Theo số liệu năm 2015 của Liên Hợp Quốc, số người khuyết tật trên thế giới vào khoảng 1 tỷ trong tổng số 7,3 tỷ người, chiếm 7,3% tổng dân số và tại Việt Nam, người khuyết tật chiếm khoảng 10% dân số, tương đương 8,6 triệu người, trong đó khoảng 2 triệu là trẻ em. Tỉ lệ khuyết tật dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng do những nguyên nhân xuất phát từ ảnh hưởng hệ quả của quá trình phát triển xã hội như tai nạn, ô nhiễm môi trường và do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh hoặc do thất lạc vũ khí. Số lượng trẻ em tại Việt Nam được nhận trợ giúp phục hồi chức năng rất thấp, chỉ khoảng 1/5 trẻ khuyết tật được sử dụng tay giả, chân giả, chỉnh hình,… Dịch vụ phục hồi chức năng, sản xuất chân tay giả không sẵn có tại nhiều cộng đồng và nhân viên y tế phần lớn chưa được đào tạo đầy đủ để làm việc cùng với gia đình, người bệnh khuyết tật. Dựa trên thực tế đó, ngành Dụng cụ chỉnh hình chân tay giả (DCCHCTG) ra đời như một điều tất yếu. Lịch sử ngành DCCHCTG đã có từ rất lâu và phát triển vượt bậc tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, ngành DCCHCTG còn khá mới mẻ với người dân do việc đào tạo nhân viên Y tế ngành này còn hạn chế. Những năm gần đây, nhu cầu nhân lực kỹ thuật viên DCCHCTG bắt đầu tăng lên do nhu cầu của người dân gia tăng; các doanh nghiệp/cơ sở Y tế sản xuất DCCHCTG ngày càng nhiều như BV Bạch Mai, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM, Trung tâm Đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình Việt Nam… Điều đó cho thấy ngành DCCHCTG đang được chú ý từ nhiều góc độ, đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. DCCHCTG là dụng cụ hỗ trợ phục hồi các chức năng đã bị suy giảm hoặc thay thế cho tay chân thật của những người khuyết tật khi bị cắt cụt do tai nạn, bệnh tật hay chiến tranh…Những dụng cụ như chân giả, tay giả ngoài việc hỗ trợ người khuyết tật có thể đi lại dễ dàng hơn, sử dụng cánh tay thuận tiện hơn còn giúp làm cân bằng cơ thể, tránh khả năng bị dồn trọng lực cơ thể xuống một bộ phận khác của cơ thể. Kỹ thuật viên DCCHCTG làm công việc chế tạo DCCHCTG đó. Tuy nhiên, công việc này không đơn giản chỉ là chế tạo DCCHCTG thông thường mà người kỹ thuật viên DCCHCTG còn phải đo, lấy mẫu và chế tạo sao cho phù hợp với cơ thể người sử dụng, giúp cố định nó một cách chắc chắn và một việc quan trọng nữa là chăm sóc tinh thần để loại bỏ tâm lý lo sợ của người bệnh sau lắp ghép. Vì vậy, kỹ thuật viên DCCHCTG sẽ làm việc với vai trò một cán bộ y tế trong nhóm chăm sóc y tế và kết hợp với các cán bộ chuyên môn y tế, cụ thể là bác sỹ nhằm đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Để trở thành kỹ thuật viên chỉnh hình chân tay giả, đòi hỏi học viên cần học các kiến thức và kỹ thuật chuyên môn cao cấp trong suốt 4 năm đại học. Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam đã thành lập Khoa DCCHCTG để đào tạo ra những chuyên gia như vậy. Đây là cơ sở đầu tiên tại Việt Nam, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo ngành DCCHCTG hệ đại học chính quy tại Việt Nam. Tại Nhật Bản, kỹ thuật viên chỉnh hình chân tay giả được công nhận khi có chứng chỉ hành nghề quốc gia. Với sự hợp tác học thuật của Đại học khoa học tổng hợp nhân sinh (Nhật Bản), là trường có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo chuyên gia y tế tại Nhật Bản, trường Đại học y khoa Tokyo Việt Nam với phương pháp đào tạo theo phong cách Nhật Bản sẽ giúp các kỹ thuật viên DCCHCTG nắm vững kiến thức và kỹ thuật chuyên môn cao cấp theo tiêu chuẩn thế giới. Bên cạnh đó, sinh viên theo học chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam có thể mở rộng phạm vi hoạt động nghề nghiệp trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Nhật Bản.