Nhật ký giảng viên

GIỚI THIỆU VĂN HÓA NHẬT BẢN TRANH CUỘN

Thẩm mỹ là một phần quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Sự ưa chuộng cái đẹp được thể hiện ở nhiều khía cạnh trong đời sống người Nhật. Nhắc đến thẩm mỹ, không thể không kể đến hội họa. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về tranh cuộn. Tranh cuộn là gì? Các bạn đã từng nhìn thấy bức tranh này chưa? Đây là một bức tranh cổ của Nhật Bản gọi là tranh về muông thú. Bức tranh này thật đáng ngạc nhiên là đã hơn 800 năm tuổi, được cho là vẽ vào hậu kỳ thời Heian của Nhật Bản. Trong số những bức tranh cuộn còn lại đến hiện nay thì đó là một trong những vật cổ nhất, và được coi là quốc bảo. Emakimono (Tranh cuộn) là một loại tranh Nhật Bản được tạo ra bằng cách nối các mảnh giấy hoặc lụa để tạo ra một bức tranh kéo dài theo chiều rộng về một khung cảnh liên tục có thể nhìn từ phải sang trái. Chúng ta sẽ giữ cuộn giấy bằng tay trái và mở cuộn tranh, sau đó cuộn bức tranh đã xem xong lại bằng tay phải. Bức tranh cuộn nổi tiếng – Tranh muông thú Bạn đã từng nhìn thấy tranh cuộn trong các bộ phim anime về Ninja chưa? Thực ra tác giả của tranh muông thú không rõ ràng, vẫn không thể biết ai đã vẽ nó. Tôi đã nhìn thấy tranh thật tại một bảo tàng ở Tokyo. Tôi đã rất bất ngờ. Đó là bởi vì mặc dù nó là tác phẩm cách đây hơn 800 năm nhưng những con vật được phác họa trong đó sống động đến mức trông như thể sắp bay ra từ cuộn tranh. Tranh muông thú bao gồm bốn cuộn: Giáp Ất Bính Đinh. Trong đó nổi tiếng nhất là cuộn Giáp. Nó được vẽ bằng một màu mực đen. Tổng chiều dài của nó là khoảng 11,5m. Trong cuộn Giáp, có nhiều cảnh như thỏ, ếch và khỉ xuất hiện và chúng chơi đùa bằng cách nhảy xuống sông, đấu sumo, chơi cung tên và thậm chí rượt đuổi nhau, giống như những đứa trẻ thời đó. Hãy chú ý đến biểu cảm của các loài động vật. Có nhiều cảnh chúng cười đùa vui vẻ. Ví dụ, trong trận đấu sumo giữa thỏ và ếch, con ếch dùng chiêu xấu và cắn vào tai thỏ. Sau đó, ếch thắng nhưng bạn có thể thấy những chú ếch xung quanh đang cười lớn. Hôm nay tôi đã giới thiệu với các bạn tranh cuộn Nhật Bản. Các bạn hãy quan sát thế giới quan của tranh cuộn Nhật Bản nhé. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ có những khám phá mới, chẳng hạn như sự khác biệt về văn hóa với Việt Nam và sự khác biệt về cách thể hiện trong hội họa.  Tác giả: Aoki Etsuko Giảng viên Tiếng Nhật

Giới thiệu văn hóa Nhật Bản: Lễ hội búp bê

Sau đây là series tìm hiểu văn hóa Nhật Bản qua các lễ hội. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Lễ hội búp bê Lễ hội búp bê Lễ hội búp bê là gì Nguồn gốc Lễ hội búp bê Ở Nhật Bản, Lễ hội búp bê được tổ chức vào ngày 3 tháng 3. Đó là một lễ hội truyền thống còn có tên là Momo no Sekku. Lễ hội búp bê là lễ hội dành cho các bé gái. Búp bê Hina được trang trí để cầu mong sức khỏe, hạnh phúc cho các bé gái. Nguồn gốc lễ hội búp bê Tương truyền rằng búp bê Hina bảo vệ trẻ em khỏi bệnh tật và tai nạn. Ngày xưa, người ta làm búp bê Hina bằng giấy và thả trôi sông để chúng mang đi những thứ không tốt, chẳng hạn như bệnh tật hoặc thương tật. Gần đây, người ta tạo ra búp bê Hina dùng để trang trí hằng năm vào dịp lễ hội này. Búp bê Hina đại diện cho lễ cưới của một người có địa vị cao diễn ra khoảng 1.000 năm trước. Búp bê mặc kimono vì ngày xưa, người Nhật mặc kimono. Mô tả lễ hội búp bê Ở tầng trên cùng là Dairi-sama (chồng) và Hina-sama (vợ). Ở tầng thứ hai từ trên xuống có ba búp bê nữ. Họ là người chăm sóc và dạy dỗ Hina-sama. Ở tầng thứ 3 là 5 nhạc công. Họ có sáo và trống. Ở tầng thứ 4 là “Hữu đại thần” và “Tả đại thần”. Búp bê nam bên phải là vệ sĩ. Ông già bên trái là một nhà thông thái đóng vai trò thủ tướng. Tầng thứ 5 đựng giày dép, dụng cụ vệ sinh, v.v. (Các loại dụng cụ đa dạng và chúng có thể khác nhau.) Tầng thứ 6 là tủ đựng đồ, dụng cụ may vá, gương, lò than (dùng trong ngày lạnh), v.v. Tầng thứ 7 dùng để đựng kiệu, xe, dụng cụ pha trà khi đi ra ngoài.) v.v.  Tìm hiểu văn hóa Nhật Bản qua lễ hội búp bê tại THUV Tại Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam chúng tôi cũng giới thiệu với sinh viên về văn hóa Nhật Bản qua các sự kiện. Hôm nay tôi đã giới thiệu một trong những lễ hội của Nhật Bản đó là Lễ hội Búp bê. Có rất nhiều lễ hội truyền thống khác ở Nhật Bản. Ở Việt Nam có những lễ hội truyền thống nào? Có lễ hội nào tương tự như ở Nhật Bản không? Có khác biệt như thế nào? Thật thú vị khi so sánh các lễ hội của nhau. Lần tới tôi sẽ giới thiệu những lễ hội khác của Nhật Bản. Các bạn hãy cùng đón xem nhé.  Tác giả: Aoki Etsuko Giảng viên Tiếng Nhật

Tảo cầu Marimo

Hôm nay tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một loại Tảo cầu rất dễ thương tên Marimo. 1. Giới thiệu về Tảo cầu Marimo Tảo dạng sợi sống trong hồ tập hợp lại với nhau tạo thành hình cầu, gọi là Tảo cầu Marimo. Hình cầu trong Tiếng Nhật gọi là Mari. Các sợi tảo tạo thành hình cầu, do đó tên gọi Marimo ra đời. Marimo ban đầu có kích thước nhỏ, nhưng khi lăn tròn dưới đáy hồ, kích thước của nó dần dần tăng lên. “Marimo” lớn có thể đạt tới hơn 30 mét! ! Bạn có thể mua “Marimo” kích thước nhỏ (khoảng 1-5 cm) qua các kênh bán hàng trực tuyến. 2. Tìm Tảo cầu Marimo ở đâu? “Marimo” được cho là có nguồn gốc từ Nhật Bản. Những loài chim di cư đến những vùng lạnh giá của Nhật Bản, ăn marimo và mang chúng đến những vùng lạnh giá khác trên thế giới. Hiện nay Marimo cũng được tìm thấy ở Iceland, Bắc Âu, Nga và Bắc Mỹ. Ở Nhật Bản, nơi có nhiều Marimo sinh sống là đáy hồ Akan ở Hokkaido. Nếu bạn đi thuyền ngắm cảnh trên Hồ Akan và đến một nơi tên là Đảo Chuurui, bạn sẽ tìm thấy Bảo tàng Marimo, nơi bạn có thể nhìn thấy Marimo. Nếu bạn đến Nhật Bản, hãy đến gặp Marimo tại Hồ Akan ở Hokkaido nhé. Chúng rất đáng yêu đấy. 3. Bảo tàng Marimo trên đảo Chuurui Thực chất kem không có vị “Marimo”. Có thể nó có vị của trái cây? Tác giả: Hiroko Sato Trưởng phòng đào tạo    

Gian Hàng Từ Thiện “Trạm: Tết Yêu Thương”

Nằm trong chuỗi sự kiện gây quỹ ủng hộ cho những đối tượng thiếu may mắn tại Trung Tâm Bảo Trợ Và Công Tác Xã Hội Tỉnh Hưng Yên có một cái Tết 2024 an lành và đầy đủ, ngày 28/1/2024 vừa qua Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam đã tổ chức Gian Hàng Từ Thiện với nhiều mặt hàng gia dụng hữu ích, góp phần xây dựng thói quen mua sắm thân thiện với môi trường, đồng thời đóng vai trò như một phương thức quyên góp từ thiện dành cho quý cư dân tại khu vực Ecopark và các địa phận xung quanh. Giai đoạn 1 Từ 10/1-26/1 Gian hàng từ thiện là một hoạt động ý nghĩa nằm trong chương trình Trạm: Tết Yêu Thương đầy ý nghĩa đã khép lại. Từ 10/1-26/1 các vật dụng quyên góp từ cán bộ, nhân viên, sinh viên đã được bày trí làm thành Gian hàng từ thiện mở cửa tự do. Các sản phẩm gia dụng, quần áo nội địa Nhật với chất lượng tốt , giá rẻ hi vọng sẽ trở nên hữu dụng trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới của các hộ gia đình. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán hàng, BTC sẽ quyên góp cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hưng Yên. Trong ngày 28/1/2024, quý khán giả của Hội thảo sức khỏe: Bệnh Tim Mạch Và Bệnh Thận không chỉ mang về các kiến thức hữu ích, được giải đáp các thắc mắc từ những chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Kusumi mà còn được tham gia mua hàng tại Gian hàng từ thiện. Trải nghiệm hai trong một này đã được nhiều người tham gia hưởng ứng nhiệt tình và bày tỏ mong muốn được thông báo về các sự kiện diễn ra tiếp theo. Ban tổ chức hết sức cảm ơn những nhà hảo tâm đã không quản cái lạnh khắc nghiệt của thời tiết, tham gia sự kiện tích cực, mang đến những góp ý mang nhiều tính xây dựng. Giai đoạn 2 (28/1-30/1) Hiện vật quyên góp sẽ được gửi trực tiếp tới Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội Hưng Yên. Hành trình Trạm: Tết đến cho 95 hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã đi được một nửa chặng đường với thật nhiều cảm xúc. Trường Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam và Bệnh Viện Kusumi đã nhận được rất nhiều sự yêu thương, ủng hộ, động viên từ rất nhiều tấm lòng nhân ái. Cán bộ, nhân viên công ty mang trong mình sự nhiệt huyết, luôn tâm niệm rằng những hành động nhỏ hướng tới một mục đích lớn lao có thể tạo nên một tác động lớn, giúp ích cho cộng đồng. “Vì một cánh én nhỏ không thể làm nên mùa xuân”, hãy chung tay xây dựng một cộng đồng tử tế, giàu yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.  Mời quý độc giả cùng xem lại những khoảnh khắc THÔNG TIN CHƯƠNG TRÌNH: Thời gian: 02/02/2024 Địa điểm: Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh Hưng Yên Liên hệ: 0869 809 088

Oden-Món Ăn Mùa Đông Đặc Trưng Của Ẩm Thực Nhật Bản Có Thể Bạn Chưa Biết

1.Giới thiệu về món Oden Oden- món ăn có hình thức khá giống với món lẩu nhưng cách chế biến lại tương tự các món hầm với hương vị ngọt thanh, đây là món ăn truyền thống tạo nên nét văn hóa khi thời tiết bắt đầu xuất hiện các cơn gió lạnh ,nó được bán ở các quầy hàng trên các con phố, từ trong các nhà hàng sang trọng đến các cửa hàng tiện lợi…trên khắp đất nước Nhật Bản. Oden Nhật Bản có lịch sử ra đời khá lâu đời bởi món này xuất hiện từ Nhật Bản cách đây hơn 800 năm. Tuy nhiên, ngày xưa cách chế biến ban đầu của Oden khá đơn giản. Thế nhưng, trải qua thời gian dài phát triển thì món Oden truyền thống này bắt đầu có nhiều thay đổi tích cực. Oden ngày nay sử dụng nhiều nguyên liệu đa dạng hơn, cách chế biến cũng thay đổi đáng kể khiến cho món ăn này trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều lần.  Oden bắt đầu được bán nhộn nhịp ở Nhật Bản từ tháng 9, tháng 10 hàng năm. Vì lúc này thời tiết bắt đầu chuyển lạnh nên người Nhật Bản có xu hướng tiêu thụ các món ăn giúp ấm người và Oden là một lựa chọn hoàn hảo. 2. Hương vị Oden Oden bao gồm 2 phần : Nước dùng và các món ăn trong lẩu Nước dùng Oden :Thường được làm từ dashi (nước dùng cá ngừ, tảo kombu) và được gia vị bằng mirin, sake, và nước tương. Nước dùng này thường có hương vị đậm đà, ngọt, và có chút muối. Nước dùng này có màu sắc tương tự nước tương; nhưng nhạt hơn, vị thanh khiết chứ không quá đậm đà như các loại nước lẩu. Do các nguyên liệu được hầm lâu trong nước dùng nên nước dùng càng có vị ngọt thanh. Các món ăn trong lẩu : Mỗi gia đình và tùy vào vùng miền khác nhau  thì nguyên liệu của món Oden có thể thay đổi đôi chút, và người Nhật thường thích sáng tạo và điều chỉnh thành phần theo sở thích cá nhân .Tuy nhiên, người Nhật vẫn ưu tiên các loại thực phẩm phù hợp cho mùa đông giúp người ăn cảm giác ấm người lên tức thì như đậu phụ, củ cải trắng, trứng luộc, bạch tuộc, gân bò, thịt lợn, thịt bò, thịt bọc trong đậu phụ, các loại chả cá, nấm, bắp cải cuộn, khoai tây… Đây là hình ảnh món Oden mà mình đã đi ăn tại một quán trong thành phố Osaka 3. Oden và một số món ăn đi kèm Người Nhật thường ăn món lẩu Oden này với mù tạt để tăng thêm vị nồng và dậy mùi món ăn. Bên cạnh đó lẩu Oden hay được kết hợp cùng rượu sake. Hương vị cay nồng của rượu kết hợp với lẩu Oden làm cho cái lạnh giá mùa đông ở Nhật trở nên ấm áp hơn. 4. Giá trị tinh thần của Nhật Bản Oden không chỉ là một món ăn mà nó còn là một phần của văn hóa và tinh thần Nhật Bản. Khi chuẩn bị và chế biến món ăn này, mọi thứ phải được sắp xếp gọn gàng, mỗi thành phần cũng được chọn lựa và xử trí cẩn thận tương tự với tính cách của người Nhật. Quầy bán Oden thường là một khay to có rất nhiều ngăn nhỏ bên trong. Mỗi ngăn như vậy sẽ là một nguyên liệu khác nhau. Do đó, ưu điểm khi mua món Oden thì khách hàng có thể yêu cầu bất cứ nguyên liệu nào mà mình thích chứ không bắt buộc phải mua tất cả. Đến với Nhật Bản- cảm giác thưởng thức Oden ấm nóng ngay tại quầy ăn bên đường mang lại trải nghiệm thú vị hơn cho người ăn nên các quầy Oden ngoài trời lạnh lúc nào cũng đông khách. Tôi còn nhớ những ngày đông khi còn ở Nhật, ngày nghỉ đi chơi cùng bạn bè, ngoài trời -1,-2 độ không đếm được biết bao nhiêu lần mấy đứa rủ nhau ghé quán oden ven đường ngồi ăn chống đói và húp bát nước dùng ngọt thanh ấm nóng-một vị đăc trưng không lẫn đi đâu được. Nếu có cơ hội đến với xứ xở hoa anh đào ,bạn nhất định hãy thưởng thức món ăn này nhé. Khi nhìn các nguyên liệu Oden đa dạng thế này, nếu khó lòng để lựa chọn xem ăn gì, lời khuyên là hãy thử mỗi món một ít mới đã cơn thèm bạn nhé. Tác giả: Chu Thị Quyến Khoa Điều Dưỡng Ngành Điều dưỡng

Tia hoàng hôn ngược /Anticrepuscular Rays

Chiều tối ngày 5/9, bầu trời chia làm hai màu là màu cam và màu xanh. Tôi dừng xe lại và chụp ảnh. Ở Nhật Bản, những hình dạng bất thường của bầu trời và mây thường được cho là dấu hiệu của một trận động đất. Một thảm họa nào đó có thể sắp xảy ra! Tôi lo sợ nên vội mua một bình chữa cháy gia dụng để có thể đối phó khi có động đất và hỏa hoạn. Tuy nhiên, sau này khi tìm hiểu, tôi hiểu ra rằng đó là một hiện tượng tự nhiên gọi là “tia phản hoàng hôn”. “Tia phản hoàng hôn” còn được gọi là ”tia hoàng hôn ngược” xảy ra khi độ ẩm cao vào mùa hè, bầu trời sẽ có màu này do ánh sáng mặt trời xuyên qua các đám mây. Ngày xưa, khi chưa rõ nguyên nhân, người ta sợ hãi, nói những điều như “Đức Phật giáng trần” hay “dấu hiệu tai họa”. Con người rất lo lắng về những điều không rõ nguyên nhân, nhưng trong thời hiện đại, khi khoa học phát triển và nhiều hiện tượng khác nhau đã được làm sáng tỏ, cho phép chúng ta có thể yên tâm sống. Tuy nhiên, bạn cũng nên chuẩn bị đề phòng trường hợp thảm họa xảy ra vào bất cứ lúc nào. Trường Đại học Y Khoa Tokyo Việt Nam là trường đại học nơi các bạn có thể học về y khoa Nhật Bản. Chúng tôi tuyển sinh các khoa gồm: Khoa Điều dưỡng, Khoa Kỹ thuật phục hồi chức năng, Khoa Kỹ thuật hình ảnh Y học và Khoa Kỹ thuật xét nghiệm Y học. Chúng tôi chờ đón bạn đến với trường chúng tôi. Tác giả: Hiroko Sato Trưởng Phòng Đào Tạo Trường Đại Học Y Khoa Tokyo Việt Nam

SINH VIÊN ĐIỀU DƯỠNG THUV NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Nghiên cứu khoa học trong ngành Điều dưỡng ở Việt Nam còn chưa phổ biến. Có rất ít các nghiên cứu điều dưỡng được tiến hành và xuất bản hàng năm. Nhật Bản là một nước có nền y học hiện đại, ngành Điều dưỡng phát triển. Người điều dưỡng của Nhật Bản đã tiến hành nghiên cứu từ rất xa xưa và có nhiều nghiên cứu có ý nghĩa lớn. Sau thời kỳ chiến tranh và xây dựng lại đất nước, nghiên cứu Điều dưỡng ở Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển sau năm 1970. Năm 2005, cuốn sách Nghiên cứu Điều dưỡng đầu tiên của tác giả Phạm Đức Mục và cộng sự đã được nhà xuất bản Y học phát hành. Từ năm 2006, môn học Nghiên cứu điều dưỡng lần đầu tiên được chính thức đưa vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo điều dưỡng bậc đại học. Sau hàng loạt nỗ lực biên soạn tài liệu và đào tạo về Nghiên cứu điều dưỡng, Hội Điều dưỡng Việt Nam (VNA) đã quyết định tổ chức Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ nhất vào tháng 5/2002. Kể từ đó, các hội nghị tiếp theo được tổ chức đều đặn 2 năm 1 lần. Hội nghị lần thứ X vừa được tổ chức ngày 21 tháng 10 năm 2022 tại Hà Nội. Nghiên cứu Điều dưỡng có một vai trò cấp thiết và cần ưu tiên phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Vì chỉ có nghiên cứu mới tạo ra kiến thức mới, Cải tiến và nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc và tăng giá trị nghề nghiệp. Nghiên cứu còn giúp Tăng cường hiệu suất và hiệu quả chi phí. Tại trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, chúng tôi có giảng dạy nghiên cứu Điều dưỡng cho sinh viên ngành Điều dưỡng. Học phần này giúp sinh viên có thể tiến hành được một nghiên cứu điều dưỡng. Sinh viên năm thứ 3 đã được học về nghiên cứu điều dưỡng. Lớp học sẽ được chia thành các nhóm nhỏ. Mỗi nhóm sẽ thực hiện một đề cương nghiên cứu với các chủ đề về Điều dưỡng dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Một buổi bảo vệ đề cương nghiên cứu của Sinh viên dưới dự nhận xét và phản biện của các thầy cô. Các bạn có muốn học về nghiên cứu Điều dưỡng không? Hãy gia nhập THUV để được trải nghiệm nhé ! Tác giả: Th.BS Nguyễn Trọng Nghĩa Khoa Điều dưỡng Ngành Điều dưỡng

Kiểm soát chất lượng xét nghiệm và ứng dụng của thống kê y học

Phân tích định lượng trong các xét nghiệm lâm sàng đòi hỏi phải xác định chính xác nồng độ của một thành phần nhất định có trong mẫu sinh học. Vì các xét nghiệm lâm sàng được sử dụng trong lĩnh vực y tế nên tốc độ xét nghiệm là rất cần thiết, mặt khác, kết quả xét nghiệm đáng tin cậy cũng cần thiết vì dựa trên kết quả xét nghiệm có thể định hướng điều trị hoặc xác định chẩn đoán. Kiểm soát chất lượng trong lĩnh vực xét nghiệm lâm sàng là một phương pháp quản lý được áp dụng để duy trì chất lượng xét nghiệm ổn định bất chấp những mâu thuẫn này. Kết quả xét nghiệm có độ tin cậy cao là một phần của việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế đáng tin cậy. Các mẫu sinh học được sử dụng trong các xét nghiệm lâm sàng hàng ngày là chất dịch cơ thể như máu và nước tiểu, và nồng độ của các thành phần có trong đó không được xác định cho đến khi có kết quả phân tích. Hoàn toàn không thể biết ngay tại chỗ kết quả định lượng nồng độ chưa biết này sẽ chính xác đến mức nào hoặc sai số sẽ lớn ra sao. Mục tiêu của xét nghiệm lâm sàng là thu được kết quả trong phạm vi sai số có thể chấp nhận được trong phân tích một lần. Độ chính xác trong xét nghiệm đề cập đến mức độ biến đổi khi cùng một mẫu được đo nhiều lần bằng cùng thiết bị đo và cùng thuốc thử. Điều này liên quan đến trách nhiệm kiểm soát chất lượng của kỹ thuật viên xét nghiệm phụ trách đo lường. Nội kiểm tra chất lượng (Internal Quality Control – IQC) gọi tắt là nội kiểm, là công cụ kiểm tra chất lượng hàng ngày trong nội bộ một phòng xét nghiệm, được thực hiện bởi nhân viên phòng xét nghiệm nhằm đánh giá liên tục các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng xét nghiệm. Khi kết quả nội kiểm nằm ngoài giới hạn kiểm soát, phòng xét nghiệm phải tìm ra nguyên nhân có thể gây sai số như: tình trạng thiết bị, hóa chất thuốc thử, chất lượng mẫu nội kiểm, thao thác thực hiện của nhân viên,… và khắc phục sự cố trước khi thực hiện xét nghiệm trên mẫu bệnh phẩm. Các phương pháp kiểm soát chất lượng được sử dụng ngày nay trong lĩnh vực xét nghiệm lâm sàng đều dựa trên lý thuyết xác suất làm lý thuyết cơ bản. W.A. Shewhart, người sáng lập ra phương pháp biểu đồ kiểm soát đã nói rằng: “Công việc của tôi trong hơn 35 năm là nghiên cứu về kiểm soát chất lượng. Điều tôi nhận ra qua công việc này là mọi giá trị đo được chỉ mang tính xác suất. Không có điều gì chắc chắn cả.” Tại Nhật Bản, phương pháp biểu đồ kiểm soát chất lượng được sử dụng phổ biến nhất trong xét nghiệm y học, đó là biểu đồ kiểm soát Xbar-R (hoặc biểu đồ kiểm soát Xbar-Rs-R).    “Xbar” biểu thị giá trị trung bình của các mẫu QC được đo vào ngày hôm đó và giá trị này thể hiện “độ chính xác”.    “R” biểu thị sự khác biệt giữa giá trị tối đa và tối thiểu của các mẫu QC được đo vào ngày hôm đó và thể hiện “độ chính xác của ngày hôm đó”.    “Rs” biểu thị sự khác biệt giữa giá trị trung bình trong ngày và giá trị trung bình của ngày hôm trước và biểu thị “độ chính xác hàng ngày”. Phương pháp này được sử dụng làm phương pháp kiểm soát độ chính xác mang tính thống kê, điển hình cho các phương pháp định lượng. Tài liệu tham khảo: 1.Shewhart, W. A. (1939) Statistical Methods from the Viewpoint of Quality Control. Graduate School, Department of Agriculture, Washington DC, 75. 2. Cách nghĩ về độ chính xác. Thông tin hỗ trợ phòng xét nghiệm. https://www.aandt.co.jp/jpn/medical/qc/ TS Trần Thị Thanh Huyền Giảng viên khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học Ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học

Chính Sách Không Nâng

ノーリフティングポリシー(No Lifting Policy)   Xin chào các bạn, Các bạn đã từng nghe thấy cụm từ No Lifting Policy chưa? No Lifting Policy được Hiệp hội No Lift Nhật Bản định nghĩa là “Nghiêm cấm việc chỉ sử dụng sức người với các hành động như đẩy, kéo, nâng, vặn, vận chuyển.” “Chính sách không nâng” được ra đời vào năm 1998, Hội Điều dưỡng Australia đã khuyến cáo rằng nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ thay vì chỉ dựa vào sức người khi hỗ trợ di chuyển vì việc này có thể gây đau lưng. Với các kỹ thuật thay đổi tư thế, kỹ thuật vận chuyển người bệnh, điều dưỡng viên dù có vận dụng quy trình cơ thể khi thực hiện kỹ thuật, nhưng nếu lặp đi lặp lại các hỗ trợ cần đến nhiều lực của cơ thể chẳng hạn như di chuyển người bệnh từ giường sang xe lăn, di chuyển người bệnh vào nhà vệ sinh khi người bệnh đi tiểu, di chuyển khi hỗ trợ tắm rửa… thì có nhiều điều dưỡng viên than phiền về vấn đề đau lưng. Một số điều dưỡng viên thậm chí đã nghỉ việc vì bệnh đau lưng. Ở Nhật Bản, số ca mắc bệnh đau lưng đang gia tăng tại các cơ sở phúc lợi xã hội như cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã ban hành “Hướng dẫn phòng ngừa đau lưng tại nơi làm việc ”. Lần này, chúng tôi sẽ giới thiệu kỹ thuật hỗ trợ di chuyển sử dụng dụng cụ hỗ trợ đang được thực hiện tại Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. 1. Hỗ trợ di chuyển sử dụng máy nâng hạ di chuyển người bệnh Hình ảnh giờ học hỗ trợ di chuyển người bệnh từ giường ⇔ Xe lăn  (di chuyển người bệnh từ giường sang xe lăn và ngược lại) 2. Kỹ thuật thay đổi tư thế sử dụng tấm trượt và găng tay trượt 3. Ván trượt Thay đổi tư thế và di chuyển lên xuống, trái phải có thể thực hiện được một cách dễ dàng chỉ với một lực nhỏ. Điều này sẽ đảm bảo sự an toàn cho điều dưỡng viên, giảm các tư thế gây gánh nặng cho phần lưng, giảm thiểu phát sinh chứng đau lưng. Vì vậy sẽ làm giảm số lượng nhân viên bỏ việc do đau lưng, đảm bảo nguồn nhân lực tại nơi làm việc. Không có ma sát, không gây tổn thương cho da của người được chăm sóc và có thể ngăn ngừa loét do tỳ đè. Có thể di chuyển một cách an toàn và dễ dàng, dự phòng người bệnh phải nằm liệt giường và hỗ trợ để họ tự lập trong di chuyển. Theo thống kê của Cục Thống kê Bộ Nội vụ và Truyền thông vào tháng 9 năm 2023, tại Nhật Bản, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số là 29,1%. Nhiều người bệnh nhập viện là người cao tuổi và nhiều người trong số họ không thể tự cử động cơ thể. Tấm trượt được chuẩn bị sẵn bên giường những người bệnh không thể tự cử động. Những dụng cụ hỗ trợ để cả người chăm sóc và người được chăm sóc di chuyển một cách an toàn và thoải mái được khuyến khích sử dụng. Các giờ học về việc vận dụng dụng cụ hỗ trợ được tổ chức tại nhiều trường đại học có khối ngành chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam là trường đại học nơi các bạn có thể học về y khoa theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Chúng tôi tổ chức các lớp học sử dụng dụng cụ hỗ trợ nhập khẩu từ Nhật Bản và bạn có thể học các kỹ thuật thông qua trải nghiệm thực tế. Các bạn có muốn cùng học với chúng tôi tại Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam không? Tác giả: Yoko Oguma Giảng viên khoa điều dưỡng Ngành Điều dưỡng

Tuổi Thọ Khỏe Mạnh

Chào các bạn, các bạn có biết thuật ngữ “tuổi thọ khỏe mạnh” không? Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố thuật ngữ này vào năm 2020, đó là “khoảng thời gian có thể sống mà cuộc sống hằng ngày không bị hạn chế bởi vấn đề sức khỏe”. Tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành thể thục thể thao, luận văn tốt nghiệp đại học của tôi là “Tác dụng của vận động ở mức độ vừa phải với hệ thống đông máu và tiêu sợi huyết của phụ nữ trung niên và cao tuổi.”. Tôi đã nghiên cứu về ảnh hưởng của vận động tới việc lưu thông máu. Kết luận chung được đưa ra là “vận động nhẹ nhàng có tác động tích cực đến hệ thống đông máu và tiêu sợi huyết (ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông)”. Có lẽ các bạn sẽ hình dung rằng ngành Giáo dục Thể chất sẽ chủ yếu học về các kỹ năng thực hành và luật lệ thi đấu thể thao, nhưng tại trường đại học mà tôi tốt nghiệp, các môn học bắt buộc bao gồm kiến ​​thức y khoa cơ bản như giải phẫu, sinh lý học cùng nhiều môn học về giáo dục thể chất từ ​​góc độ khoa học, chẳng hạn như y học thể thao, lý thuyết massage, cơ sinh học vận động… Thật ra, cho đến lúc học cấp 3 tôi vẫn không thích học lắm, nhưng ở đại học, mọi thứ được học đều là các nội dung liên quan đến chính bản thân nên tôi đã rất thích thú với việc học hành. Đặc biệt kiến ​​​​thức y học là thứ mà chúng ta có thể học được để sống một cách khỏe mạnh. Khi tôi còn là sinh viên đại học, thuật ngữ “tuổi thọ khỏe mạnh” vẫn chưa tồn tại, nhưng bây giờ tôi tin rằng việc tập thể dục có liên quan đến tuổi thọ khỏe mạnh. Tạo dựng một cơ thể khỏe mạnh là điều quan trọng để kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh của chúng ta. Ở Nhật Bản mọi người được cho rằng đều sống đến 100 tuổi và tôi nghĩ nếu sống được đến 100 tuổi thì ai cũng muốn sống khỏe mạnh. Các bạn khi đọc bài viết này, có thể còn trẻ, khỏe mạnh và tự mình làm mọi việc, nhưng điều quan trọng là phải biến việc tập thể dục vừa phải thành thói quen. Bây giờ mùa nóng đã qua, đã đến mùa hoàn hảo để tập thể dục, vậy tại sao bạn không bắt đầu thực hiện một số hoạt động lành mạnh ngay từ hôm nay để kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh của mình? Duy trì chính là sức mạnh. Bắt đầu một điều gì đó mới mẻ là điều khó khăn, nhưng bạn có thể thay đổi thói quen hàng ngày, thay đổi lộ trình đi làm từ đạp xe sang đi bộ, sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy khi lên các tầng trên. Hãy bắt đầu với những gì chúng ta có thể làm. Từ tháng trước, tôi cũng đã chuyển việc đi làm của mình hai lượt đi về 4km bằng xe đạp sang đi bộ. Tôi muốn bắt đầu lại chạy bộ và kéo dài tuổi thọ khỏe mạnh của mình. “Tôi muốn được khỏe mạnh” “Tôi muốn mọi người trở nên khỏe mạnh” Hẳn đó là điều mà ai cũng mong muốn và suy nghĩ. THUV là trường đại học nơi sinh viên học kiến ​​thức y học cơ bản vơi mục đích trở thành chuyên gia về điều dưỡng, phục hồi chức năng, xét nghiệm y học và hình ảnh y học. Nếu các bạn quan tâm, hãy tham khảo trên website của trường đại học chúng tôi xem chuyên ngành nào bạn muốn học. Ngoài ra, tại các buổi hội thảo về sức khỏe do đại học chúng tôi phối hợp với bệnh viện trực thuộc tổ chức, các bác sĩ và chuyên gia sẽ chia sẻ tới các bạn những thông tin về sức khỏe. Các bạn hãy đến tham dự nhé. Tác giả: Sugawara Junko Phòng Hành Chính Tổng Hợp