bộ Luật Lao Động quy định, đó là: Tết Dương Lịch vào ngày 1 tháng 1 năm 2023 được nghỉ 1 ngày.  Tết Nguyên Đán từ ngày 20 tháng 1 đến hết ngày 25 tháng 1 năm 2023 nghỉ 7 ngày. Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30 tháng 4 năm 2023 nghỉ 1 ngày.  Ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5 năm 2023 nghỉ 1 ngày.  Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, tức ngày 29 tháng 4 dương lịch nghỉ 1 ngày. vậy còn ở Nhật Bản có quy định các ngày nghỉ/ kỳ nghỉ giống như chúng ta không, mời các bạn hãy cùng tiềm hiểu nhé! Theo như pháp luật Nhật bản thì trong năm sẽ có 15 ngày lễ. Nếu những ngày lễ này rơi vào chủ nhật thì người lao động sẽ được nghỉ bù vào ngày thứ hai kế tiếp. Cũng giống như Việt Nam chúng ta đúng không nào? Vậy cụ thể là những ngày: Ngày mồng một Tết: 01/01: Đây là ngày lễ quan trọng nhất ở Nhật bản.Có thể bạn chưa biết Nhật Bản là một đất nước Châu Á duy nhất ăn tết theo lịch Dương.Nên thay vì nghỉ tết âm như chúng ta thì họ sẽ nghỉ vào ngày đầu tiên của năm theo dương lịch.Thường sẽ được nghỉ một ngày, nhưng tùy vào từng công ty có thể nghỉ kéo dài từ ngày 30 đến mùng 3/01. Ngày lễ thành niên:Trước đây là ngày 15 tháng 1 nhưng hiện nay được chuyển thành ngày Thứ Hai của tuần thứ 2 của tháng 1. Đây là ngày lễ dành riêng cho các thanh niên tròn 20. Từ năm 1948, ngày thành nhân được chính phủ Nhật chính thức coi là một ngày lễ:  “Khuyến khích chúc mừng những người đã trở thành người lớn trong tinh thần tự giác và tự lập”. Lễ trưởng thành ở Việt Nam vào thời xưa ít được chú ý nên so với nhiều nghi lễ khác không được nhắc đến nhiều. Trong khi đó, một số dân tộc thiểu số như: dân tộc Ê Đê, dân tộc Dao, dân tộc Sán Chỉ… quan niệm nghi lễ này có ý nghĩa đặc biệt nên thường được tổ chức rất long trọng..Đặc biệt, thời gian gần đây lễ trưởng thành tổ chức theo hướng tự phát, thường do các trường tự tổ chức vào dịp cuối năm cùng với sự tham gia của thầy cô, bạn bè và phụ huynh tuy nhiên thì ở Việt Nam ngày này sẽ không tính là ngày nghỉ. Ngày Quốc khánh:Thay vì là ngày 2 tháng 9 giống Việt Nam thì ở Nhật sẽ là ngày 11 tháng 2. Theo lịch sử Nhật Bản, vào ngày này năm 660 trước Công Nguyên, Thiên Hoàng đầu tiên của Nhật đăng quang. Ngày lễ tạ ơn người lao động:Ngày 23 tháng 11. Là ngày lễ nhằm đề cao giá trị của sức lao động và cảm tạ cho một vụ mùa bội thu. Ngày lễ này thường được tổ chức khi vụ mùa kết thúc, người dân dân hiến tặng những sản vật mới thu hoạch nhằm tỏ lòng kính trọng thánh thần. Còn ở nước ta cũng có ngày Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngày Xuân phân:Ngày 20 tháng 3. Đây được coi là ngày lễ ca tụng thiên nhiên và sinh vật sống. Ngày Chiêu Hòa: Ngày 29 tháng 4. Đây là ngày sinh của cố Hoàng đế Chiêu Hoà. Ngày Hiến pháp:mồng 3 tháng 5. Từ năm 1947 ngày này được lấy để kỷ niệm ngày hiến pháp Nhật được thiết lập, đánh dấu và gợi nhớ một sự kiện – một thể chế mới được thiết lập và có hiệu lực sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày lễ dân tộc: là ngày mồng 4 tháng 5.Ở Việt Nam có ngày 19/4 cũng là “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” tuy nhiên cũng không tính vào ngày nghỉ Ngày thiếu nhi: mồng 5 tháng 5 (khác với nước ta là ngày mồng 1 tháng 6). Đây là ngày lễ để cầu cho sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em Ngày của biển:Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 7. Đây là ngày dành để cảm ơn những gì mà biển đã ban tặng. Ngày này đánh dấu việc Hoàng Đế Meiji trở về an toàn sau chuyến đi Hokkaido trên một con thuyền năm 1876. Ngày kính lão:Thứ Hai của tuần thứ ba của tháng 9. Là ngày dành để tỏ lòng kính trọng đối với người già và chúc thọ, là  ngày để tưởng nhớ về những người đã khuất và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Người ta thường đi thăm mộ người thân vào những ngày này. Ngày thể dục thể thao:Thứ Hai của tuần thứ hai của tháng 10. là ngày lễ nhằm khuyến khích phong trào luyện tập thể dục thể thao. Ngày Văn hóa: Mồng 3 tháng 11. Ngày lễ khuyến khích cho sự hưng thịnh và phát triển của nền văn hóa truyền thống và tình yêu tự do, hoà bình. Vào ngày này, các trường học và chính phủ Nhật lựa chọn và ken thưởng những người có thành thích đặc biệt xuất sắc. Tuần lễ Obon:Lễ hội Obon từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8. Thế nhưng không phải là ngày lễ quốc gia nhưng người Nhật nghỉ tương đối dài vào những ngày này. Tuần lễ Obon là 1 trong ba kỳ nghỉ dài nhất

Khám Phá Những Dự Báo Thú Vị Về Tương Lai

Khám Phá Những Dự Báo Thú Vị Về Tương Lai Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng bước vào một hành trình đầy thú vị để khám phá những dự báo về tương lai đang được các chuyên gia nghiên cứu và dự đoán. Cùng tìm hiểu về những xu hướng và khả năng đang chờ đợi chúng ta trong thế giới đầy biến đổi. 1. Thay Đổi Cách Chúng Ta Làm Việc Theo dự báo của Cơ quan Công việc Thế giới, công nghệ và tự động hóa dự kiến sẽ tác động mạnh vào công việc của con người. Công việc mới và các mô hình làm việc linh hoạt có thể trở nên phổ biến hơn, với sự gia tăng về làm việc từ xa và sử dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện nhiệm vụ cơ bản. 2. Sự Phát Triển Của Trí Tuệ Nhân Tạo Các chuyên gia dự đoán rằng Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có khả năng thay đổi nhiều lĩnh vực. Từ ô tô tự lái đến chăm sóc sức khỏe thông minh, AI đang định hình lại cách chúng ta sống và làm việc. 3. Sự Biến Đổi Trong Ngành Công Nghệ Công nghệ đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, và dự kiến ​​sẽ có nhiều khám phá mới trong tương lai. Công nghệ blockchain, Internet vạn vật, và sự phát triển của trải nghiệm thực tế ảo có thể thay đổi cách chúng ta tương tác với thế giới xung quanh. 4. Sự Tăng Trưởng Của Ngành Năng Lượng Xanh Theo dự báo của các nhà khoa học môi trường, nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió dự kiến ​​sẽ trở thành nguồn cung cấp chính cho năng lượng. Sự chuyển đổi này có thể góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 5. Khả Năng Xây Dựng Thành Công Trong Không Gian Các công ty tư nhân và tổ chức chính phủ đang đẩy mạnh nỗ lực khám phá không gian và thiết lập các trạm không gian. Dự báo cho thấy việc con người có thể sống và làm việc trong không gian có thể không còn là điều xa vời. Nguồn tham khảo: World Economic Forum. (2021). The Future of Jobs Report. National Research Council. (2019). Artificial Intelligence: Reflections and Outlook. International Energy Agency. (2021). Renewables 2021 Report. NASA. (2023). Artemis Program: Returning Humans to the Moon. Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về những dự báo thú vị về tương lai. Tương lai đang đến gần và cùng nhau, chúng ta có thể hướng tới những thay đổi tích cực và khám phá không gian mới của nhân loại. Đoàn Thị Dung Ban Quảng Cáo Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam

Cùng Vui Học Tiếng Nhật Với Tôi Nhé!

Xin chào các em! Từ tháng 5 năm nay, tôi bắt đầu làm việc tại THUV với vai trò giảng viên tiếng Nhật. Trước đó, tôi đã từng dạy tiếng Nhật tại một trường trung học ở Indonesia cho đến tháng 3 năm nay. Trước Indonesia, tôi dạy tiếng Nhật cho sinh viên quốc tế ở Tokyo. “Có phải đây là lần đầu các em học tiếng Nhật không?”, nếu là lần đầu tiên, các em cũng đừng lo lắng nhé. Các em sinh viên năm nhất vào trường sẽ được học từ bảng chữ cái Hiragana và các câu chào hỏi cơ bản. Tiếng Nhật được viết bằng Hiragana, Katakana, Kanji (chữ Hán). Bảng chữ cái Hiragana và Katakana gồm 50 chữ cái. Vui lòng xem bảng hiragana và katakana bên dưới. Kanji thì có rất nhiều từ, nếu mỗi ngày học một vài từ thì sau 1 năm, các em có thể đọc viết những từ cơ bản. Tại THUV, các em sẽ được học tiếng nhật cơ bản vào năm nhất và năm hai. Bên cạnh đó, các em được học kiến thức chuyên ngành y tế bằng tiếng Nhật. Nếu các em yêu thích phim hoạt hình hoặc truyện tranh Nhật Bản, thì các em có thể xem phim hoạt hình và đọc truyện tranh bằng tiếng Nhật. Đây quả là điều thú vị đúng không? Các tiết học tiếng Nhật bao gồm, ngữ pháp, nghe hiểu, đọc hiểu, hội thoại. Tôi giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nhật nhưng các em đừng quá lo lắng liệu rằng mình có hiểu được bài giảng không nhé. THUV có đội ngũ giảng viên tiếng Nhật người Việt Nam có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm. Phần giải thích ngữ pháp được giảng dạy bằng tiếng Việt, vì vậy các em có thể dễ dàng hiểu bài. Các em có hứng thú với văn hóa Nhật và các nghi lễ truyền thống của Nhật không? Các em có thể biết được nhiều điều thú vị về Nhật Bản thông qua việc học tiếng Nhật. Hãy so sánh những điều đó với đất nước của các em, Việt Nam. Hãy khám phá những điểm tương đồng và khác biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tôi tin chắc sẽ có nhiều khám phá mới.  Với tiết nghe hiểu, trước tiên các em sinh viên sẽ nghe cách phát âm và ngữ điệu của tôi sau đó lặp lại. Các em cũng được học các bài nghe hiểu bằng đĩa CD. Với tiết đọc hiểu, các em được học đọc từ các câu văn ngắn, sau đó dần dần học cách đọc các câu dài hơn, các bài giải thích và tiểu luận. Các em cũng học thông qua các bài tập đọc hiểu. Với tiết tập làm văn, những tiết học đầu các em sẽ được hướng dẫn làm những bài văn cơ bản như giới thiệu bản thân, sau đó là tìm hiểu những kiến ​​thức cơ bản để sau này có thể viết báo cáo chuyên ngành y tế. Tôi sẽ sửa từng bài viết của các em. Các em hãy đón chờ những ý kiến góp ý của tôi nhé! Hãy giao tiếp thật nhiều với tôi trong lớp hội thoại nhé! Ngoài ra, trong tiết hội thoại các em cũng sẽ được ghép cặp nhập vai giao tiếp. Bằng cách này, THUV dạy các em học tiếng Nhật từ những điều cơ bản nhất. Nếu các em không hiểu về bài học, hãy cứ mạnh dạn trao đổi lại với các thầy cô nhé. Tôi rất mong được học tiếng Nhật với các em! Tác giả: Aoki Etsuko Giảng viên Tiếng Nhật

05/09/2023 – BV ĐH Y khoa Tokyo Việt Nam Đón Tiếp Bệnh Nhân Tới Khám Điều Trị

Sáng nay, ngày 5/9, Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (Bệnh viện Kusumi) đã đón tiếp những bệnh nhân đầu tiên, chính thức đi vào hoạt động với quy mô 80 giường trong giai đoạn 1. Ngay từ sáng sớm, các bệnh nhân đã có mặt tại sảnh chờ của bệnh viện, và được các nhân viên y tế tận tình hướng dẫn quy trình khám bệnh. Khám sức khoẻ Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam với số vốn đầu tư 40 triệu USD 100% từ Nhật Bản, khang trang hiện đại, giúp bệnh nhân được thoái mái và thư giãn khi đi khám. Đội ngũ chuyên nghiệp Đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp là các chuyên gia đến từ Nhật Bản giàu kinh nghiệm, tư vấn, phân tích kết quả chi tiết, tận tâm. Cán bộ điều dưỡng, chăm sóc y tế được đào tạo bài bản đúng tiêu chuẩn Nhật, đặc biệt việc điều dưỡng viên thành thạo tiếng Nhật sẽ giúp cho việc giao tiếp giữa bệnh nhân và các bác sĩ Nhật Bản được dễ dàng. Lễ tân đón tiếp, hỗ trợ khách hàng, giải đáp nhẹ nhàng trong mỗi bước khám, linh hoạt trong thứ tự thực hiện các danh mục khám, tiết kiệm thời gian. Bệnh viện hiện đại với cảnh quan đẹp mắt, thiết bị tân tiến Bệnh viện nằm trong khuôn viên rộng 3ha giữa không gian xanh mát của KĐT Ecopark. Hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại nhất được nhập khẩu từ Nhật Bản. Cơ sở vật chất khang trang được thiết kế theo phong cách hiện đại như khách sạn. Từng chi tiết về khu vực thay đồ, nhà vệ sinh, khu vực chờ được thiết kế sang trọng, sạch sẽ theo đúng tiêu chuẩn khắt khe của Nhật Bản. Ưu đãi khám bệnh Nhân dịp này, từ ngày 05.09.2023 đến ngày 05.10.2023, các bệnh nhân tới khám sẽ nhận được ưu đãi Miễn phí 100% phí khám bệnh ban đầu với bác sĩ. Các dịch vụ Cận lâm sàng phát sinh như Xét nghiệm, Siêu âm, Chụp XQuang… (nếu có theo chỉ định của bác sĩ) sẽ tính phí bình thường. Liên hệ để đặt lịch khám Bệnh viện Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam Địa chỉ: ST-01, Khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên Website: https://tokyohospital.vn/ Hotline: 1900 86 86 90

AN TOÀN SINH HỌC TRONG PHÒNG XÉT NGHIỆM

Cho đến nay, Việt Nam đã phải đối mặt với mối đe dọa của nhiều bệnh truyền nhiễm mới như Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003, bệnh cúm gia cầm độc lực cao (H5N1) năm 2004 và hiện nay là Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS-COV-2). Đó là lý do phải xây dựng các phòng xét nghiệm an toàn sinh học tại các quốc gia. An toàn sinh học là ngăn chặn các tác nhân sinh học – mầm bệnh tránh khỏi con người – cộng đồng và môi trường. Cấp độ an toàn sinh học (tiếng Anh Biological Safety Levels viết tắt là BSL) hoặc cấp độ bảo vệ/mầm bệnh là một tập hợp các biện pháp phòng ngừa diệt khuẩn cần thiết để cô lập các tác nhân sinh học nguy hiểm trong một phòng xét nghiệm kèm theo. Ví dụ như tủ an toàn sinh học (Biological Safety Cabinets: BSC), còn được gọi là tủ an toàn vi sinh, là không gian làm việc chuyên dụng trong phòng xét nghiệm được thiết kế để xử lý các vật liệu bị nhiễm hoặc có khả năng bị nhiễm mầm bệnh đòi hỏi mức độ an toàn sinh học cụ thể. Các mức độ ngăn chặn từ mức an toàn sinh học thấp nhất cấp 1 (BSL-1) đến cao nhất ở cấp độ 4 (BSL-4). Tại Hoa Kỳ, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã xếp hạng của các phòng xét nghiệm / cơ sở xử lý các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn và vi rút, và nguy cơ mầm bệnh tăng theo thứ tự từ 1 đến 4. An toàn sinh học cấp độ 1 Mức độ an toàn sinh học 1 (BSL-1) thích hợp cho công việc với các tác nhân có đặc tính tốt, chỉ gây ra nguy cơ tiềm ẩn ở mức tối thiểu cho nhân viên phòng xét nghiệm và môi trường. Ở cấp độ này, các biện pháp phòng ngừa được giới hạn so với các cấp độ khác. An toàn sinh học cấp độ 2 Ở cấp độ này, cần tuân thủ áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa được sử dụng ở Cấp độ an toàn sinh học 1 và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bổ sung. BSL-2 khác với BSL-1 ở chỗ: Nhân viên phòng xét nghiệm phải được đào tạo cụ thể về xử lý các tác nhân gây bệnh. An toàn sinh học cấp độ 3 An toàn sinh học cấp độ 3 thích hợp cho công việc liên quan đến vi khuẩn có thể gây ra bệnh nghiêm trọng và có khả năng gây chết người qua đường hô hấp. Loại công việc này có thể được thực hiện trong các cơ sở lâm sàng, chẩn đoán, giảng dạy, nghiên cứu hoặc sản xuất. Tại đây, các biện pháp phòng ngừa được thực hiện trong phòng thí nghiệm BSL-1 và BSL-2 phải được tuân thủ tuyệt đối, cũng như các biện pháp bổ sung như: Tất cả nhân viên phòng xét nghiệm được cung cấp dịch vụ giám sát y tế và các loại chủng ngừa liên quan (nếu có) để giảm nguy cơ nhiễm trùng ngẫu nhiên hoặc không được chú ý. Tất cả các quy trình liên quan đến vật liệu lây nhiễm phải được thực hiện trong tủ an toàn sinh học. Nhân viên phòng xét nghiệm phải mặc quần áo bảo hộ. An toàn sinh học cấp độ 4 An toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) là cấp độ cao nhất của các biện pháp phòng ngừa an toàn sinh học và thích hợp để làm việc với các tác nhân có thể dễ dàng lây truyền qua đường khí dung trong phòng xét nghiệm và gây ra bệnh nặng dẫn đến tử vong ở người mà không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị. Trong phòng xét nghiệm, nhân viên phải mặc đồ bảo hộ, tất cả công việc cũng phải được thực hiện trong tủ an toàn sinh học cấp II bởi nhân viên mặc bộ đồ áp suất dương. Để ra khỏi phòng thí nghiệm BSL-4, nhân viên phải đi qua phòng tắm hóa chất để khử nhiễm, sau đó là phòng tháo bộ quần áo áp suất dương, cuối cùng là phòng tắm cá nhân. Tại Việt Nam, ở Nghị định 103/2016/NĐ-CP quy định về đảm bảo an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm được chính phủ ban hành. Tài liệu tham khảo: Richmond JY, McKinney RW (1999). Richmond JY, McKinney RW (biên tập). Biosafety in Microbiological and Biomedical Laboratories (ấn bản 4). ISBN 0-7881-8513-6. TS Trần Thị Thanh Huyền Giảng viên khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học

BẠN CÓ BIẾT TUYẾN ỨC KHÔNG?

Trong Khoa MT, bạn sẽ được nghiên cứu về các cơ quan bạch huyết. Các cơ quan sản xuất ra tế bào lympho bao gồm tủy xương và tuyến ức. Lần này, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn về tuyến ức. Tuyến ức là một mô chuyên biệt bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của các chất lạ và chấn thương, và là cơ quan sản xuất tế bào lympho. Tế bào lympho chiếm 25 ~ 35% tế bào bạch cầu. Tuyến ức nằm ở mặt sau xương ức, phía trước tim, và có hình dạng như một chiếc lá cây. Các tế bào tiền thân tế bào lympho T có nguồn gốc từ tủy xương tồn tại và trở thành tế bào lympho T trưởng thành sau khi tăng sinh tích cực và được đưa đến hệ thống mạch máu. Một số tế bào lympho T trưởng thành trong tuyến ức trở thành tế bào sát thủ T (Killer T) hoạt động trên các tế bào bị nhiễm virus và tiêu diệt chúng. Tuyến ức tự phát triển tốt từ thời kỳ phôi thai đến tuổi dậy thì. Nhưng sau đó, nó dần dần thoái hóa. Ở độ tuổi lớn hơn, hầu hết nó trở thành mô mỡ. Hình minh họa (1) cho thấy vị trí và hình dạng của tuyến ức. Hình ảnh hiển vi (2) cho thấy một tập hợp các tế bào lympho Tại sao chúng ta cần biết về cấu trúc như vậy? Cấu trúc sẽ thay đổi theo bệnh, và để hiểu được những thay đổi, chúng ta cần phải hiểu trạng thái bình thường của tuyến ức. Trong khoa MT, chúng tôi nghiên cứu cấu trúc của các tổ hợp như vậy. Bạn có muốn cùng nhau nhìn thấy những điều kỳ diệu của các tổ hợp này không? Nó có vẻ khá khó, nhưng hãy yên tâm rằng chúng tôi sẽ dạy bạn cẩn thận từng chút một. Nếu bạn quan tâm, hãy đến và ghé thăm THUV nhé! Tác giả: Thạc sĩ Yuko Nakai phụ trách bộ phận MT. Cô có bằng cấp về máy sàng lọc chuyên tìm kiếm các tế bào ung thư. Hãy cùng cô học về xét nghiệm và nghiên cứu thế giới vi mô!

Bạn Có Muốn Học Tập Tại Khu Đô Thị Xanh Lớn Nhất Miền Bắc?

Bạn Có Muốn Học Tập Tại Khu Đô Thị Xanh Lớn Nhất Miền Bắc? Nguồn: Tổng hợp Chào các bạn, Hôm nay tôi xin được giới thiệu về trải nghiệm sống tại Ecopark – nơi trường Đại học Y khoa Tokyo tọa lạc. Tôi cùng gia đình chuyển về sống tại khu đô thị Ecopark vào năm 2015 sau một thời gian dài sống tại nội thành Hà Nội. Điều khiến tôi quyết định lựa chọn Ecopark đó là ấn tượng bởi một khu đô thị nhiều cây xanh nhất mà tôi từng có dịp đến vì thế không khí của Ecopark cũng trong lành hơn hẳn nơi thành phố đông đúc. Ban đầu tôi chỉ nghĩ rằng sẽ sống thử tại nơi này 2-3 năm xem có thực sự phù hợp với bản thân và gia đình không và nếu không phù hợp thì sẽ tìm một nơi nào đó khác. Nhưng thật khó tin là đã chuẩn bị bước sang năm thứ 8 sống tại Ecopark nhưng tôi không hề có ý định sẽ chuyển tới sống ở một nơi khác mà định sẽ gắn bó lâu dài với nơi này. Có lẽ tôi không cần phải nói quá nhiều về số lượng cây xanh ở Ecopark, những công viên, hồ nước hay cả những giải thưởng lớn trong nước cũng như khu vực liên quan đến thiết kế cảnh quan khu đô thị dành cho Ecopark thì các bạn vẫn dễ dàng tìm được thông tin trên internet. Nhưng điều mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tác dụng của việc có cơ hội sống giữa thiên nhiên trong lành. Trước hết đó là sức khỏe thể chất được cải thiện đáng kể. Và khi sức khỏe thể chất tốt hơn tinh thần của chúng ta cũng sẽ tốt hơn. Từ ngày về sống tại Ecopark, tôi thấy mình sống chậm hơn, có thêm nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống. Mỗi ngày của tôi đều bắt đầu bằng việc chạy bộ 30 phút quanh những công viên, hồ nước ở Ecopark. Cuối ngày tôi đều đi dạo ở một số địa điểm mình yêu thích, ngẫm nghĩ về một ngày đã qua và những kế hoạch cho ngày hôm sau. Cuối tuần, tôi luôn chào đón bạn bè, họ hàng từ khắp nơi đến Ecopark đi dã ngoại hoặc tổ chức những party nhỏ tại nhà. Cứ như vậy, cuộc sống của tôi không có nhiều thăng trầm nhưng luôn tràn ngập năng lượng và niềm vui. Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (THUV) là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam với 100% vốn đầu tư của Nhật Bản với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cung cấp dịch vụ y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trường được xây dựng tại khu đô thị Ecopark với diện tích hơn 3 ha. Học tập tại THUV ngoài việc được đào tạo tiếng Nhật, các môn học chuyên ngành về Y học, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội được trải nghiệm môi trường sống tại Ecopark với rất nhiều địa điểm check in cực xịn, không khí trong lành, có nhiều không gian để rèn luyện thể dục thể thao. Hẳn bạn sẽ có rất nhiều trải nghiệm thú vị khi học tại một ngôi trường đặt trong khu đô thị hiện đại nhưng vẫn tràn ngập màu xanh. Chúng tôi đang chờ đón bạn tại THUV. Đỗ Thị Mai – Giảng Viên Khoa Tiếng Nhật Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam

Phân loại rác – Việt Nam nhìn từ “Mục tiêu phát triển bền vững”

Lần này tôi sẽ giới thiệu với các bạn một chủ đề gần gũi có liên quan đến sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật Bản nhìn từ mục tiêu phát triển bền vững, đó là “Phân loại rác”. Công việc trước đây của tôi là điều phối viên tại một cơ quan đào tạo và phái cử tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Khi đó, một trong những thứ tôi đã dạy trong các buổi định hướng cho tu nghiệp sinh trước khi sang Nhật Bản là “Phân loại rác”. Ở Nhật Bản, việc phân loại rác được tiến hành rất nghiêm ngặt. Ví dụ, ở Nagoya, quê hương tôi, có các loại rác là rác cháy được, rác không cháy được, nhựa, chai, lon, giấy, báo, pin, vật nguy hiểm, rác cỡ lớn. Hiện nay, tôi đang sống ở Ecopark nhưng ở đây chỉ có hai thùng thu gom rác là rác tái chế và rác không phải là rác tái chế. Nếu như vậy thì có lẽ sau khi được thu gom, nhân viên thu dọn rác sẽ phân loại nhưng người vứt rác chỉ cần cho hết rác vào một túi nên sẽ không tốn thời gian, công sức. Ngày xưa ở Nhật Bản moi người cũng vứt rác theo kiểu như vậy. Năm 1999, ở Nagoya đã đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về rác và việc phân loại rác đã được tiến hành rộng rãi. Từ khi có tuyên bố này, rác vứt ra được quy định theo thứ trong tuần, và mọi người phải sử dụng túi đựng rác chuyên dụng có phí. Gần đây, ở các siêu thị của Việt Nam việc sử dụng túi đựng đồ mua sắm được khuyến khích nhưng ở Nhật nếu những đồ mình đã mua được bỏ vào túi nilon thì sẽ bị tính phí. Nhờ thói quen này, khi đi chợ mua đồ ở Việt Nam, tôi đều sử dụng lại hộp đựng trứng, còn đậu phụ thì tôi sẽ đem theo đồ để bỏ vào. Với rau và hoa quả thì đương nhiên là tôi sẽ cho vào túi đựng đồ mua sắm. Những người ở chợ khá ngạc nhiên với điều này (bây giờ thì có lẽ họ đã quen rồi) nhưng sự thay đổi hành vi phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Tôi nghĩ rằng chắc chắn trong tương lai gần, sẽ đến ngày mà ở Việt Nam cũng có những giới hạn đối với việc sử dụng túi nilon. Vì thế với tâm trạng của một người tiên phong, tôi đang hành động vì nghĩ đến tương lai của trái đất. Nhờ vào việc phân loại rác, mà tài nguyên được tái sử dụng, dẫn đến việc tận dụng hiệu quả tài nguyên hữu hạn. Kết quả là lượng rác thải sẽ giảm đi, năng lượng cần thiết cho xử lý rác cũng sẽ giảm, dẫn đến giảm khí thải nhà kính và lượng phát sinh các chất độc. Tiếp đó, nhờ vào phân loại rác đúng cách, tái sử dụng tài nguyên mà vấn đề mà rác thải nhựa gây ra như ô nhiễm đại dương và ảnh hưởng đến hệ sinh thái sẽ được giảm thiểu. Như vậy các mục tiêu phát triển bền vững gồm: “Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm (Mục tiêu số 12)”, “Xây dựng thành phố và cộng đồng bền vững (Mục tiêu số 11)”, “Bảo tồn tài nguyên và môi trường biển” (Mục tiêu số 14) sẽ đạt được. Thế thì chẳng phải là thật tuyệt vời hay sao? Nếu muốn biết chi tiết hơn, các bạn có thể xem trên trang chủ của Liên hợp quốc https://sdgs.un.org/goals, ngoài ra cũng có nhiều website giải thích khá dễ hiểu về điều này, các bạn hãy thử tìm kiếm xem sao nhé. Từ hôm nay, với tư cách là một thành viên của trái đất, hãy hành động để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Nếu có thể biết rằng những điều hiển nhiên thường ngày lại không phải là hiển nhiên thì chúng ta sẽ có cơ hội để biết về nhiều nước khác nhau và có thể so sánh với nhau. Các bạn có muốn mở mở rộng hiểu biết của mình thông qua việc học ở THUV – một trường đại học gần gũi với Nhât Bản được đặt tại Việt Nam không? Bảng hướng dẫn phân loại rác của Nhật Trong đó sẽ quy định loại rác nào vứt vào thứ mấy, ngày nào trong tháng SUGAWARA JUNKO Trưởng Phòng Hành Chính Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam “Qua chín năm sống ở nước ngoài, tôi nhận thức sâu sắc rằng “học vấn dựng nước”. Tại THUV, chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để hỗ trợ các em học sinh, những người sẽ mở ra tương lai của trái đất”

BẠN BIẾT GÌ VỀ TUYẾN NƯỚC BỌT

Tại khoa kỹ thuật xét nghiệm y học, bạn sẽ được học về hệ tiêu hóa. Khoang miệng là lối vào của hệ thống tiêu hóa. Hệ thống tuyến nước bọt ở người nằm xung quanh vùng khoang miệng, đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của chu trình xử lý thức ăn. Có rất nhiều tuyến nước bọt, gồm các tuyến nước bọt chính và các tuyến nước bọt phụ. Tuyến nước bọt phụ là những tuyến nước bọt có kích thước rất nhỏ, nằm rải rác ở niêm mạc miệng, tập trung nhiều ở môi dưới, hai bên lưỡi và dưới lưỡi, có vai trò liên tục tiết nước bọt để giữ ẩm cho khoang miệng. Có 3 cặp tuyến nước bọt chính: ⓵Tuyến mang tai – 耳下腺 – parotid gland ②Tuyến dưới hàm – 顎下腺 – submandibular gland ③Tuyến dưới lưỡi – 舌下腺 – sublingual gland Tuyến mang tai: là tuyến lớn nhất, là tuyến nước bọt tiết thanh dịch, ống tiết là ống Stenon, chạy ở mặt ngoài cơ cắn, đổ vào miệng ở mặt trong má tương ứng vị trí răng số 7 hàm trên. Tuyến nước bọt hoạt động nhờ sự cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Kích thích hệ giao cảm và phó giao cảm đều làm tăng tiết nước bọt. Do đó, bạn chỉ cần nhìn, ngửi hoặc thậm chí tưởng tượng về thức ăn sẽ tạo các kích thích tiết nước bọt. Ví dụ nghĩ đến chanh khiến bạn chảy nước miếng, bởi vì thần kinh chi phối tuyến nước bọt chính của bạn đang bị kích thích. Nước bọt chứa chủ yếu là nước (99%) và phần còn lại là protein (enzym), chất nhầy, globulin miễn dịch (IgA) và chất điện giải. Con người tiết khoảng 1 lít nước bọt mỗi ngày. 70% thể tích nước bọt chưa bị kích thích được sản xuất ở tuyến dưới hàm, 20% ở tuyến mang tai. Khi được kích thích thì % thể tích đóng góp của tuyến nước bọt dưới hàm sẽ bị giảm xuống và đồng thời % đóng góp của tuyến nước bọt mang tai sẽ tăng lên. Nước bọt giữ ẩm cho khoang miệng và giữ khoang miệng sạch nhờ các thành phần kháng khuẩn. Trong bữa ăn, nước bọt tiết ra một loạt các enzyme (amylase, lipase, lysozyme) và các chất hỗ trợ tiêu hóa và khử trùng. Hình minh họa ① cho thấy vị trí của tuyến nước bọt. Hình minh họa ② là hình ảnh mô học của tuyến nước bọt dưới kính hiển vi. Như vậy, tại sao chúng ta cần biết cấu trúc tổ chức của tuyến nước bọt? Đó là do cấu trúc thay đổi tùy theo bệnh, và để hiểu được những thay đổi đó trước tiên chúng ta cần phải biết trạng thái bình thường của tuyến nước bọt. Tại khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học, bạn sẽ được học về cấu trúc của tổ chức cơ thể người như vậy. Bạn có muốn cùng tôi nhìn thấy điều bí ẩn trong các tổ chức cơ thể con người không? Mặc dù bạn có thể cảm thấy môn học này khó, nhưng đừng lo lắng tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước một. Nếu bạn có hứng thú, hãy đến thăm và trải nghiệm tại trường đại học y khoa Tokyo Việt Nam. Tác giả: Thạc sĩ Nakai Yuko Giảng viên khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học. Cô có bằng cấp về sàng lọc, tìm tế bào ung thư tại Nhật Bản. Hãy cùng nhau học về xét nghiệm và thế giới vi mô.