April 2022

Hoa anh đào của Nhật Bản- Đối sách phòng chống lũ lụt

Chào các bạn! Tháng 4 là mùa hoa anh đào nở trên khắp đất nước Nhật Bản. Hoa anh đào được trồng ở rất nhiều nơi như công viên, sân nhà hay dọc các tuyến đường và đặc biệt là được trồng nhiều ở các bờ sông. Hoa anh đào được trồng nhiều ở các bờ sông từ thời Edo (Năm 1603~1868). Thời xưa, mỗi khi trời mưa, mực nước sông dâng cao dẫn tới lũ lụt, do vậy người xưa đã nghĩ ra đối sách này như một biện pháp tiết kiệm để chống lũ lụt. Đây là những lý do mà rất nhiều hoa anh đào đã được trồng ở các bờ đê ven sông, như một biện pháp để ngăn chặn lũ lụt. Mọi người khi tới Nhật Bản, hãy chọn mùa hoa anh đào nở (Ở Tokyo là vào cuối tháng 3~ đầu tháng 4) để ngắm hoa anh đào nhé. Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam là trường đào tạo về khối ngành khoa học sức khỏe 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Chúng tôi hiện đang tuyển sinh các ngành: Điều dưỡng, Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Kỹ thuật Hình ảnh Y học. Chúng tôi luôn chào đón bạn đến thăm Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. Trưởng phòng đào tạo Ths. Sato Hiroko (佐藤弘子) 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸 https://tokyo-human.edu.vn/tuyen-sinh/thuv2022/ 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸

TIÊM KHÔNG ĐAU

Tiêm có đau không? Đây là câu hỏi và thắc mắc của nhiều người, nhất là trước thời điểm chuẩn bị phải tiêm. Mỗi chúng ta, chắc hẳn ai cũng đã từng bị tiêm, và kể cả người lớn hay trẻ em, thậm chí là cả những nhân viên y tế vẫn có cảm giác “sợ sợ” khi nhìn thấy mũi tiêm chuẩn bị đâm vào da thịt mình, phải không các bạn? Vậy, khi tiêm có đau nhiều không, phụ thuộc các yếu tố nào và làm sao để hạn chế tối đa cảm giác đau đó? Tiêm là kỹ thuật đưa thuốc dịch hoặc chất dinh dưỡng và một số chất khác qua da vào trong cơ thể để phục vụ chẩn đoán và điều trị. Có nhiều loại đường tiêm và được phân loại theo vị trí tiêm, ví dụ như tiêm trong da, dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, trong xương, động mạch, màng bụng. Trong đó, tiêm bắp và tiêm tĩnh mạch là phổ biến hơn cả. Cảm giác đau do tiêm xuất hiện khi mũi kim đâm xuyên qua da, ngay lập tức kích thích lên các receptor đau nằm ở lớp nông của da rồi được truyền về sừng sau tủy sống theo các sợi thần kinh cảm giác và tiếp tục được truyền về trung tâm nhận thức cảm giác đau nằm ở vỏ não. Tốc độ truyền này rất nhanh, 6-30 mét/giây, điều đó giải thích vì sao khi bạn vừa bị đâm kim là có cảm giác đau ngay. Cảm giác đau này xuất hiện trong suốt quá trình tiêm và có thể vẫn còn sau khi rút kim. Đau do tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố không thể thay đổi được như loại thuốc tiêm. Có những thuốc tiêm ít đau, nhưng cũng có thuốc cảm giác đau nhiều. Thông thường, với những thuốc đẳng trương thì ít gây đau hơn các thuốc nhược trương hay ưu trương. Tuy nhiên, cũng có các yếu tố khác có thể can thiệp để giúp hạn chế tối đa cảm giác đau cho người được tiêm. Đầu tiên là lựa chọn bơm kim tiêm phù hợp với số lượng thuốc và vị trí tiêm, kim càng nhỏ thì càng ít đau. Tiếp đến là kỹ thuật tiêm, do các receptor đau nằm ở ngay dưới da, nên cần đâm kim thật nhanh để mũi kim vượt nhanh qua da đến cơ hoặc vào lòng mạch. Đối với tiêm bắp, vị trí tiêm ở giữa khối cơ cũng ít đau nhất, nên chọn các cơ lớn như cơ ở vùng mông, vùng đùi trước hoặc cơ Delta ở cánh tay. Tốc độ bơm thuốc nên thật chậm, vừa an toàn cho người bệnh, vừa đỡ đau. Sau khi tiêm xong, nên rút kim thật nhanh giống như lúc đâm kim vào. Một yếu tố nữa thuộc về phía người được tiêm, đó là tâm lý. Nếu bạn có cảm giác sợ đau, tâm lý lo lắng, căng thẳng thì chắc chắn mũi tiêm đó sẽ làm bạn đau hơn mức bình thường. Thế nên, người tiêm nên ân cần giải thích tỷ mỉ, động viên an ủi sẽ giúp người bị tiêm giảm cảm giác đau. Các bạn thấy đó, đau khi tiêm là một cảm giác mang tính chủ quan của người được tiêm, và chúng ta hoàn toàn có thể có những phương pháp làm giảm tối đa cảm giác đau đó, thậm chí là TIÊM KHÔNG ĐAU. Các bạn có muốn trở thành một người Điều dưỡng có kỹ năng tiêm rất nhẹ nhàng, không đau không? Hãy tìm hiểu và đăng ký theo học chuyên ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam nhé. Tác giả: ThS. Nguyễn Trọng Nghĩa- Giảng viên khoa Điều dưỡng 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸 THUV’S 2022 OPEN DAY

GIÁ TRỊ CỦA MRI TRONG CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH Y HỌC

Cộng hưởng từ (MRI) cùng với siêu âm, x-quang, cắt lớp vi tính (CT), SPECT và PET/CT là những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng phổ biến trong Y học hiện đại. So với các kỹ thuật chụp khác, MRI thể hiện ưu điểm vượt trội trong việc đánh giá các mô mềm, sụn khớp, gân cơ và dây chằng. MRI cung cấp nhiều hình ảnh khác nhau (T1, T2, PD, fatsat, IR…) trên tất cả hướng axial, coronal, sagittal, oblique giúp cho việc chẩn đoán đạt được hiệu suất tối đa. Vậy MRI hoạt động như thế nào và làm sao để chúng ta có được những hình ảnh đó? Một thực tế quan trọng trong tất cả các điều này nằm ở proton Hydro, chúng ta có một proton với hai trạng thái năng lượng nằm ngược hướng nhau, một chỉ hướng Bắc và một chỉ hướng Nam. (Nếu có một số chẵn proton trong hạt nhân thì mọi proton sẽ được ghép cặp: với mỗi proton quay trong từ trường hướng ngược lên, chúng ta có một proton ghép cặp quay trong từ trường hướng ngược xuống. Từ trường của các cặp ghép đôi này sẽ triệt tiêu nhau và từ trường ròng sẽ là 0). Khi có số lẻ proton thì sẽ luôn tồn tại một proton không được ghép cặp. Proton đó chỉ hướng Bắc hoặc Nam và tạo ra điện từ trường hay momen lưỡng cực từ tới hạt nhân. Thực tế, MDM được tìm thấy ở bất kì hạt nhân nào có số lẻ proton, neutron, hay cả hai. Tương tác lưỡng cực – lưỡng cực nói đến sự tương tác giữa hai proton hay giữa proton với electron. Hạt nhân của một số nguyên tố, như Hydro (1H) và Flo (19F), có những tính chất này. Mỗi trong số những hạt nhân có số lẻ proton hay neutron có thể được sử dụng cho hình ảnh MR. Tuy nhiên, có lý do giải thích tại sao chúng ta dừng lại với Hydro. Chúng ta sử dụng Hydro cho hình ảnh vì chúng rất phong phú. Khoảng 60% cơ thể là nước. Ví dụ, chúng ta tìm kiếm proton (1H), trong H2O và chất béo (-CH2-). Đến với THUV, các bạn sẽ được tìm hiểu sâu sắc về nguyên lý căn bản trong việc thu thập tín hiệu, tái tạo tín hiệu, xây dựng hình ảnh và tối ưu hóa hình ảnh MRI. Song song với việc học tập tại trường, các bạn cũng sẽ được quan sát và vận hành thực tế MRI trên những máy chụp hiện đại như 1.5 Tesla và 3.0 Tesla trong chương trình thực tập tại Bệnh viện. Ngoài ra, các bạn cũng sẽ được tìm hiểu về nhiều kỹ thuật chụp MRI khác như cộng hưởng từ phổ (MRS) trong chụp chẩn đoán khối u não, u tiền liệt tuyến; cộng hưởng từ tim, cộng hưởng từ tưới máu não (MR Perfusion), cũng như ứng dụng của PET/MRI trong chẩn đoán Y học hạt nhân. Tác giả: TS.Trần Văn Biên- Giảng viên Ngành Kỹ thuật Hình ảnh Y học 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸 https://tokyo-human.edu.vn/tuyen-sinh/thuv2022/

VAI TRÒ CỦA CÁC CƠ TRONG ỐNG TIÊU HÓA

Tại Khoa Kỹ thuật xét nghiệm Y học, sinh viên sẽ được học về cấu tạo của các mô trong cơ thể con người. Và trong đó có nhóm cơ thuộc ống tiêu hóa, nơi thực hiện hoạt động khi chúng ta ăn uống hàng ngày. Vậy nhóm cơ này có chức năng gì? Ống tiêu hóa là các cơ quan từ miệng, thực quản, dạ dày đén ruột non, đại tràng. Ống tiêu hóa có vai trò hoạt động để vận chuyển thức ăn từ khi vào miệng, tới khi ra ngoài qua hậu môn. Nhóm cơ thực hiện hoạt động này chính là cơ trơn mà tôi đã giới thiệu đến các bạn trong bài trước.Chính xác hơn thì ¼ trên của thực quản là cơ vân, phần sau đó là cơ trơn thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thức ăn. Phần cơ trơn này cử động theo chiều ngang và chiều dọc. Tại ruột non và đại tràng có 2 lớp cơ trơn xếp song song, bằng việc cử động theo chiều dọc và chiều ngang giúp di chuyển thức ăn đến hậu môn. Hoạt động này gọi là nhu động ruột.Nhóm cơ của dạ dày được chia làm 3 lớp, bằng việc tăng cường thêm lớp cơ chéo giúp thức ăn được trộn đều với dịch vị theo chiều dọc, ngang và chéo. Chúng ta có thể thấy được sự khác biệt rõ ràng của các nhóm cơ này qua kính hiển vi. Cơ trơn của ruột non chính là nhóm cơ được chỉ mũi tên như hình 2 qua kính hiển vi Vậy tại sao chúng ta lại phải biết về sự cấu tạo này? Bởi vì cấu tạo này sẽ thay đổi tùy vào tình trạng bệnh, nên để hiểu được những thay đổi đó, chúng ta cần phải hiểu rõ trạng thái cấu tạo bình thường của chúng.Tại khoa Kỹ thuật xét nghiệm Y học, các bạn sinh viên sẽ được học về cấu tạo tổ chức như vậy. Hãy cùng chúng tôi khám phá những điều kỳ lạ đó nhé. Có thể các bạn sẽ thấy nó khó, nhưng chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn từng chút, từng chút một nên các bạn hãy yên tâm nhé. Nếu bạn có quan tâm, hãy đến thăm quan THUV nhé. Tác giả: ThS.Nakai Yuko- Phó Trưởng khoa Kỹ thuật xét nghiệm Y học 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸 https://tokyo-human.edu.vn/tuyen-sinh/thuv2022/

ĐIỀU DƯỠNG QUAN – HÌNH TƯỢNG NGƯỜI ĐIỀU DƯỠNG LÝ TƯỞNG CỦA BẠN

Với hầu hết sinh viên chuyên ngành Điều dưỡng tại Việt Nam, khái niệm “Điều dưỡng quan” là một khái niệm hoàn toàn mới. Tại Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, với chương trình giảng dạy theo tiêu chuẩn Nhật Bản, các bạn sinh viên ngoài việc được tiếp cận với các kiến thức tiên tiến nhất, học tập với trang thiết bị máy móc hiện đại nhất còn được nuôi dưỡng và phát triển “Điều dưỡng quan” để trở thành một nhân viên y tế giàu lòng nhân ái. Vậy “Điều đưỡng quan” là gì ? Điều dưỡng quan là quan điểm, là cách suy nghĩ về vấn đề : “Với tư cách là một điều dưỡng viên, ta nên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh như thế nào ?”. Quan điểm này khác nhau tùy thuộc vào từng nhân viên Điều dưỡng và cũng thay đổi tùy thuộc vào vị trí và tình hình tại thời điểm đó. Hơn nữa, trong quá trình làm việc, “Điều dưỡng quan” sẽ ngày càng sâu sắc và vững chắc hơn. Hiểu một cách đơn giản, “Điều dưỡng quan” là đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi : Bạn muốn trở thành một Điều dưỡng viên như thế nào ? Bạn đã từng muốn trở thành một Điều dưỡng viên như thế nào ? Bạn đã trở thành một Điều dưỡng viên mà bạn mong muốn trở thành chưa ? Làm thế nào để trở thành một Điều dưỡng viên mà bạn mong muốn ? Hay nói cách khác, “Điều dưỡng quan” là đi tìm hình tượng người điều dưỡng lý tưởng của bạn. Bạn muốn bản thân mình trở thành người điều dưỡng như thế nào ? Vì sao bạn nghĩ rằng “Điều dưỡng quan” đó lại trở nên quan trọng đối với bạn với tư cách là Điều dưỡng viên ? Từ thực tế, trải nghiệm nào khiến bạn đúc kết được “Điều dưỡng quan” cho riêng mình…? Hành trình đi tìm “Điều dưỡng quan” không phải là khi bạn đã trở thành Điều dưỡng viên thực thụ, mà nó bắt đầu ngay khi bạn nuôi dưỡng ước mơ trở thành một Điều dưỡng viên. Hành trình ấy, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc. Nó sẽ là hành trang trong suốt quá trình học tập và làm việc của mỗi một Điều dưỡng viên. Điều dưỡng là một công việc liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người. Nó không chỉ đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng mà còn mang cả một ý nghĩa nhân văn cao cả. Là sự cảm thông, chia sẻ, là sự ân cần, tỷ mỉ… để có thể chăm sóc người bệnh một cách An toàn – An lạc – An tâm. Hy vọng rằng, mỗi một bạn sinh viên Điều dưỡng nói riêng, và nhân viên y tế nói chung, đều tìm được cho bản thân mình một hình tượng lý tưởng, một “Điều dưỡng quan” làm kim chỉ nam cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tác giả- Cô Dương Thị Thu Hương- Phó Trưởng khoa Điều dưỡng 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸 https://tokyo-human.edu.vn/tuyen-sinh/thuv2022/

MÔI TRƯỜNG NGHIÊN CỨU TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA NHẬT BẢN

Từ thời kỳ Minh Trị trong Cuộc Duy Tân Minh Trị (1858- 1881), đất nước Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện các cuộc cải cách mang tính bước ngoặt cho lịch sử nước nhà. Đó là việc thực hiện một loạt các chính sách về Kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục để tiếp thu các kiến thức, tinh hoa của nền khoa học, kĩ thuật tiên tiến từ các nước phương Tây. Điều này đã tạo đà cho nước Nhật chuyển mình trở thành một trong những cường quốc trên Thế Giới. Đi đôi với sự phát triển khoa học hiện đại, Nhật Bản cũng đẩy mạnh phát triển về công nghệ giáo dục nhằm đào tạo ra các thế hệ tương lại có kiến thức, kĩ năng để phù hợp với sự phát triển của đất nước, hội nhập với nền khoa học của Thế Giới. Tại các Trường Đại học của Nhật Bản bên cạnh việc đào tạo bậc Đại học, họ cũng mở rộng đào tạo thêm các kiến thức chuyên môn, chuyên sâu và nhiều ngành nghề sau Đại học. Trong đó không thể không nhắc tới nghành Y tế. Vì việc nâng cao chất lượng cuộc sống luôn đi đôi với việc bảo vệ và duy trì sức khỏe của con người. Hầu hết các Trường Đại học Y khoa của Nhật bản hiện đang có rất nhiều Giảng viên là Giáo sư, Tiến sĩ được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn ở nước ngoài về cống hiến cho nước nhà. Họ chính là người trao truyền kiến thức cho các thế hệ tương lai của đất nước. Ngoài công việc giảng dạy hàng ngày, các Giảng viên tại đây luôn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi các kiến thức mới mẻ để truyền đạt đến các sinh viên của họ. Tại đây, các bạn sinh viên ngành Y của Nhật Bản được học tập về phương pháp nghiên cứu khoa học từ rất sớm và được nhà trường cũng như các Giảng viên khuyến khích, tạo điều kiện để có học tập và nghiên cứu khoa học. Sinh viên của các Trường Đại học tại Nhật Bản nói chung cũng như các Trường Đại học Y nói riêng, họ luôn cố gắng đến trường sớm và ra về rất muộn. Họ vô cùng hăng say với công việc và công việc được xem như một phần quan trọng trong cuộc sống. Đây là tác phong làm việc đã trở thành văn hóa, lối sống của người Nhật Bản. Văn hóa làm việc cũng như thái độ cầu thị, vượt khó, vượt khổ của họ làm cho chúng ta phải ngưỡng mộ. Tại Trường Đại học Y của Nhật Bản, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc rất hiện đại, được nhà trường trang bị đầy đủ. Các hoạt động nghiên cứu giữa thầy và trò diễn ra rất sôi nổi. Các bạn sinh viên thường tham gia nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các Giáo sư, Tiến sĩ. Các nhóm nghiên cứu định kỳ thực hiện nghiêm túc các báo cáo hàng ngày, hàng tuần và về tiến mức độ phát triển của quá trình nghiên cứu. Họ thường xuyên giao lưu các nhóm nghiên cứu với nhau để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, sinh viên còn có cơ hội được trình bày các công trình nghiên cứu của mình ở các tỉnh trong nước và nước ngoài, giúp các bạn phát huy, được cọ sát và học hỏi nhiều hơn. Chính điều này đã giúp sinh viên đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu cho bản thân và nền khoa học Nhật Bản. Đằng sau những thành tự đó là sự miệt mài, cố gắng đến tối muộn để thực hiện thí nghiệm. Tại các Trường Đại học Y của Nhật Bản, chúng ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh các bạn sinh viên học tập nghiên cứu đến tối muộn vẫn chưa về. Đến đêm vẫn còn các ánh đèn điện phòng học, phòng nghiên cứu, thư viện, hay khu rèn luyện thể thao. Đó là nơi các sinh viên đang nỗ lực, rèn luyện phát triển bản thân cả về trí óc và thể lực để cứu giúp người bệnh – nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều khiên tôi ấn tượng nhất ở hầu hết các sinh viên Nhật Bản trong đó có sinh viên Y khoa đó chính là thái độ ngoan ngoãn, lễ phép, lịch thiệp. Có lẽ bởi vì họ đã được đào tạo trong môi trường giáo dục rất tốt từ nhỏ cả từ phía gia đình và trường học. Bên cạnh đó các bạn sinh viên Nhật Bản cũng rất năng động, luôn tìm tòi sáng tạo cái mới. Đặc biệt là họ rất ưa hoạt động thể dục, thể thao và đọc sách. Đó là những kĩ năng cần thiết cho giới trẻ 4.0 “Khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ”. Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, với chương trình giáo dục tiêu chuẩn Nhật Bản là một trong những môi trường học tập như vậy. Hãy đến với Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, chúng tôi luôn chào đón bạn! Tác giả: ThS. Nguyễn Đăng Khoa- Giảng viên Ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸 https://tokyo-human.edu.vn/tuyen-sinh/thuv2021/

XU HƯỚNG TUYỂN DỤNG NHÂN LỰC TRÊN THẾ GIỚI SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Theo Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI), xu hướng phát triển và nhu cầu phát sinh của các ngành nghề trong đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới xu hướng tuyển dụng tại một số thị trường lớn trên Thế giới. Những thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và cách thức hoạt động của doanh nghiệp cũng góp phần tác động tới nhiều nhóm công việc khác nhau. Ngành y tế, khoa học, vận tải cần nhân lực Sau đại dịch, người tiêu dùng tại một số thị trường lớn vẫn sẽ tiếp tục tận dụng các nền tảng thương mại điện tử và các dịch vụ giao hàng nhanh. So với các mô hình bán lẻ truyền thống, những dịch vụ này có thể mang lại sự tiện lợi cho người dùng. Khi hình thức làm việc tự do, bán thời gian trở nên phổ biến tại nhiều Quốc gia, ngành vận tải hàng hoá có thể thu hút và duy trì nguồn lao động tự do qua các dịch vụ “trung gian”. Để tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội trong thời dịch, người lao động phải làm việc từ xa qua Internet, do vậy để quá trình vận hành được thuận lợi, nhiều công ty cần tăng nguồn nhân lực cho bộ phận quản trị hệ thống mạng và cơ sở dữ liệu. Theo cơ quan Dịch vụ Việc làm của Liên minh châu Âu (EURES), sự bùng phát đại dịch COVID-19 đã dẫn tới nhu cầu đáng kể của toàn cầu trong lĩnh vực khoa học, Y tế và môi trường. Sau đại dịch, các ngành kỹ thuật y sinh, hoá học, sinh học hay phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục mang lại giải pháp đổi mới và sáng tạo cho cuộc sống hiện đại. Trong quá trình phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, vai trò của ngành Y tế đối với sức khoẻ cộng đồng liên tục được nhấn mạnh. Sau đại dịch, việc đẩy mạnh đào tạo các chuyên ngành Y khoa như Bác sĩ, Dược sĩ, các Kĩ thuật viên xét nghiệm, Điều dưỡng… sẽ được chú trọng. Bên cạnh đó, các cơ quan dịch vụ Y tế hiện nay đã sẵn sàng cho việc đưa nền tảng tự động hoá và công nghệ trực tuyến vào hoạt động sản xuất thuốc, vaccine hay chẩn đoán bệnh. Để vận hành những công nghệ này, ngành Y tế sẽ cần thêm nguồn nhân lực trình độ cao với các kỹ năng khoa học, kỹ thuật. Trong bối cảnh dân số Thế giới ngày càng già đi, ngày càng có nhiều các đại dịch, các vấn đề sức khỏe khác nhau của con người thì các ngành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ càng có nhiều cơ hội phát triển. Máy móc có thể thay thế con người trong một số việc đơn giản, xóa sổ một số ngành nghề trong tương lai, tuy nhiên có một sự thật không thể thay đổi là nhân viên y tế không thể thay thế. Nhu cầu về nhân lực Y tế phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của con người chưa bao giờ là đủ. Qua đó, các bạn có thể thấy được vị trí không thể thay thế của ngành Y tế, dù là ở trước đây, hiện tại hay tương lai. Các bạn trẻ thân mến, các bạn nghĩ sao khi chúng ta lựa chọn ngành Y để đăng kí học và làm ngành nghề chúng ta sẽ phát triển bản thân trong tương lai? Chắc chắn sẽ có rất nhiều ý kiến đa chiều ở đây. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng trong số các bạn đọc được bài viết này, sẽ có những bạn dừng lại và nghĩ về tương lai, về lựa chọn ngành Y. Và, hãy nghĩ về Trường Đại học Tokyo Việt Nam các bạn nhé. Chúng tôi đang ở đây vì sự lựa chọn của bạn! Tác giả: Cô Lê Thị Thanh Thủy- Bộ phận Hành chính Tổng hợp 🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸🌸 https://tokyo-human.edu.vn/tuyen-sinh/thuv2021/